Chương 61: Đại Hải Địa
Địa hình ở vương quốc Miên Cương vốn chia thành hai nửa rõ rệt. Vùng đồng bằng trũng thấp phía đông và đồi núi phía tây. Miên Cương lại không có nhiều con sông lớn như Việt quốc. Nên cứ mỗi mùa nước đổ là toàn bộ vùng phía đông sẽ chìm ngập trong lũ lụt. Khu vực bị ngập này thường được gọi là Đại Hải Địa. So Với Đại Lâm Phong của Việt quốc thì Đại Hải Địa có diện tích không hề thua kém. Trong đó có sáu tỉnh thường bị ngập toàn bộ và tám tỉnh bị ngập một phần.
Kinh đô của của Miên Cương là Watt Nam nằm ở trung tâm đất nước. Một nửa kinh đô thuộc Đại Hải Địa, một nửa lại thuộc vùng đồi núi cao. Bên cạnh Watt Nam có một con sông là Sepoko, con sông mẹ của thành phố. Sepoko chảy từ tây sang đông đi ngang qua hoàng cung Miên vương.
Trong thời đại của các vua nhà Tang, đã gây chiến với Việt quốc rất nhiều lần. Nhưng bởi vì có Trường Lý sơn ngăn trở nên họ chưa từng chiếm được một tấc đất nào của Việt quốc. Cuộc chiến gần đây nhất của hai nước đã là chuyện một trăm năm trước. Nhà vua khi đó là Tang Mục Lân trẻ tuổi cũng phải bỏ mạng khi đụng độ với tướng quân Từ Tử Minh của nhà Lưu.
Con cháu đời sau của nhà họ Tang lấy đó làm bài học, mãi nhìn về Tân thành mà dặn lòng không được xâm phạm họ. Nhưng đối với Dương Bá Thiên thì đó chỉ là thái độ khiếp nhược của nhà vua hèn kém. Khi đã chiếm được ngai vàng, lên ngôi hoàng đế thì lòng tham của ông ta lại trỗi dậy. Thống nhất đất nước, bình định tứ phương, thiên hạ duy ngã độc tôn chính là mơ ước của kẻ xưng đế. Thái tử Lôi Ân khi trở về đã tức tốc hối thúc khai chiến. Bá Thiên như được gãi trúng chỗ ngứa, ngay lập tức ưng thuận gật đầu. Con trai bảo bối của lão quả nhiên là thiết huyết nam nhi. Muốn nuốt gọn Việt quốc ở phía đông, tham vọng của hắn cũng không thua gì cha mình.
Binh lực năm mươi vạn, xa pháo hơn mười ngàn. Lần phát động chiến tranh đầu tiên và lớn nhất của triều đại nhà Dương đã bắt đầu hơn nửa năm trước. Quân chủ lực họ vẫn còn đóng ở Đại Hải Địa, cách không xa biên giới Miên - Việt. Thái tử Lôi Ân dẫn quân tiên phong băng qua kênh đào Vong Xuyên chỉ là một phần năm binh lực thật sự mà thôi.
Vùng đất dưới chân Tân thành chính là tử địa đối với người Miên. Đã không biết bao máu xương chiến sĩ Miên quân chôn dưới lòng đất của Tân thành. Muốn công phá toà thành đó, gần như là tuyệt vọng vô nghĩa. Từ Tử Minh xây dựng Tân thành, chính là muốn tạo ra một pháo đài bất khả xâm phạm, không có bất kỳ đội quân nào có thể công phá nổi.
Độc Long khi nghiên cứu chiến lược, bàn thảo kế sách, cũng đã nhận ra vấn đề thật rõ ràng. Chẳng ai có thể đánh bại Việt quân ngay trên đất của họ cả.
“Vậy thì bên ngoài Đại Lâm Phong thì sao?” Hắn nhíu mày thầm nghĩ. “Đến Đại Hải Địa rồi thì chẳng còn cái gọi là pháo đài bất khả xâm phạm nữa. Việt quân sẽ chẳng còn lại bất cứ lợi thế nào, nếu đối mặt với Miên quân.”
Thời gian đó là đầu mùa hè năm Khai Nguyên tám mươi lăm. Lần đầu tiên Việt quốc dẫn binh phản công đánh qua biên giới Miên Cương. Trong vòng một tháng, chiếm được bốn tỉnh phía đông của đất nước này. Quân Miên đã rút sâu vào vùng trung tâm Đại Hải Địa, dự định chiến trường định mệnh mà đại quân hai bên đụng nhau sẽ là tỉnh Si Xem, khu vực trũng nhất của toàn bộ vùng đồng bằng.