94.Phần XIX Chương 4: [Thiên giới]

255 13 0
                                    

PHẦN XIX: Thiên giới

Chương4

Tầng trời thứ bảy là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất Thiên đình. Ở tầng trời này không có nhiều cung điện, phần lớn là các vùng rừng núi hình thành từ thuở man hoang. Phía tây có "Quần đảo lơ lửng", là nơi nâng đỡ dòng Ngân Hà đổ xuống từ tầng trời thứ tám. Ngân Hà như con thác dữ, được quần đảo lơ lửng xé nhỏ thành những dòng chảy tua tủa. Đảo trung tâm ở nơi cao nhất, chịu sức nặng của khối nước đồ sộ, sau đó chảy xuống thành bốn dòng con, lại được bốn đảo vây quanh bên dưới hứng trọn. Bốn đảo này tiếp tục chia lượng nước cho các đảo phụ thuộc. Càng xuống thấp kích thước đảo càng nhỏ và những con thác càng hiền hòa. Sông Ngân hung tợn là thế nhưng sau khi vượt qua tầng thứ bảy này, nó trở thành những con suối trong lành, tiếp tục đưa dòng nước thần thánh vung tưới cho chúng sinh linh sáu tầng còn lại. Thử tưởng tượng có một ngày Quần đảo lơ lửng sụp đổ thì chẳng khác nào phá hỏng cả hệ sinh thái của Thiên giới!

Nhiều người gọi tầng thứ bảy là "Thủy quốc", dường như mọi cảnh vật ở nơi này không thể tách rời khỏi nước, vịnh Xích Thổ là một ví dụ khác. Gọi là vịnh nhưng thực chất Xích Thổ là mảnh đất khô cằn nằm ở hướng Nam. Đất có màu đỏ, rất độc nên không nhiều sinh vật chọn làm nơi cư trú. "Dân bản địa" của vùng này chỉ gồm cây manchi và rắn đỏ. Qủa manchi kịch độc và nộc rắn có thể dung hòa thứ độc này. Một năm, Xích Thổ có hai mùa, mùa khô và mùa lũ. Quang cảnh mùa khô là đất nứt nẻ cùng cái nóng chết người. Quang cảnh mùa lũ là nước sôi sùng sục từ lòng đất phun lên. Lý do tồn tại của vùng Xích Thổ vẫn luôn là bí ẩn, tuy nó rất nguy hiểm nhưng được không ít Thần quân chọn làm nơi tu luyện. Phải nói rằng thứ nước phỏng da và có sức ăn mòn này chẳng khác nào xà phòng tắm gội. Cho nên Khôn Minh Thần quân cứ một năm hai lần sẽ rủ Ngọc đế đến đây du ngoạn!

Kỳ quan ở tầng thứ bảy nhiều lắm, các tiên nhân xem nó là khu du lịch mơ ước, đợi khi cấp bậc của họ đủ cao sẽ đến đây chiêm ngưỡng một lần để mở mang trí óc. Tầng thứ bảy nguyên thủy và hoang sơ, giữa những quang cảnh đẹp lạ vẫn có các tòa cung điện nguy nga tráng lệ. Tận cùng hướng đông là ao Du Liên. Chỗ này được đánh giá là nơi yên tĩnh và thơ mộng nhất. Ao không sâu, nước chỉ cao hơn eo một chút. Đáy ao có sỏi và bùn mịn, là môi trường lý tưởng của loài sen. Các giống thủy sinh càng ưa chuộng nơi này, chúng mọc chen chúc bên cạnh hoa sen. Tiên khí dồi dào giúp rất nhiều tinh linh tu luyện thành người, cho nên ao Du Liên được coi là cái nôi của sự sống.

Giữa ao sen rộng mênh mông ấy mọc lên Bích Lạc cung. Cung điện màu trắng ngà, kiến trúc đơn giản và mềm mại nhưng không thiếu khí phách. Muốn đến Bích Lạc cung phải đi qua chiếc cầu khúc khuỷu có hai mươi tư nếp gấp. Khi Bích Hải quay lại chốn xưa, đập vào mắt là màu hồng cánh sen như những ngọn đèn thả trôi trong ao nước. Sen vẫn rất đẹp, dù không có nàng. Bích Hải chầm chậm đi qua chiếc cầu, ngắm những cây thủy mộc rung rinh xao động. Chắc chúng đang trò chuyện với nhau, thầm đánh giá "vị khách lạ" là hắn không chừng!

Bích Lạc cười khẽ, trong đôi mắt xanh ánh lên dòng chảy ôn hòa. Ở chín kiếp người hắn trải qua, kiếp nào cũng thấy một ao sen như vậy, giống U Trì, giống Phù Dung Trì và những cái tên tương tự. Hóa ra nhà của họ vốn hình thành ngay giữa biển sen, cho nên trong mọi giấc mơ luôn có những điều không thay đổi. Hắn nhớ những ngày rảnh rỗi hóa về hình rồng ngâm mình trong ao. Nàng chuẩn bị bữa sáng trên chiếc thuyền độc mộc, lấy đũa tre gõ gõ vào lớp vảy nổi trên nước. Lúc ấy hắn sẽ nhô đầu, chờ một miếng bánh ngon hoặc một loại quả ngọt. Mặc dù chút thức ăn rơi xuống hàm rồng không bỏ dính răng nhưng mà nụ cười của nàng đã đủ làm cơn say nắng.

PHÙ DUNG TRÌ - Hoa BanNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ