Chớp mắt một cái đã tới Thất Tịch, Thẩm Thiều Quang quen với lễ tết của kiếp trước, đương nhiên cũng chuẩn bị cho ngày này.
Khuôn gỗ để làm bánh hoa được đặt làm ở chỗ thợ điêu khắc đã làm xong, Thẩm Thiều Quang và A Viên cẩn thận mài nhẵn cạnh mấy cái khuôn này, quét dầu, rửa sạch, hong khô, lại quét dầu lần nữa, rửa sạch, hong khô, lặp đi lặp lại như vậy mấy lần, khuôn từ gỗ cây dương vốn trắng bóc đã có chút màu sắc, nhưng chỉ như thế mà muốn nó có được màu đỏ thẫm bóng bẩy thì là chuyện không thể.
A Viên vẫn còn rất trẻ con, mê mẩn mấy cái khuôn đủ hình đủ dạng, thích không nỡ buông tay: "Cá con, hạc tiên, rùa, hổ, mấy cái này làm ra bánh cũng không nỡ ăn."
Thẩm Thiều Quang nói thật: "Chỉ là vẻ bên ngoài thôi. Nhân bánh vẫn là bột đậu đỏ, bột đậu xanh và mứt táo mà ngươi hay ăn."
Từ sau khi đi theo Thẩm Thiều Quang, A Viên đã được ăn không biết bao nhiêu loại bánh, từ lúc ban đầu nhìn mà chỉ muốn một ngụm ăn sạch, đến bây giờ đã rất quen thuộc.
"Bề ngoài đẹp cũng đã có cảm giác ngon miệng rồi." A Viên cười nói.
Thẩm Thiều Quang cũng bật cười, tiểu nha đầu này gần đây đắc đạo rồi sao? Quả thật, lúc ăn thứ gì đó, "sắc" còn xếp trước cả "hương" và "vị".
Cũng là vì vậy nên Thẩm Thiều Quang mới đặc biệt chạy tới Tây Thị, tìm thợ điêu khắc đặt làm mấy cái khuôn bánh này, một bộ chữ Phúc, Lộc, Thọ, Hỉ; một bộ thực vật mai, lan, trúc, cúc, mẫu đơn, hoa hồng; một bộ động vật hạc, rùa, cá, hổ; còn cả một bộ các loại nhân vật cổ tích như La Liễu La, Ngưu Lang, Chức Nữ.
Hình mẫu để điêu khắc là do Thẩm Thiều Quang tự vẽ.
Ở Dịch Đình mặc dù công việc hằng ngày vất vả, điều kiện vật chất thiếu thốn, nhưng văn hóa tinh thần lại rất được, có tiến sĩ chuyên phụ trách dạy các cung nhân, dạy đủ kinh, sử, tử, tập*, thậm chí còn dạy cả thư pháp, vẽ, luật, ngâm vịnh, toán học, đánh cờ.
* Cách phân loại sách vở thời xưa: Kinh điển, Lịch sử, Chư tử, Văn tập.
Trước kia thì tiến sĩ phụ trách dạy học trong Dịch Đình là do các học giả đảm nhiệm, trong đó có rất nhiều người có kiến thức vô cùng uyên bác - có thể lọt được tới trước mắt hoàng đế thì tất nhiên phải có chút thực lực chân chính, dẫu sao cũng đâu có mấy Nam Quách tiên sinh.
* Điển cố Nam Quách: thời Chiến Quốc, Tề Tuyên Vương rất thích nghe hợp tấu vu (một loại nhạc khí cổ), tập hợp một dàn nhạc công tới ba trăm người. Nam Quách lợi dụng điều này, thưa với vua Tề rằng mình cũng biết thổi vu và trộn lẫn trong đám nhạc công, lúc hợp tấu, Nam Quách vốn không biết thổi vu chỉ bắt chước động tác của người khác, nhưng vua Tề không hề phát hiện. Sau khi Tề Tuyên Vương chết, con trai là Tề Mẫn Vương lên ngôi, Tề Mẫn Vương cũng thích nghe thổi vu nhưng không thích nghe hợp tấu mà thích nghe độc tấu, ra lệnh cho ba trăm nhạc công ra sức tập luyện rồi từng người một thay phiên nhau thổi, Nam Quách biết mẹo của mình không thể dùng được nữa nên vội vàng bỏ trốn.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tiệm cơm nhỏ thành Trường An
Roman d'amourTác giả: Bánh Anh Đào Giới thiệu: Mưa phùn gió nhẹ, quán nhỏ cờ xanh, hồ cơ như hoa Rượu ngon Tân Phong, măng non giòn tươi, kim tê ngọc quái Thiếu doãn Lâm Yến đưa mắt nhìn lão bản nương da trắng mắt hạnh kia Một cung nữ vốn xuất thân dòng dõi lại...