Giống như cuộc sống học sinh của bao người khác, đời học sinh ở ngôi trường Nam Việt cũng vậy. Không phải trời xanh mây trắng nắng vàng, chẳng phải gió thu lành lạnh thổi qua, mà là cơn nắng hạ oi ức cùng tiếng ve kêu râm ran cả một khoảng trời. Ai nói ngày tựu trường là ngày vui giữa tiết trời thu mát mẻ cơ chứ?
Trường Nam Việt im ắng như tờ. Có lẽ bởi đây là ngôi trường có tiếng dành cho học sinh giỏi của thành phố, nên học sinh Nam Việt phải là những cô cậu học trò xuất sắc, ngoan ngoãn mới đúng tiếng tăm của trường. Có lẽ bởi tất cả học sinh đều đang chăm chú nghe giảng trong lớp học. Tiếng phấn đều đều viết trên bảng. Tiếng giấy bút loạt xoạt ghi đáp án. Tiếng thở nhẹ đều đều thật dễ chịu. Thời học sinh thực sự yên bình như vậy sao?
Cũng như những ngôi trường khác, Nam Việt cũng có những học sinh ngỗ nghịch đến lạ. Cơ mà đáng sợ ở chỗ, người nghịch ngợm lại là học sinh giỏi của trường. Song Ngư nghe tiếng chóp chép miệng khẽ khàng dưới cuối lớp, nghiêm khắc cầm viên phấn gãy ném về phía phát ra tiếng động. Thiên Yết dường như quá quen với tình cảnh này, nhẹ nhàng nghiêng người sang một bên, kết quả viên phấn lại rơi trúng đầu Cự Giải đang chăm chỉ viết bài ở phía sau.
Thiên Yết trố mắt nhìn Cự Giải bị ném phấn oan đang lườm nguýt mình, cười hề hề một tiếng cho qua chuyện. Song Ngư nổi giận đi xuống chỗ Thiên Yết, đập quyển sách xuống bàn quở trách: "Tôi biết em không thích môn của tôi, nhưng trong lớp không phải chỉ có em, còn có bao nhiêu bạn khác đang chờ được học nữa. Thiên Yết, em đừng có vì một con sâu mà làm rầu cả nồi canh".
Thiên Yết giấu túi bò khô vào trong ngăn bàn, giả vờ cầm bút ghi chép bài vở, không quên than vãn: "Cô, cô biết là em không giỏi môn Văn này rồi mà".
"Không giỏi thì mới phải học. Người Việt Nam lại không biết, không hiểu tiếng Việt Nam, không thông hiểu nền văn học nước nhà, vậy thì có còn là người Việt không? Còn nhớ Phạm Quỳnh từng nói, 'Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn'. Người Việt nào cũng bắt đầu bằng học tiếng Việt. Vậy tại sao khi cô giảng Truyện Kiều em lại không nghe?"-Song Ngư cao giọng truyền đạt. Giáo viên dạy Văn nào Thiên Yết gặp cũng vậy, dùng lời lẽ bay bổng, dùng thơ văn hoa mỹ mà cậu ta còn chẳng hiểu để răn dạy cậu về việc người Việt học văn Việt.
"Nhưng đây là bài từ lớp 10, bọn em đã 12 rồi, học lại để làm gì ạ?"-Thiên Yết bĩu môi, không tâm phục khẩu phục vừa lèm bèm vừa viết.
"Viết văn hay là khi mình có thể liên tưởng các tác phẩm khác nhau, của những tác giả khác nhau, trong những thời kì khác nhau để ta thấy được điều giống và điều khác, điều thay đổi và điều phát huy xuyên suốt cả chiều dài lịch sử văn học Việt. Đây không phải tôi dạy lại, đây là tôi đưa ra một ví dụ liên tưởng để các bạn có thể học tập, em hiểu không?"-Vào nghề tuy mới 2 năm, không tính thời gian thực tập, Song Ngư cũng đã dần quen với những học sinh trẻ con giống như Thiên Yết. Dù sao trước đây, Song Ngư cũng từng là học trò ngồi trên ghế nhà trường, cũng từng ghét môn Văn nhàm chán, nên tính ra cô hiểu rõ Thiên Yết cảm thấy thế nào.
"Không phân biệt được thì cũng không sao mà ạ? Viết văn quan trọng là ở tư duy mà. Nếu cứ phải làm theo một khuôn mẫu như vậy, em thà đi học Hoá còn hơn"-Thiên Yết phụng phịu. Thực ra, phản ứng của Thiên Yết chẳng có gì là lạ nữa. Cả cái lớp này đều biết, Thiên Yết không ưa môn Văn, kéo theo việc không thích giáo viên bộ môn, còn cô Song Ngư cũng chẳng yêu quý gì Thiên Yết cho cam. Vì thế, tiết học nào hai người cũng cò cưa cho bằng được.
BẠN ĐANG ĐỌC
[12CS] Cánh Phượng Đỏ kẹp ở trong thư
Fanfiction⚠️ Cảnh báo ⚠️ ⛔️ Đất diễn không đều lắm dù tôi đã rất cố gắng nhưng vẫn có vài cung bị ít đất ⛔️ Những cung ít đất: 🚹 nam: Sư Tử, Kim Ngưu 🚺 nữ: Song Tử, Bảo Bình Người ta nói, tuổi học trò gắn liền với cây hoa phượng đỏ trên góc sân trường. Đó l...