Ánh nắng những ngày đầu xuân chiếu qua cửa sổ. Trong bầu không khí nghiêm trang, thỉnh thoảng tôi lại nghe thấy tiếng thổn thức.
Trước mặt tôi là các học sinh mặc đồng phục màu đen theo đúng tiêu chuẩn.
Khi quay đầu lại, tôi thấy mình đang bị bao quanh bởi rất nhiều người trong những bộ trang phục trang trọng. Chỗ này mà không phải là nhà thể chất của trường thì chắc trông cũng giống như đang có đám tang lắm.
Tuy nhiên, hàng chữ "Lễ tốt nghiệp" được treo thật cao trên sân khấu cùng phù hiệu hình bông hoa trên ngực những người đang xếp hàng phía trước cũng đủ cho thấy rằng đây là một buổi lễ trang trọng.
Hình ảnh những nữ sinh tựa vào vai người đứng cạnh, nắm tay hoặc khẽ thở dài thể hiện rất rõ được sự chia ly. Mọi người đang hối tiếc vì phải chia tay với tuổi thanh xuân ba năm học cấp Ba của mình, thế nên bầu không khí ấy xuất hiện cũng là lẽ tự nhiên.
Có điều, những người có liên quan mới cảm nhận được bầu không khí trang trọng ấy, chứ với người ngoài cuộc như tôi thì chẳng khác nào tôi đang bị ép chứng kiến những cảnh cảm động của người lạ. Với một người gần như chẳng tiếp xúc gì với các anh chị lớp trên như tôi, phải dính lấy cái ghế này tận hai, ba tiếng là đủ để tôi ngáp ngắn ngáp dài rồi.
Tôi chẳng thấy thương cảm gì với những con người sắp sửa bắt đầu một cuộc sống mới này cả. Buổi lễ này cũng chỉ là để mọi người được chứng kiến cảnh bọn họ được giải thoát khỏi sự kìm kẹp bấy lâu nay mà thôi.
Tuy nhiên, tôi không hề quan sát trong vô cảm. Thậm chí, tôi còn thấy thương hại những người này.
Sau khi rời trường, họ sẽ bị tước đi danh hiệu học sinh, bị tước đi thân phận trẻ em. Dù hồi nhỏ có hư đốn, dù lúc lớn có không ngoan, dù có sắc như dao và làm tổn thương những người khác thì cũng không còn liên quan gì nữa. Kể cả khi nhiệt huyết bị trói chặt trên ghế, giấc mơ bị xóa bỏ trên bàn, họ cũng sẽ phải tốt nghiệp khỏi sự chi phối này. Những nhân vật trong tấm ảnh tốt nghiệp sẽ hòa lẫn vào dòng người, từng bước thay đổi.
Vốn dĩ, đa phần học sinh đang có mặt ở đây đều có dự định học tiếp lên đại học, vậy nên có lẽ mọi người sẽ được tận hưởng thêm một vài năm trì hoãn nữa, thế nhưng xã hội này đối xử rất khác nhau giữa học sinh cấp Ba và sinh viên đại học. Dù có được hưởng án treo thì việc mất đi quyền được bảo hộ cũng là điều không hề thay đổi.
Với suy nghĩ ấy, hàng người đều tăm tắp kia trông giống như đang chờ để được xuất đi, khiến cho sự im lặng này cũng trở nên đáng sợ hơn.
Chắc chắn hồi năm ngoái tôi cũng có suy nghĩ tương tự. Không có nhiều cách để làm bản thân bớt rảnh trong những tình huống không được nghịch điện thoại đâu. Chúng ta chỉ có thể nghĩ đến những chuyện vô thưởng vô phạt như thế này thôi. Năm ngoái, tôi tự chơi oẳn tù tì với mình, còn năm sau, không biết tôi nên làm gì để giết thời gian đây...
Lúc này, tôi mới chợt nhận ra rằng năm sau là lúc tôi tốt nghiệp.
Ra là vậy. Lúc đầu tôi cũng thắc mắc không hiểu tại sao trường tôi bắt học sinh lớp dưới tham dự lễ tốt nghiệp, thế nhưng giờ thì tôi đã hiểu.
BẠN ĐANG ĐỌC
Oregairu (chính truyện)
RomansaCâu chuyện tình cảm hài hước xoay quanh một học sinh cấp ba chống đối xã hội tên là Hikigaya Hachiman với một cái nhìn đầy méo mó về cuộc sống và không có bất kì người bạn cũng như bạn gái nào. Khi cậu ấy thấy những người bạn của mình nói chuyện một...