Qua lập hạ, trời càng ngày càng nóng, Thẩm Thiều Quang bắt đầu mày mò các loại đồ uống.
Ở thời này, tác dụng chủ yếu của "đồ uống" vẫn là chữa bệnh, phải tới thời nhà Tống thì mới phát triển thành đồ uống hằng ngày để giải khát. Đồ uống lưu hành vào thời này là sữa bò, nước ép mía, đương nhiên còn có cả trà đang càng ngày càng được ưa chuộng.
Sữa bò thì quá đặc lại tanh nồng, nước mía thì quá ngọt, mà trà bỏ thêm muối thêm gừng thêm đủ loại đồ thì lại càng khiến người ta khó mà tả nổi, Thẩm Thiều Quang quyết định tự mình đi nấu một chút đồ uống giải nhiệt, lựa chọn đầu tiên của nàng đương nhiên là nước ô mai, thứ hai là trà hoa lài và canh đậu xanh, mật ong với bạc hà cũng khá là ngon.
Trong số đó, Thẩm Thiều Quang thích nhất là nước ô mai.
Bỏ các loại ô mai, sơn tra, trần bì, cam thảo mua được từ cửa hàng thuốc vào trong nước rồi đun lên, sau đó thêm một chút nước ướp hoa quế. Kiếp trước Thẩm Thiều Quang từng đọc được trong quyển sách của một người nổi tiếng nào đó nói ướp hoa quế phải dùng đường trắng, không thể dùng mật, thử một lần, quả nhiên là khoan khoái nhẹ nhàng hơn hẳn, người nổi tiếng đúng là người nổi tiếng*.
* Trích "Đậu nành ký" của Diệp Quảng Cầm. [tác giả] Diệp Quảng Cầm là một nữ nhà văn đương đại nổi tiếng của Trung Quốc.
Thời này ở trên phố cũng có người bán băng đá do mình cất giữ, chỉ là giá cả rất đắt, Thẩm Thiều Quang tiếc tiền, cũng may trong am có giếng, dùng nước giếng làm lạnh một hồi là đã mát họng rồi.
Trời nóng như vậy, uống một chút nước ô mai chua chua ngọt ngọt lại thơm nồng, trụ trì Viên Giác sư thái khen không ngớt miệng: "Tiền triều có thiền sư, làm đồ uống ngũ sắc, dùng lá phù phương tạo màu xanh, rễ tiển hễ tạo màu đỏ, sữa bò làm màu trắng, nước ô mai làm màu đen, nước hoa quế làm màu vàng*. Sữa bò là quen thuộc với mọi người nhất, những cái khác cũng có người bắt chước, ta đã từng uống nước ô mai của mấy nhà, nhưng cũng không bằng cái này của ngươi."
* Chỉnh sửa từ "Đại nghiệp tạp ký", một cuốn tiểu thuyết được soạn bởi Đỗ Bảo (đời Đường) [tác giả]
Thẩm Thiều Quang cười, đó là đương nhiên rồi, công thức này của ta đã được cải tiến cả nghìn năm cơ mà.
Thẩm Thiều Quang lại nấu trà hoa lài, canh đậu xanh, mật ong bạc hà các loại, mời sư thái trụ trì thưởng thức, cũng nói ra ý định của mình - tới ngày Đoan Ngọ, mang tới Khúc Giang để bán.
Viên Giác sư thái tuy là người xuất gia, lại có chút suy nghĩ "miệng không nói danh lợi" của kẻ trí thức, từng thấy khó hiểu trước việc một cung nữ xuất thân danh môn vọng tộc như Thẩm Thiều Quang lại tập trung sức lực đi mở sạp bán hàng kiếm tiền, nhưng bây giờ đã thành quen, lại còn giúp nàng nghĩ kế: "Dù sao nước đậu xanh cũng quá bình thường, không đủ mới mẻ, so ra thì không bằng được nước ô mai này, theo ta thấy thì nên chọn nước ô mai, lại thêm... trà hoa lài đi."
Thẩm Thiều Quang lại cảm giác trà hoa lài mình pha không thơm lắm, đương nhiên đây là so với trà hoa lài mà nàng uống ở kiếp trước. Nếu nói nước ô mai còn có thể sánh được sáu, bảy phần nước ô mai thời hiện đại thì trà hoa lài này chẳng được một nửa, chỉ có một chút hương hoa nhài hơi nhạt mà thôi, cũng không biết làm sao mà hợp với tâm ý của sư thái trụ trì, có lẽ là bởi vì trong vị ngọt thanh đạm có lẫn chút vị đắng, hợp với tâm thái của văn nhân nhã sĩ.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tiệm cơm nhỏ thành Trường An
RomanceTác giả: Bánh Anh Đào Giới thiệu: Mưa phùn gió nhẹ, quán nhỏ cờ xanh, hồ cơ như hoa Rượu ngon Tân Phong, măng non giòn tươi, kim tê ngọc quái Thiếu doãn Lâm Yến đưa mắt nhìn lão bản nương da trắng mắt hạnh kia Một cung nữ vốn xuất thân dòng dõi lại...