Chương 77: Dưới tán bồ đề (1)

1.8K 85 0
                                    


Tôi giữ chặt gùi, đưa tay lên lau mồ hôi rịn ướt trên trán.

Vừa lập xuân còn chưa được bao lâu, trời hãy còn hanh hanh nắng vàng, se se lạnh, ấy thế mà thầy trò Trần Uy - Lý An Tường nhất định lôi cổ tôi đi hái thuốc cho bằng được. Dù rằng bệnh của tôi đã khỏi nhưng tôi thấy mình vẫn còn đang mệt mỏi lắm, bệnh này tốt nhất là tĩnh dưỡng thêm dăm bữa nửa tháng, hoặc nửa năm càng tốt. Nhưng tiếc thay thầy tôi, cũng tức là danh y số một Đại Cồ Việt không nghĩ vậy. Từ sáng sớm mấy hôm trước tôi đã phải khăn gói quả mướp, cơm nắm muối lạc đi theo Giáo thụ và Tường lặn lội đi thu hái dược liệu, hơn nữa chuyến này đi còn đi xa, là lần hái thuốc quan trọng đầu tiên trong năm.

Nói là "quan trọng" bởi lẽ trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi mùa sẽ thuận lợi cho việc thu hái từng loại dược liệu hoặc từng bộ phận khác nhau của cây. Chuyến này chúng tôi đi ngược lên hướng Bắc, tìm về những cánh rừng rậm đại ngàn, nơi mà cây hoàng nàn, núc nác, hay canh ki na, cây xoan, cây quế mọc nhiều không đếm xuể. Mùa xuân là thời kỳ nhựa cây hoạt động mạnh, dễ dàng để người đi rừng bóc tách lớp vỏ xù xì ra khỏi thân cây. Hơn thế nữa, đây cũng là thời điểm tuyệt vời để thu hái những búp non như búp chè, búp ổi... về dự trữ. Lần thu hoạch dược liệu này không có người của Thái y viện, chỉ có người của Thái y ty, đâu đấy tổng lại hơn mười người. Ấy vậy mà trời xui quỷ khiến, mấy người kia được về hết còn tôi lại "trịnh trọng" được đi cùng Giáo thụ và trưởng tràng như thế này.

Đôi khi phải ở trong chăn mới biết chăn có rận.

Nghĩ đi với Trần Uy là sướng lắm? Ồ, không hề!

Trần Uy tuổi đã cao nhưng sức khoẻ hãy còn khang kiện, Lý An Tường càng không có gì đáng để nói hơn. Đôi khi tôi còn nghi ngờ liệu rằng y có thật sự là người ăn chay trường hay không nữa.

Tôi thở hổn hển, lê lết hết từ bậc đá này lên bậc đá khác, nhớn nhác nhìn quanh một hồi. Trần Uy với Tường vẫn thoăn thoắt đi trước, tôi bèn hỏi:

"Bẩm... Giáo thụ, ta đang đi đâu vậy ạ? Đây là chùa mà?"

Trần Uy thong thả đi chậm lại, nheo mắt ra nhìn quanh quang cảnh một hồi, vuốt chòm râu điểm bạc, bảo:

"Ta rời quê đã lâu, nay ngang qua nên ghé lại gặp cố nhân, hàn huyên một chút."

Tôi cúi đầu kính cẩn:

"Dạ vâng."

Trần Uy tiếp lời:

"Người này là bậc thiền sư, trò có muốn nghe thỉnh giảng thì cùng vào."

Tôi cười trừ xua tay:

"Người cứ để con ngoài này, con ở đây là vui lắm rồi ạ."

Nói đến đây Tường nối gót Trần Uy đi vào phía trong. Tôi cúi chào rồi tha thẩn chơi ở sân chùa.

Tôi đã xuyên không về tận 1000 năm trước nhưng xem ra, ngôi chùa này còn cổ hơn cả hai chữ "cổ đại" nữa. Chùa bề thế uy nghiêm, rêu nhuộm xanh những mái ngói đỏ thâm, lan cả xuống những bức tường ẩm ướt một màu xám tro nhờ nhờ. Trong khu vườn rả rích tiếng dế kêu, mấy gốc cây gạo, cây bồ đề to đến mức vài ba thanh niên trai tráng cũng ôm không xuể. Tôi hít một hơi sâu, cảm nhận hương thơm của những điều xưa cũ, của thời gian căng đầy lồng ngực, thích thú nhảy chân sáo lại gần một bia đá lớn. Vén mấy nhánh dương xỉ non xoăn tít qua một bên, tay tôi di di dọc theo nét chữ khác trên phiến đá, bập bẹ đọc:

"Lục... Lục Tổ Tự?"

"Chùa Lục Tổ?"

Không biết mình đọc đã đúng chưa nhỉ? Tôi lùi lại mấy bước, tay chắp sau lưng, nheo mắt nhìn tảng đá đề tên trước mặt, bỗng dưng nghe động, tôi giật mình quay người lại. Từ hướng trảng cây xanh rậm rì, một sư thầy mặc áo cà sa, tay chống gậy trúc khoan thai bước tới. Ánh nắng mùa xuân ấm áp rải lên đôi lông mày đã điểm bạc, làm sáng bừng những đốm đồi mồi, đậu trên những nếp nhăn nơi khoé mắt. Tôi kính cẩn chắp tay cúi đầu:

"Con chào sư thầy ạ."

Sư thầy chào đáp lễ, đoạn cúi xuống nhặt gì đó ngay dưới chân tôi. Tôi hơi thảng thốt liền đứng im, sợ rằng một giây thất thố của mình mà giẫm phải tay thầy mất. Người nhặt rồi đứng thẳng dậy, cẩn thận đặt lên một góc cao. Tôi hơi ngẩn người, nhìn kỹ hơn thì hoá ra trong bàn tay nhăn nheo già nua, thầy cẩn thận giữ một chú bọ ngựa. Duy chỉ có điều là nhìn thế nào cũng thấy chú bọ ngựa kia đã chết rồi. Vốn sẵn tính hiếu kỳ tôi liền hỏi:

"Bẩm thầy, tại sao bọ ngựa chết rồi mà thầy còn thương xót nó?"

"Tất cả chúng sinh khắp các phương hướng, dù là con người hay muông thú, dù kẻ thân thiết đến người sơ bạc, dù còn hay là mất, nếu con nguyện lòng yêu thương tất cả, ấy là khởi nguồn của lòng trắc ẩn, ấy là làm cho vô hạn tâm từ bi đến vô biên vô lượng." - Thầy đáp.

Tôi hơi khó hiểu, đứng nghiêng đầu một hồi, cố gắng lắm nhưng vẫn chưa tỏ tường liền hỏi thêm:

"Nhưng thưa thầy, bọ ngựa đã chết rồi, mà chết là hết đúng không ạ?"

Sư thầy nhìn tôi, mỉm cười:

[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ