70.Phần XVI Chương 4: Thiện xạ

262 15 0
                                    

Phần XVI: Lễ hội săn bắn mùa đông

Chương 4: Thiện xạ

Sáng nay là một ngày nắng đẹp, Thần Thụ Cung náo nhiệt hơn bình thường. Ngọn cờ Khương La bay phấp phới trên đầu kị binh. Gót ngựa cào vào đất, bới tung một màng bụi mỏng. Ngựa chạy thong dong, chuông đeo trên cổ kêu leng keng, khuyên sắt trên áo giáp cọ loảng xoảng. Đoàn diễu hành ôm cờ chạy quanh đấu trường. Quốc kỳ Khương La có hình tam giác lệch, nền vàng kim, xung quanh là những tua rua đỏ mô tả ngọn lửa. Cờ thêu chữ "Khương" kiểu phức thảo hai mươi tư nét ở góc trái, chính giữa là con mãnh long vảy trắng, thân hình to khỏe đang rướn cổ nuốt mặt trời. Ngọn quốc kỳ nào đã lưu truyền qua nhiều triều đại, họa tiết có khác, màu sắc có khác nhưng mãi mãi là rồng trắng và mặt trời. Quốc giáo Khương La cho rằng Thái Dương là khởi nguồn của sự sống, nó mang ánh sáng xua đi tối tăm, làm cỏ cây nảy mầm, vạn vật sinh sôi. Rồng trắng là nguyên hình của Bạch Cự Long trong truyền thuyết, chính là con rồng bị trời phạt hóa thành ngựa một sừng của thảo nguyên. Ngưu Chỉ Ôn thuần phục Bạch Cự Long, thống nhất mười tám bộ lạc khai sinh ra Khương La hoàng triều. Thế nhưng, vì sao rồng nuốt mặt trời? Muốn biết rõ phải nhắc lại một tích cũ...

Dưới thời trị vì của Thiên Vĩnh đế, một năm nọ xảy ra Nhật thực, trời trưa đang nắng bỗng tối om om. Tuy ánh sáng chỉ biến mất vài phút nhưng thói mê tín dị đoan trong dân chúng nghìn năm khó sửa, khắp nơi rộ lên tin đồ thất thiệt, nói rằng điềm báo ngày tận thế sắp tới. Ngày đó mặt trời sẽ bị quái thú nuốt chửng, trần thế phải sống trong cảnh lầm than. Ban đầu tin đồn chỉ lưu hành trong nhóm nhỏ, dần dần lan ra cả nước. Nhiều người bắt đầu tích trữ lương thực, đào hầm ẩn trốn, tình trạng cướp của giết người xảy ra thường xuyên, cả nước chìm trong không khí âm u quỷ dị. Thiên Vĩnh đế ngự trên ngai vàng, sau khi nghe triều thần báo cáo thì đột nhiên vui tính muốn kể chuyện cười:

- Tháng trước trẫm đang ngủ trưa, nằm mơ thấy mình biến thành con rắn. Mặt đất quá bẩn, trẫm nghĩ đi trên mây sạch sẽ hơn. Xung quanh lại không có gì ăn, may mắn tìm được một cái bánh nóng giòn. Vui vẻ cắn một miếng ai ngờ trời đất tối đen, trẫm đành phải kiềm cơn đói mà ói nó ra... Chặc chặc... Cái bánh đó ngon lắm, ói ra vẫn hơi tiếc...

Triều thần đứng bên dưới tất cả ngây đơ. Bệ hạ à, truyện cười này không vui chút nào! Thế là hôm sau có một tin đồn khác trổi dậy lấn áp tin đồn cũ. Hóa ra hoàng đế ngủ gật nên bị ngớ ngẩn, ăn gì không ăn, lại ăn nhầm mặt trời. Để toàn dân tin tưởng, Thiên Vĩnh đế cho sửa lại quốc kỳ, con rồng trắng há to cái miệng rộng, chực nuốt Thái Dương. Về sau nhiều nhà sử gia vỗ bụng bật cười, bảo rằng Thiên Vĩnh đế bốc phét có nghệ thuật, vừa khéo xoa dịu lòng dân, vừa nâng cao uy vọng của mình.

Trở lại đấu trường ở Thần Thụ Cung sáng hôm ấy. Kị binh vũ trang đúng quy cách, bắt đầu trình diễn múa cờ theo thông lệ. Trống cái nổi lên, trống con hòa âm, tiếng huỳnh huỳnh dội vào lồng ngực, đầu óc cũng tăng tăng dồn dập như nhịp trống. Đây là trống trận quen thuộc mà bất cứ ai đã sống qua thời buổi loạn lạc đều bị ám ảnh. Tiếng trống nổi lên cùng tiếng thét xung phong, lớp lớp người nằm xuống, lại tầng tầng kẻ lao lên, hiên ngang bất khuất đến khi không còn sót lại ai, đến khi người đánh trống cuối cùng cũng buông dùi ngã xuống. Đó là trống trận của Khương La, thứ âm thanh như một mê khúc in hằn vào tâm trí vạn người, là rượu nồng không thể thiếu của binh lính, là độc dược quấy nhiếu giấc mơ của quân thù. Tiếng trống như mang theo hồn nước bay lên, bay lên, bay lên...

PHÙ DUNG TRÌ - Hoa BanNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ