Chương 84. Hội Nữ thương

108 6 0
                                    

Nghe Lâm Vãn Sương kể thế, trong lòng Thi Yến Vi vừa hân hoan vừa phấn chấn, liền truy hỏi: "Thành Lạc Dương có học đường dành cho nữ sinh thật sao?"

Lâm Vãn Sương gật đầu, khẽ đáp: "Thật ra đã có từ lâu rồi... Sáu năm trước, khi Hoàng hậu điện hạ mới đến Lạc Dương thì nơi này đã xuất hiện học đường dành cho nữ sinh rồi. Nhưng vì chỉ có vài nữ sinh, người biết đến không nhiều. Thần cũng phải dò hỏi khắp nơi mới biết được, trong con ngõ ở phường Hưng Giáo nằm ở Nam thành, có một nữ tiên sinh mở ra học đường."

Thi Yến Vi lặng thinh một lúc, lại hỏi: "Hiện trong học đường có bao nhiêu nữ sinh?"

Lâm Vãn Sương cố gắng hồi tưởng, nhưng không nhớ rõ nên chỉ nói một con số áng chừng: "Chưa tới hai mươi người, nhưng mười mấy người thì chắc được. Phần lớn đều là những nữ thương, quả phụ, phụ nhân bị bỏ hoặc hòa ly, họ đưa con cái đến đó học. Minh Nguyệt Nô có một bạn học mà mẹ của cô bé là người quản lý sổ sách trong trà quán của thần."

Nghe vậy, Thi Yến Vi nhớ lại khi ở thành Cẩm Quan, dường như từng nghe các nữ nhân trong tiệm thêu nhắc đến. Ở phường Bích Kê cũng có một nữ tiên sinh, tuy không mở học đường, nhưng lại thường đến nhà, dạy học cho các tiểu nương tử của những phú hộ trong vùng.

Trong ba năm ở Biện Châu, nàng cũng kết giao với một nữ lang từng được Lệnh Nghi giúp đỡ. Sau khi kiếm được chút tiền, người này đã mở một xưởng dệt, thu nhận mấy chục nữ công. Ai có con gái muốn học chữ thì chỉ cần đưa đến, nàng sẽ dạy chúng đọc sách viết chữ, chỉ thu chút tiền cơm tượng trưng.

Tuy chuyện này không thể một sớm một chiều mà thành, nhưng nếu trải qua nhiều thế hệ, dần dần cũng có thể thay đổi hệ tư tưởng. Nếu ngay cả mồi lửa ban đầu cũng không có, thì sao có thể lan thành biển lửa được đây?

Dẫu rằng nữ tử hiện thời không thể tham gia khoa cử làm quan, nhưng nếu có thể giúp họ hiểu biết thế sự, phá bỏ một phần những ràng buộc từ Nữ tắc, Nữ giới, đồng thời mở ra nhiều con đường để lựa chọn hơn thì đó là điều rất đáng hoan nghênh rồi.

Những điều nàng có thể làm là cố gắng đấu tranh hết mức, nhưng tuyệt không thể nóng vội.

Nghĩ một lát, cảm thấy có chút khát, nàng cầm chén trà lên, nhấp vài ngụm rồi hỏi: "Không biết Nhị nương đã từng nghe về công chúa Tuyên Thành của tiền triều chưa? Nữ tiên sinh kia có quen biết công chúa không?"

Lâm Vãn Sương mỉm cười: "Tất nhiên thần đã nghe qua về vị công chúa này. Lúc trò chuyện cùng nữ tiên sinh ấy, nàng kể rằng khi còn nhỏ từng được công chúa chỉ dạy. Sau này, nàng đến Trường An làm thương nhân, kiếm được chút bạc, đến khi lớn tuổi hơn mới dời đến Lạc Dương định cư, rồi nảy sinh ý tưởng mở lớp học dành riêng cho nữ sinh."

Thi Yến Vi lại hỏi về tuổi tác và danh tính của nữ tiên sinh. Lâm Vãn Sương chỉ đáp sơ lược: "Khoảng ngoài ba mươi tuổi, họ Chân, trong nhà đứng hàng thứ hai."

Sau một hồi trò chuyện, Thi Yến Vi liền gọi cung nhân đứng hầu ngoài cửa mang lên một số vật dụng nhỏ cùng một ít điểm tâm trà bánh do chính tay nàng làm, nhằm bày tỏ lòng cảm tạ với Nhị nương vì đã thịnh tình khoản đãi năm xưa.

Giam nàng trong trướng - Tụ Tụ YênNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ