Chương 24: Bình tâm suy nghĩ
Triều đại của họ Lưu bắt đầu từ Thánh Minh tổ hoàng đến Ngữ Hinh đã là đời vua thứ sáu. Đất nước trải dài từ biển Nam Dương đến Thiên Mẫu Sơn, phía tây chiếm trọn Đại Lâm Phong ngăn cách với Miên Cương bởi Trường Lý Sơn, phiá đông tiếp giáp với Sa quốc chủ yếu bởi sa mạc Hồi Hộp. Bởi vì người dân Sa quốc có thói quen sống cuộc đời du mục, bao gồm nhiều dân tộc nên nền chính trị vô cùng rối ren bất ổn. Mai ông vua này lên, mốt ông vua kia lên; mà mỗi người lại có một chính sách cai trị khác nhau.
Cũng bởi vì Việt quốc và Sa Quốc lấy sa mạc làm mốc nên ranh giới hai nước thường xuyên biến đổi theo muà. Lúc mùa mưa cây cối tươi tốt thì sa mạc lui về phía đông. Thế rồi khi mùa khô kéo tới, đất đai hoang hoá, sa mạc lại xâm chiếm nghiêm trọng về vùng đồng bằng phía tây. Sự bất ổn này đã kéo dài suốt mấy trăm năm từ thời Sử Định hoàng đế thống nhất cửu quốc, lập nên triều đại nhà Lưu cho đến giờ.
Sự kiện chiến tranh năm đó cũng chính bởi vì một mùa khô khắc nhiệt nhất trong lịch sử Việt quốc. Sa mạc đã lấn chiếm cho đến Cát thành, vốn là thành trì tiền tiêu của Việt quốc ở phía đông. Quốc vương Sa quốc thừa cơ dấy quân xâm lấn, lấy hẹn ước với tổ tiên Lưu gia rằng sa mạc đến đâu, thì lãnh thổ Sa quốc liền kéo dài đến đó, để mà làm cớ. Nhưng thật ra Cát thành vốn đã cách xa biên giới hơn bốn mươi dặm, nếu nhường luôn cả toàn thành này, thì cũng như nhường cho Sa quốc cả ba tỉnh phía đông. Người dân Việt quốc sống tại ba tỉnh này không chịu, quan viên triều đình cũng nhất định không chịu. Chính vì thế, chiến tranh nổ ra.
Chiến tranh vệ quốc vốn không phải điều kỳ lạ gì để đáng bàn cãi. Đáng nói ở đây là triều đình Ngữ Hinh vốn đã sống an lạc mấy chục năm qua, chưa từng biết đến chiến tranh là gì. Các tướng lĩnh đứng đầu quân đội cũng đều là lão tướng tiền triều, phần còn lại chỉ toàn là quan văn chỉ biết khua môi múa mép.
Vì lẽ đó nên Phúc Văn mới tự mình lãnh soái ấn, đích thân dẫn quân xuất trận để bảo vệ bờ cõi tổ quốc. Thân là thái tử, tự nhiên y thấy mình phải có trách nhiệm với nước nhà. Hơn nữa Phúc Văn quả thật là võ tài hiếm có, từ nhỏ thông thuộc binh thư, trưởng thành trong quân doanh, được toàn bộ triều đình công nhận là người có thực lực nhất trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên Ngữ Hinh hoàng đế cực lực phản đối đề nghị của y. Phúc Văn là người thừa kế ngai vàng tương lai, sao lại có thể mạo hiểm thân chinh xông ra đầu trận tuyến. Thế nhưng tin xấu từ biên giới liên tục kéo tới. Quân đội của Sa quốc đã áp sát Cát thành, giở trò cướp bóc giết người. Lời ca thán của người dân đã vang thấu trời xanh.
Hoàng đế thức mấy đêm liên tục cũng không nghĩ ra đối sách, không tìm được kẻ nào có thể thay thế được vị trí của thái tử. Chẳng lẽ lại gọi quốc công bảy tám chục tuổi dẫn đầu các lão tướng, mang bộ xương già đi đánh giặc. Chính bản thân Phúc Văn cũng ngày ngày hối thúc phụ hoàng, tình hình Cát thành đã khiến y vô cùng nóng ruột. Cuối cùng Ngữ Hinh cũng phải nén lòng ban soái ấn cho Phúc Văn, long trọng mở lễ tế cờ, khao quân tiễn thái tử ra trận.
Chỉ trong thời gian ngắn y đã thành công điều động hết hai phần ba quân lực của Việt quốc đến biên phía đông. Luyện võ suốt mười mấy năm trời, cuối cùng cũng đã được tung hoành vùng vẫy cho thoả chí tang bồng. Đó chính là niềm khát khao của một võ tướng, niềm mong ước của một thanh kiếm. Chỉ có trong chiến tranh, Phúc Văn mới có thể cảm nhận mạnh mẽ sự tồn tại của bản thân. Y sinh ra đã là một võ tướng, chiến đấu chính là một phần bản năng trong y. Những nhà chiêm tinh dự đoán y là hoàng long giáng trần, nhưng họ lại quên nói với Ngữ Hinh hoàng đế rằng y cũng được Võ tinh chiếu mệnh.