Chương 85. Chiến sự

96 7 4
                                    

Sở quốc sai sứ giả từ Đàm Châu đến Ngụy quốc cầu hòa, nguyện dâng tiền bạc, gấm vóc, ngựa chiến, cùng trân bảo mỹ nhân. Giang Thịnh xem xong danh mục thì long nhan đại duyệt, chẳng mấy chốc đã cùng sứ thần Ngụy quốc ký kết hòa ước, hạ chỉ triệu Thẩm Kính An hồi triều.

Thẩm Kính An cũng thấy việc phạt Sở không nên nóng vội, liền lãnh chỉ, thu binh trở về Biện Châu.

Lúc hắn rời đi là vào giữa xuân tháng hai, giờ đã là đầu thu tháng bảy, mưa thu lác đác, gió mát hiu hiu.

Quốc quân Giang Thịnh thiết yến trong cung để đón gió tẩy trần cho Thẩm Kính An. Ngoài Hoàng hậu và Quý phi, vị tần phi mới được sủng ái ngồi cạnh Giang Thịnh đã đổi sang người khác. Lưu Thừa huy, nữ tử được hắn tự tay dâng lên tiên đế tranh sủng chẳng rõ đang phiêu bạt nơi nào.

Giang Thịnh vẫn luôn canh cánh trong lòng chuyện Thẩm Kính An lén thả vị cháu gái xinh đẹp, hoa nhường nguyệt thẹn kia đi. Nếu không phải lúc này nước Ngụy đang cần nhân tài, hắn chắc chắn sẽ không dễ dàng bỏ qua.

Ví như cung yến đêm nay, thái độ của Giang Thịnh đối với Thẩm Kính An cũng chỉ qua loa lấy lệ. Tuy có đứng dậy mời rượu, chúc mừng y đại thắng Sở quốc, nhưng lại không có bất kỳ phần thưởng thực chất nào, mà chỉ là chút vàng bạc tiền tài, không bao gồm chuyện thăng quan tiến tước.

Trong số các tướng lĩnh xuất chinh đánh Sở cùng Thẩm Kính An lần này, có hai người là tâm phúc của Giang Tiều. Chẳng hạn như Quách Trừng, người lần đầu được cử làm nguyên soái dẫn quân đánh Sở. Với chiến thắng của quân Ngụy lần này, Giang Thịnh cũng có cớ để ban thưởng cho hắn. Không chỉ được thăng lên tam phẩm, Quách Trừng còn nhận thêm hầu tước.

Thẩm Kính An chẳng mấy để tâm đến những danh vọng hư ảo ấy. Sau khi cung yến kết thúc, y cưỡi ngựa quay về phủ.

Không biết từ lúc nào, y đã dừng chân trước tiểu viện nơi Thi Yến Vi từng ở. Tựa người vào khung cửa, y bất giác hồi tưởng đến dáng vẻ nhẹ nhàng, vui tươi của Lý Lệnh Nghi khi ở bên nàng và Trân Trân.

Cháu gái của y giờ đây đã khác hoàn toàn so với khi còn nhỏ. Ban đầu, y cũng từng tự hỏi liệu Nhị nương, người đã liên tiếp mất đi cả mẫu thân lẫn huynh trưởng, lại bị Tống Hành cưỡng ép đưa về, có thể mạnh mẽ, lạc quan như hiện tại hay không. Tất cả khác xa hoàn toàn so với nét trầm lặng, ít nói khi còn ở Hoằng Nông.

Có thể do tiếp xúc lâu ngày, y dần nhận ra rằng cháu gái này thực lòng coi y như người thân. Trước đây y được Tiên đế coi trọng, thường xuyên đi vắng khỏi phủ, nhưng nàng vẫn sắp xếp chu toàn, quán xuyến gia phủ đâu vào đó. Nàng còn mở tiệm, kiếm được không ít bạc giúp y. Nhờ đó, dù y theo kim thương vội vàng nam tiến đến Hàng Châu nhưng vẫn có thể sống những ngày tháng thong dong, chẳng khác gì lúc còn ở Biện Châu.

Bất luận linh hồn đang trú ngụ trong cơ thể nàng có phải là của Nhị nương hay không, nhưng Nhị nương vẫn đang hiện hữu, điều ấy xem như là sự tiếp nối của sinh mệnh. Vậy thì, hà tất phải truy cứu nhiều hơn?

Khi xưa, lúc nàng cùng công chúa và Trân Trân còn ở trong phủ, viện này lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười. Mỗi khi thấy y, Trân Trân sẽ vui vẻ chạy tới, gọi y một tiếng "cữu ông", nài nỉ đòi y chơi cùng...

Giam nàng trong trướng - Tụ Tụ YênNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ