Chương 90: Biến cố (1)

1.8K 78 0
                                    


Giữa giờ Ngọ, tôi cùng mấy chục người nữa bị trói chặt, quân lính kẻ lăm lăm cây giáo, kẻ cầm roi mây liên tiếp quật vào người, thúc vào lưng, vào bụng, bắt chúng tôi mau mau xếp thành hàng sơ sân đình.

Trời đương mùa xuân nhưng giữa trưa vẫn oi bức một cách kỳ lạ. Hoặc giả, thời tiết chẳng khó chịu là bao, thứ khó chịu là vết thương trên đầu khiến tôi choáng váng, máu bết vào tóc, dính vào cằm, vào cổ, loà xoà trước mặt. Tôi khẽ nhíu mày, điều chỉnh tư thế quỳ cho dễ chịu hơn. Dây thừng thít chặt vào cổ tay đến mức mỗi nhịp cử động lại khiến tôi đau rát như cắt da cắt thịt. Xung quanh tôi dễ có đến cả trăm người cũng chịu chung số phận, cũng bầm dập tơi tả, quỳ gối trước tên Huyện lệnh(1) Mai Vị.

Hắn ta trạc hơn bốn mươi, béo múp míp, khuôn mặt vốn đểu giả lại được tô điểm thêm bằng bộ râu cá trê hung hung đỏ. Hắn đi chân đất, ngồi phưỡn cái bụng to dễ bằng bà bầu sáu, bảy tháng, chễm chệ ngồi rung đùi. Thi thoảng lại hắn lại xúc một miếng bánh trôi nước đổ vào miệng, vừa nhai nhồm nhoàm vừa khanh khách cười như kẻ điên mỗi khi có ai đó bị roi mây quật xuống. Có đến dăm bảy tên quan lại chức sắc khác ngồi quây xung quanh, đàn đúm với nhau đủ thứ chuyện. Vài ba tên tiểu tốt cầm quạt lông ngỗng trắng muốt phe phẩy cho chủ nhân, thi thoảng lại cười giả lả đầy nịnh bợ.

Tôi không ghê tởm bộ dạng man rợ ngu ngốc của chúng, tôi ghê tởm sự điên cuồng và ngạo mạn của quan lại xứ này.

Chúng thẳng tay chà đạp, đánh đập và bịt miệng bất cứ ai lên tiếng về sự tham lam đến cùng cực. Chúng chia nhau gạo cứu đói, nhởn nhơ ăn trắng mặc trơn bên trên dân chúng lầm than chết vì đói, vì khổ.

Tôi hít một hơi sâu, lồng ngực như nghẹn lại bởi những cơn sóng giận dữ. Bên cạnh tôi, một người đàn bà đã gục hẳn xuống dưới đất, nằm bất động. Đứa trẻ trạc hơn mười tuổi quỳ bên cạnh khóc lớn gọi mẹ. Tôi cúi gằm mặt, không biết làm gì hơn khi chính bản thân mình cũng lâm vào đường cùng.

Đã một ngày một đêm tôi bị giải đi trong đám dân bạo loạn, những đòn roi giờ đây chẳng còn có thể khiến da thịt đau đớn hơn được nữa. Khi tất cả bị áp giải ra sân đình trong lòng ai cũng thầm hiểu điều tồi tệ hơn còn đang chờ đợi mình.

Tôi nghe phong thanh rằng trong đám dân bạo loạn những lần trước, tất cả sau khi xét xử đều bị thích chữ lên mặt, cuối cùng đày đi khổ sai ở hạ lưu sông Mai Dịch.

Điều kỳ lạ là từ đó đến nay chưa từng có ai trở về.

Càng kỳ lạ hơn không còn thấy giao long theo đường sông đi vào sâu quấy nhiễu dân làng nữa, chỉ thi thoảng người ta lại bắt gặp đôi ba vạt áo rách bươm còn lại chút ít dắt ở những mỏm đá ven bờ.

Thể theo những lời ấy mà nói, tôi đồ rằng mình cũng chẳng còn nhiều thời gian. Khắp người vết thương mới đau đớn không kể xiết, thương cũ bị dây thừng thít chặt, ri rỉ chảy những dòng huyết tương vàng vàng tanh tưởi. Sức lực này dẫu có thả ra chỉ e tôi đứng cũng không nổi, càng không nói đến việc phục dịch. Với thân phận giả trai, nếu bắt phạt khổ sai thì tôi là người đầu tiên phải chịu trận. Tiết lộ thân phận thật của mình ư? Tôi rùng mình khi nghĩ lại cảnh bàn tay ghê tởm của tên Huyện lệnh khi phát hiện ra một người phụ nữ ưa nhìn trong đám.

"Mẹ kiếp!" - Tôi lớn tiếng chửi thề trong lòng.

Không biết Long Đĩnh và Lịch Vũ còn đang làm gì mà chưa đến diệt trừ cả ổ đại gian đại ác này? Tôi không thể nói mà cũng không được phép nói mình là người của chúa thượng. Giá như tôi nghe lời Long Đĩnh mà ở yên trong khách quán thì đã không xảy ra cơ sự này.

Sáng ngày hôm trước:

Khi tôi thức dậy Long Đĩnh và Lịch Vũ đã rời đi từ lúc nào. Tôi tự trách bản thân mình đã làm việc không tới nơi tới chốn. Ai đời chủ đã thức dậy đi từ mùa quýt mà tôi vẫn còn nằm trên giường ngáy o o. Kể ra thì cũng không thể trách tôi được, có trách chỉ có thể trách ông bà chủ khách quán này phục vụ quá tốt.

Thấy bà chủ hông cắp mẹt cá khô đi ra, tôi một tay dụi mắt một tay khều bà ta lại, ngáp ngắn ngáp dài:

"Chị, hai anh nhà tôi đi từ khi nào đấy?"

"Đi từ lúc gà chưa gáy rồi. Bữa ni anh ăn cá không?"

Tôi nhác nhìn mấy con cá khô tong teo, lại nghĩ đến sự vụ cá rán và tôm rang hành hôm nọ liền lắc đầu xua tay, cười:

"Bỏ đi, lát chúng tôi gọi món khác. Trước khi đi họ có dặn gì không ạ?"

Bà chủ đặt mẹt cá xuống, ngồi xổm giữa sân, miệng liến thoắng liên hồi:

"Dặn anh chớ có đi mô đó, ngoài đường đang loạn lắm. Mấy bữa ni quan trên tróc bọn làm loạn liên tục, bắt được là đánh cho nhận nỏ ra."

[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ