Qua Tết Thượng Nguyên rồi, không biết có phải là ảo giác của Thẩm Thiều Quang hay không mà cảm giác như thể toàn thành cùng bước vào tháng thi cử. Chi nhánh Đông Thị ở ngay sát phường Sùng Nhân nơi sĩ tử tụ tập, đề tài thảo luận hằng ngày của thực khách trong quán đều là kỳ thi sắp tới của bộ Lễ cùng kỳ chọn lọc sau đó của bộ Lại.
Tập thơ xuất bản lần hai có bài thơ của hoàng đế đã được phát hành, quả đúng như dự đoán của Thẩm Thiều Quang và Thiệu Kiệt, "bán" rất đắt hàng. Dù sao trong đám người đọc sách cũng chẳng có mấy "Khổng Ất Kỷ", phần lớn đều làm đúng quy trình, hoặc là để lại thơ văn, hoặc là tiêu dùng đủ mức quy định. Lúc xem sổ sách, Thẩm Thiều Quang nhận thấy không ít người mua thêm một vài món ăn nhẹ hoặc bánh ngọt cho đủ mức - tính thử thì cũng đều là vì tập thơ này, khiến Thẩm Thiều Quang nhớ tới ngày hội mua sắm mười một tháng mười một ở kiếp trước.
Thẩm Ký cũng thuận thế đẩy mạnh các loại tiệc rượu lớn nhỏ chủ đề thi cử, nào là tiệc đề tên bảng vàng, tiệc từng bước thăng quan, tiệc thăng quan tiến chức... Tên món ăn cũng vừa tốt lành vừa tao nhã, đậu phụ nhất phẩm, kim ngọc mãn đường, thi thư gia truyền, canh áo dài tím, bánh cuốn thừa ân, bánh văn đức, món nào món nấy đều gãi đúng chỗ ngứa trong lòng người đọc sách.*
* Tham khảo tên món ăn của Khổng Phủ. [tác giả]
Không chỉ như vậy, Thẩm Ký còn tổ chức hoạt động "tiệc thiêu đuôi". Cái gọi là "tiệc thiêu đuôi" chính là bữa tiệc mừng sĩ tử thi đậu hoặc quan viên thăng chức. Người ta nói lúc cá chép vượt long môn, nếu không có lửa trời thiêu hết đuôi thì sẽ không vượt qua được, "thiêu đuôi" mang ý nghĩa thiêu sạch đuôi cho những sĩ tử thi đậu hoặc thăng chức để vượt qua long môn.
Sĩ tử thi đậu, làm thơ ở Khúc Giang, đề thơ ở Tháp Nhạn chính là vinh quang của triều đình, là một hoạt động tập thể, làm tiệc thiêu đuôi thì lại là niềm tự hào của riêng gia đình, chính mình là nhân vật chính tuyệt đối, cho nên "tiệc thiêu đuôi" đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lòng người đọc sách.
Thẩm Ký cho đặt trước "tiệc thiêu đuôi" cũng là có ý cầu chúc khách nhân đậu đạt, tiền đặt cọc rất ít, sau đó còn được hoàn lại, không ít người vì muốn lấy chút điềm tốt lành mà cũng đặt vài bàn.
Kỳ thi ngày càng gần, áp lực của đám sĩ tử cũng càng ngày càng lớn, trong quán rượu cũng càng ngày càng ồn ào. Có người tự tin đắc ý, có người thấp thỏm bất an, có người buồn rầu ủ rũ, có người như bị điên, có người mơ màng như ở trong mộng, có người đến rượu cũng không nuốt trôi nổi, có người lại bất chấp hết mà uống, có người uống say vừa khóc vừa hát vừa làm thơ...
Xét tới trạng thái tinh thần của mọi người, quán rượu Thẩm Ký ở Đông Thị đặc biệt tăng cường an ninh, phái thêm mấy tiểu nhị cao to vạm vỡ, cũng may là vẫn không cần dùng tới - Thẩm Thiều Quang là một bà chủ quán rượu khá ôn hòa, khóc một chút hát một chút thì có là gì? Áp lực lớn, để cho người ta phát tiết một chút cũng không được sao? Chỉ cần không phá phách cướp bóc gì là được.
Gặp những sĩ tử khóc to thế này thì thường đều là quản sự dẫn chân chạy vặt bưng canh giải rượu và khăn ấm tới, cho nên Tần quản sự rất được đám sĩ tử kính trọng. Có sĩ tử còn đặc biệt làm thơ về Tần quản sự: "Đường đi lắm gian nan, lệ rơi đẫm vạt áo, tạ lòng quân nồng hậu, khăn vải với canh chua, có may tới Tháp Nhạn, ắt tạ ơn Tần lang."
BẠN ĐANG ĐỌC
Tiệm cơm nhỏ thành Trường An
RomanceTác giả: Bánh Anh Đào Giới thiệu: Mưa phùn gió nhẹ, quán nhỏ cờ xanh, hồ cơ như hoa Rượu ngon Tân Phong, măng non giòn tươi, kim tê ngọc quái Thiếu doãn Lâm Yến đưa mắt nhìn lão bản nương da trắng mắt hạnh kia Một cung nữ vốn xuất thân dòng dõi lại...