Tôi cất đồ đạc trở vào trong hòm gỗ rồi, đóng lại, quay người kính cẩn chào. Trên giường bệnh một mệnh phụ ngoài bốn mươi, nét mặt ôn hoà, y phục trang nhã mỉm cười. Hầu gái đứng bên cạnh tiến lại gần rồi kéo chăn cho cao lên, chỉnh gối ngay ngắn và vén tóc mệnh phụ gọn gàng. Xong xuôi đâu vào đấy nàng ta đi trước mở cửa, khẽ khàng:
"Bẩm cậu."
Dưới giàn sử quân tử nở đỏ rực Lý An Tường nghe tiếng gọi liền lập tức quay đầu, dường như đã đứng đợi rất lâu. Thấy tôi đi từ trong phòng ra Tường lộ rõ vẻ sốt sắng, hỏi:
"Mẹ tôi không sao chứ?"
"Cũng không có gì quá đáng ngại, là chứng trưng hà(1)."
Tường gật đầu, trộm thở phào thành tiếng. Là bởi bệnh phụ nữ lại là người thân trong nhà không tiện tự chữa nên Tường mới nhờ đến tôi. Tôi miêu tả qua bệnh tình cho y:
"Trên bụng phu nhân có cục tích không cứng, ấn vào thì di chuyển, lúc tụ lúc tán, lúc lên lúc xuống, lúc đau lúc ngưng. Sắc mặt hơi xanh, lưỡi nhuận rêu mỏng, mạch trầm huyền, hẳn là do khí trệ mà thành. Duy chỉ có điều..."
Tường biết tôi khó nói liền ra hiệu ý tôi tiếp lời.
"Tinh thần phu nhân nhiều uất ức, chỉ e dù chữa bệnh cũng sẽ tái lại, cần đặc biệt cẩn trọng."
Tường như đang suy nghĩ, gật đầu rồi dẫn tôi ra ngoài.
Dọc lối đi trong phủ qua mấy gian nhà, đâu đâu cũng gặp kẻ ra người vào, hễ thấy ai tôi đều cúi chào song tôi cố tình tránh để họ thấy mặt. Nơi này là nhà của Lý Công Uẩn, nếu chỉ nghĩ cho bản thân thì việc móc nối quan hệ với họ Lý có lợi muôn đường nhưng suy xét đến cùng thì tôi lại là người phủ Đô chỉ huy sứ, dù với mục đích gì đi chăng nữa thì việc Lý Công Uẩn sẽ tiếm ngôi là việc hiển nhiên, tôi không thể vì mình mà để Lịch Vũ bị kéo vào chuyện này được. Song vì là bạn bè, là nữ y duy nhất kinh thành, Tường đã mở lời sao tôi nỡ từ chối? Phủ đệ nhiều tai mắt, từ trên xuống dưới chỉ tính những người danh chính ngôn thuận đã có tới bảy, tám bà mẹ. Mẹ của Tường không phải hào môn thế gia, bản thân y chỉ chuyên tâm ngâm cứu y học và hướng Phật, không tranh với đời.
Chúng tôi đi qua mấy lần cửa, ngang qua một hồ nhỏ. Mùa này sen đã tàn gần hết, trong hồ còn vài ba bông súng nở muộn, xa xa hai con ngỗng đang tung tăng bơi lội. Tôi đi chậm, Tường cũng nán lại theo. Thấy cảnh đẹp liền nhớ tới ý thơ của Lý Giác(2), tôi nhẩm đọc:
"Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.(3)"
(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,
Ngửa mặt nhìn chân trời).
Tường bật cười:
"Còn đã thuộc thơ rồi ư?"
Tôi vỗ ngực tự hào:
"Văn hay chữ tốt, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý."
Vừa lúc này có người phục sức hoa lệ đi tới, thấy tôi người đó tỏ vẻ ngạc nhiên. Vốn định chào hỏi qua loa rồi đi ngay nhưng chẳng ngờ người kia lại chính là Phất Ngân công chúa - chị gái của Lê Long Đĩnh. Tôi hốt hoảng cúi đầu:
"Bẩm công chúa!"
"Vị tiểu thư này là..."
"Là nữ y con mời đến." - Tường tiến lên một bước đứng chắn trước mặt tôi.
Phất Ngân nghe câu trả lời xong càng lộ rõ vẻ hoài nghi, nghiêng người chăm chú quan sát hồi lâu cuối cùng bà hỏi lại:
"Chẳng phải Thanh Đình đó sao?"
Tôi mím môi, hai ngón cái bấm chặt vào với nhau. Tôi biết chắc người bà nhận ra không phải mình, Thanh Đình mà Phất Ngân công chúa đang nhắc tới là người đã gặp ở vườn phù dung kia. Tôi gượng cười, đứng lên phía trước thi lễ rồi giải thích tường tận:
"Bẩm công chúa, tiểu chức là Đam, học trò Thái y ty."
Phất Ngân công chúa thể hiện rõ sự nghi hoặc, biết vậy Tường nói thêm:
"Người này là vị hôn thê của Đô chỉ huy sứ, hẳn mẹ đã nghe qua."
"À... ra là vậy... Tiểu thư là nữ y chăng?"
"Dạ bẩm, đúng vậy."
Phất Ngân mỉm cười, nói thêm đôi ba câu xã giao nữa rồi rời đi. Tôi từng có duyên gặp gỡ bà trong dịp thánh tiết của Long Đĩnh cách đây một năm song lúc đấy che mặt, hẳn Phất Ngân không nhận ra, hoặc giả bà nhận ra thì cũng sẽ nghĩ tôi là Thanh Đình thôi. Tường dẫn tôi ra cửa lớn, cả hai đi cạnh nhau im lặng suốt cả quãng đường.
"Anh biết Thanh Đình ư?" - Tôi hỏi, lời nói có chút bực dọc. Sống cùng dưới một mái nhà mà Phất Ngân công chúa biết nàng ấy thì không có duyên cớ gì Tường lại không quen. Vậy mà y im lặng từ đầu tới cuối? Kể cả lần đầu tiên gặp tôi?
"Độ vài năm trước thường xuyên lui tới phủ."
"Vậy lúc lớn lên?"
Tường nhìn tôi rồi lắc đầu:
"Đã lâu tôi chưa có duyên gặp lại tiểu thư Thanh Đình."
Tôi khoanh tay trước ngực chăm chăm nhìn Tường. Con người này là quá lương thiện không màng sự đời hay là quá mưu đồ đây? Hoặc là do tôi giả trai? Hay tại chúng tôi thực sự khác nhau?
Không thể nào!
Nói Thanh Đình và tôi có đến tám, chín phần giống nhau còn là khiêm tốn, đến chính tôi khi bắt gặp còn ngỡ ngàng. Nàng ta khiến tôi tưởng như đang soi vào tấm gương khổng lồ, ở đấy mọi thứ chân thật, mềm mượt, dịu dàng như ánh trăng. Hoa phù dung cũng bớt rực rỡ, e lệ hơn khi thấy nàng. Ngay cả giọng nói, cử chỉ của Thanh Đình cũng toát lên dáng vẻ thiền quyên, cốt cách cao quý. Và cũng bởi vì vậy tôi cảm thấy mình như một bản sao không hoàn hảo, đứng từ dưới đáy hồ Liên Trì mà trông lên đỉnh Vọng Nguyệt Các.
_________
Chú thích:
(1) Trưng hà: Cả Trưng và Hà đều có chứng trạng giống nhau, trên lâm sàng thường gọi chung là Trưng Hà. Nếu thành cục, không di chuyển, đau nhất định một chỗ là Trưng. Lúc tụ lúc tán, đau không nhất định một nơi thì là Hà.
(2) Lý Giác: Quốc Tử Giám bác sĩ nhà Tống.
(3) Đây là hai câu thơ Lý Giác thử tài khi sang đi sứ Đại Cồ Việt.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
Fiction Historique[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...