CHƯƠNG 269: Thiên táng*

12 2 0
                                    

(* táng trong "mai táng")

Đi đến ngoài một gian Phật đường, một vị Hồng y Lạt-ma đã đứng chờ sẵn.

Sư Thanh Y làm Phật lễ, vẻ mặt dịu dàng: "Chào thầy, tôi đến gặp Thượng sư Giang Ương Bình Thố."

Vị Lạt-ma này không giống Công Bố, không nói tiếng Hán, nhưng ở đây lâu cũng có thể nghe hiểu một số ý cơ bản, ông mỉm cười nói với Sư Thanh Y mấy câu bằng tiếng Tạng.

Sư Thanh Y nghe vị Lạt-ma nói đến "rừng Thi Đà*", trong lòng cũng biết rõ, cảm ơn Lạt-ma rồi xoay người rời đi.

(* rừng Thi Đà《尸陀林》(phiên âm gốc tiếng Tạng: Śītavana): khu rừng bỏ xác người chết, hay còn có ý nghĩa là nghĩa địa. Lúc Phật còn tại thế thì khu rừng này nằm cạnh thành Vương Xá, xác người chết được đem bỏ vào đó cho kền kền rỉa thịt.)

Rừng Thi Đà chính là chỗ an táng thi thể, cũng chính là mộ địa. Trong Học viện Phật giáo này, rừng Thi Đà ý chỉ khu vực gần đài Thiên Táng.

Giang Ương Bình Thố là một vị thượng sư khá có uy vọng ở nơi đây, có lẽ hôm nay đã xin đi đài Thiên Táng tụng kinh siêu độ cho người chết.

Sư Thanh Y nâng tay nhìn đồng hồ, thấy thời gian cũng không còn sớm, nên đi ăn chút gì, sau đó lái xe đến đài Thiên Táng.

.

Đài Thiên Táng cách khá gần, lúc Sư Thanh Y đến thì trên sườn đồi cũng đã có một nhóm người tụ tập đến xem ở đài Thiên Táng.

Bầu trời nơi này còn xanh hơn, có vẻ cũng vô cùng thấp, giống như bảo thạch cúi người hôn sườn đồi phủ tuyết, nâng tay là như chạm được trời.

Khắp nơi trên sườn đồi trống trải đều là cờ nguyện tung bay, đủ mọi màu sắc, yên lặng trang nghiêm giữa trời và đất.

Đối với dân tộc Tạng, thiên táng là một nghi thức mai táng thiêng liêng và phổ biến nhất. Trong mắt người bản xứ, kền kền là loài vật thần thánh, là hóa thân của Không Hành Mẫu*. Người đã khuất, thi thể sẽ được kền kền mổ sạch, còn linh hồn sẽ được kền kền đưa lên tầng trời cao cao, từ đó đi vào cõi cực lạc. Bất kể bần cùng hay giàu sang, nam nữ già trẻ, một khi đã chết thì chỉ còn lại da bọc xương, tất cả mọi người đều như nhau, cuối cùng phần thịt còn lại trên nhân thế làm thức ăn cho kền kền thỏa cơn đói. Trong mắt người Tạng, đó cũng xem như một kiểu từ bi bố thí.

(* Không Hành Mẫu (Dakini): thuật ngữ "Dakini" xuất phát từ tiếng Phạn, từ tiếng Tạng tương đương là Khandro có nghĩa là "Không hành mẫu". Không Hành Mẫu thường được tu sĩ Phật giáo Tây Tạng xem là thần bảo hộ, là người giải phóng năng lực của người tu tập và hoà nhập vào năng lực của chính mình.)

Trong không khí tràn ngập một mùi hương đặc biệt.

Giác quan của Sư Thanh Y thông thấu, ngửi thấy trong đó mùi xác chết nồng nặc, hơn nữa còn là lâu năm.

Nàng luôn vô cùng tôn trọng phong tục văn hóa đặc biệt của mỗi dân tộc, cũng không có gì khó chịu, đi đến sườn đồi với vẻ mặt bình tĩnh, hướng đến đài Thiên Táng mới xây không lâu.

Tham Hư Lăng (Hiện đại thiên) [Quyển 4+5a] - Quân Sola [BHTT] [Hoàn thành]Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ