71.Phần XVI Chương 5: Hoà thân

302 12 0
                                    

Phần XVI: Lễ hội săn bắn mùa đông

Chương 5: Hoà thân

Hội võ kết thúc để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người, không chỉ vì hành động liều lĩnh của Đô Thư Doanh, sự tranh đấu của Lỗ Lang và Sử Hựu Trát mà còn bởi Trường Cung tái xuất. Nhiều ngày sau đó người người vẫn bàn tán về đề tài này, các giai thoại lại được kể, liệt kê tất cả triều đại trong lịch sử, tên tuổi những hoàng đế gây ảnh hưởng lớn đến Khương La từ xưa đến nay. Không phải lúc nào thiên tử cũng được kính ngưỡng. Tân đế lên ngôi là ván cược nặng cả giang sơn. Vua tốt thì dân nhờ, vua xấu thì dân chịu, đó là bản chất của phong kiến.

Sau mấy nghìn năm thịnh trị, Khương La trải qua hơn năm mươi lăm triều đại với gần hai trăm vị vua, phải đọc hết tất cả tài liệu ở Tàng Kinh Các mới có thể hình dung toàn cảnh lịch sử của một vương triều đồ sộ. Người Khương La thông thường chỉ nhắc tới hai kiểu mẫu đế vương: Minh quân hoặc hôn quân, đôi khi nằm giữa hai loại này, như Thiên Vĩnh đế chẳng hạn. Ông ta cũng là nhân vật gây tranh cãi trong hàng thế kỉ, không ai có thể phủ nhận Hạ Hầu Vĩnh Khang là một hoàng đế rất thành công, rất tài ba, rất mưu lược. Nếu Ngưu Chỉ Ôn là người khai quốc thì Thiên Vĩnh đế là người mở rộng bờ cõi. Những cuộc viễn chinh đưa Khương La thành cường quốc, giành lấy vô vàn đất đai, của cải trong thiên hạ nhưng bản tính hiếu chiến cũng đã đẩy cả vùng bình nguyên vào niên đại bất ổn nhất lịch sử, thương vong vô số, khắp chốn lầm than. Trong mắt các nước ngoại bang, Thiên Vĩnh đế là cái tên tượng trưng cho cái ác!

Theo trường phái ôn hòa, nhà thông thái cho rằng "minh quân" phải là người hiền tài, thương dân như con, biết đau cho nỗi khổ của dân, biết lấy hòa bình làm thịnh trị, khiến trong ngoài yên ổn, không chiến tranh chết chóc. Với tiêu chí này, Thiên Vĩnh đế bị chỉ trích là hôn quân.

Theo trường phái hiện thực, sử gia lại quan niệm, "minh quân" nên là người quyết đoán mạnh mẽ, oai hùng dũng mãnh, đưa tên tuổi Khương La lên tới đỉnh cao, mở mang bờ cõi, răn đe ngoại bang khiến thiên hạ kinh sợ. Xưa nay quy luật sống còn là cá lớn nuốt cá bé, ta không vì mình trời chu đất diệt, vì thế hiếu chiến là hành động tự vệ sớm, âu cũng là lẽ đương nhiên. Với tiêu chí này, Thiên Vĩnh đế được ca ngợi là người vĩ đại nhất.

Cho dù cuộc tranh cãi không có hồi kết, người ta vẫn phải thừa nhận Hạ Hầu Vĩnh Khang là một người tràn đầy mâu thuẫn, cả đời ngập ánh vinh quang của ông đã kết thúc bằng những tháng năm lặng lẽ. Làm cách nào Chu Lạc gia có thể hất chân Hạ Hầu gia đang lớn mạnh một cách dễ dàng như thế? Đây mãi mãi là một nghi vấn có nhiều giả thuyết nhưng không có kết luận cuối cùng. Đến triều đại sau này, khi Thái Minh đế lên ngôi, tác phong hành sự và khí chất của hắn lại khiến không ít người phải thốt lên: "Thiên Hạ" lại thêm một "Thiên Vĩnh"!

Lỗ Lang và Sử Hựu Trát còn chưa phân thắng bại, hoàng thượng áp đảo quần phương, hội võ cứ vậy mà kết thúc. Mọi người đành trông chờ dạ tiệc đêm mười lăm, xem bệ hạ định đoạt thế nào. Những ngày kế tiếp là du săn và đá bóng chân gỗ. Có người vào rừng tìm gấu xám, cũng có người ở lại hành cung. Bóng chân gỗ là trò chơi được ưa chuộng trong dân gian. Người chơi chia hai đội, mỗi đội năm chân đá và một thủ môn. Họ phải đi trên đôi cà kheo cao hai tấc, giành bóng da, dẫn bóng về phần sân đối phương, sút vào cầu môn ghi điểm. Nói thì đơn giản nhưng chơi rất khó, bị ngã khỏi cà kheo là chuyện thường. Luật chơi không quy định nhiều cho nên người ta mặc sức dùng bạo lực đàn áp đối phương, cảnh tượng khá dã man, thường dẫn tới xô xát đánh nhau. Đôi khi bất hòa ngày thường sẽ được nam nhân lôi vào trận đấu giải quyết, tẩn nhau đã đời rồi xí xóa bỏ qua. Bóng chân gỗ thô tục nhưng cũng có cái hay, điểm đặc biệt là sau trận đấu sẽ không ai để bụng chuyện cũ, đây là quy ước ngầm, đàn ông vẫn có cách giải quyết vấn đề của riêng họ.

PHÙ DUNG TRÌ - Hoa BanNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ