Lam Hi Thần cùng Nhiếp Minh Quyết có tâm tư với nhau từ khi còn thơ bé, quen thuộc như Lam Vong Cơ không phải là không biết, đương nhiên Nhiếp Hoài Tang kia cũng biết. Nhưng khi nghe được Nhiếp Minh Quyết muốn tới nhà "cầu thân", Lam Vong Cơ trong lòng vừa mừng rỡ lại vừa lo lắng.
Mừng rỡ không bởi vì cái hư danh làm em vợ của Càn Khôn chi chủ. Lam Vong Cơ thực ra cũng giống huynh trưởng mình, lúc nhỏ đã nghe đã thấy nhiều chiến tích về Nhiếp Minh Quyết. Từ vị trí Nhiếp đại công tử đến Nhiếp tông chủ rồi Xích Phong Tôn cho đến Chính Chương Thánh đế bây giờ, trong lòng bảy tám phần là sự kính phục, cho dù có nghĩ thế nào cũng không ngờ tới một ngày bản thân có thể trở thành "thê đệ" của hắn.
Còn lo lắng là bởi vì quy củ của Lam gia. Dù cho hiện tại Nhiếp Minh Quyết có là người đứng đầu vạn vật chúng sinh, ba mươi ba trưởng bối trong nhà có vì cái lợi ích làm thông gia với hắn mà đồng ý, nhưng tiếng nói cuối cùng vẫn thuộc về người quyền lực nhất là Lam lão thái gia, tức thúc công Lam Diệp.
Ngoại trừ mấy ngàn gia quy khắc trên đá, đối với môn sinh nội tộc thì chuyện chung thân đại sự của bọn họ trong mắt Lam Diệp mà nói vô cùng yêu cầu nghiêm ngặt. Không chỉ cần người vừa có gia thế lại vừa nắm trọng quyền trong tay mà còn rất chú tâm đến tài năng và nhân tướng của người đó. Nếu không có đủ bốn điều kiện trên thì ít nhất cũng phải có hai trong bốn. Năm xưa nếu không phải Lam Nhu Thủy - mẹ của Lam Cảnh Nghi, chị họ dòng thứ của hai huynh đệ Lam Hi Thần - là nữ đệ tử nội tộc duy nhất, Lam Diệp cũng sẽ không vì cái danh "thứ trưởng nữ" của nàng mà chấp nhận mối hôn sự với một hiệp khách giang hồ chỉ có danh tiếng mà không có gia thế đàng hoàng. Sau đó là Ngụy Vô Tiện, tuy không còn thuộc về Vân Mộng Giang thị nhưng danh tiếng Di Lăng lão tổ lúc đó hãy còn chấn động Huyền Môn bách gia, dù có là tà đạo trong mắt người đời thì xét về mặt tài năng - có thể khai ra một cách tu đạo không ai nghĩ đến - ông vẫn miễn cưỡng chấp nhận được.
Mà mấu chốt ở chỗ, Lam Nhu Thủy và Lam Vong Cơ, một người tuy thuộc dòng thứ nhưng lại là nữ đinh, một người chính là đích thứ tử, không phải nữ nhân duy nhất thì cũng nằm trong dòng đích trực hệ của Lam thị, Lam Diệp đương nhiên sẽ rộng rãi châm chước vài phần.
Nhưng còn Lam Hi Thần thì hoàn toàn khác. Y từ nhỏ đã được nuôi dưỡng bên người Lam Diệp, lại là đích trưởng tử trực hệ, phân vị vô cùng cao quý, sinh ra đã là báu vật. Nếu Lam Vong Cơ là niềm tự hào của Lam thị, của ba mươi ba trưởng bối và của Lam Khải Nhân, thì huynh trưởng hắn chính là sự kiêu hãnh của riêng Lam Diệp. Ông không chỉ nâng niu đứa cháu này như ngọc như vàng, mà còn luôn duy trì mong muốn kể từ thời gian của Lam Hi Thần, dòng đích so với các đời trước sẽ càng đông đúc thịnh vượng. Mà muốn duy trì, hôn nhân của Lam Hi Thần dĩ nhiên phải là một mối hôn sự tốt, và quan trọng nhất phải là.....nữ nhân, như thế mới có thể khai chi tán diệp cho dòng đích. Tuy Lam Diệp trân quý và nuông chiều Lam Hi Thần vô đối, nhưng sẽ không vì tình cảm riêng của y mà làm ảnh hưởng đến uy thế của dòng đích trong mắt ông bao lâu nay. Chưa kể từ nhỏ cho đến lớn, Lam Hi Thần đã quen dựa vào mọi sự sắp đặt của ông. Chỉ cần Lam Diệp nói một tiếng, dù muốn hay không muốn thế nào, Lam Hi Thần cũng phải vâng vâng dạ dạ làm theo, ví như nói đằng Đông thì y chẳng dám đi đằng Tây.