Chương 13: Ánh mắt đầu tiên

2.2K 25 0
                                    

Chương 13: Ánh mắt đầu tiên

Chuyện bắt đầu vào thời Ngữ Hinh năm thứ hai mươi bảy, phủ Tiết Châu, Việt Quốc bấy giờ. Đất nước đã trải qua cả trăm năm thái bình thịnh vượng, dân cư đông đúc, cuộc sống sung túc, nhà nhà no ấm. Phải nói là vào đời của Thái Hinh, văn hoá cực kỳ phát triển, ca múa vũ nhạc, thơ từ thi phú đâu đâu cũng thấy. Đây là triều đại mà người ta chú trọng hưởng lạc hơn bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của nhà Lưu.

Thời đó vua Ngữ Hinh ngoài mở khoa cử cho văn nhân thi công danh, cũng mở tú hội cho tài nữ thi lấy phẩm vị. Nam nhân thì muốn làm trạng nguyên, nữ nhân thì muốn làm hoa khôi, chức vị đều hãnh tiến như nhau cả. Ra đường lúc nào cũng thấy người người ôm sách, cái gì mà hồ dã chi giả ... Trọng văn khinh võ, cả đất nước chỉ toàn người ốm gầy nhược yếu. Nữ nhân thì đua nhau làm đẹp, bó chân siết eo, sống chết luyện thanh, luyện vũ. Cho dù có thân tàn ma dại cũng muốn trở thành vũ cơ của nhạc phường.

Nhạc phường cũng giống như thư trai, là nơi giáo dục chuyên dành cho nữ giới. Thư sinh có công danh sẽ được nhà nước trọng dụng, tài nữ có phẩm vị cũng được kính trọng không khác gì báu vật. Vì vậy nhà nhà có con gái lớn đều nhất định không cho làm việc nặng nhọc, nhất định phải học múa, học hát mới có thể giúp quang tông diệu tổ, rạng danh dòng họ.

Phủ Tiết Châu là vùng phía nam Thần Châu, non nước hữu tình, phong cảnh đẹp đẽ, xứng đáng với cái tên địa đàng hạ giới. Nơi đây cũng là đất sản sinh ra biết bao bậc kỳ nhân tuấn nhã, mỹ nữ tuyệt luân. Mỗi hội khoa cử, trong tam khôi nhất định sẽ có một người ở Tiết Châu. Mỗi hội tuyển tú, trong đám tài nhân cũng nhất định sẽ có người của Tiết Châu. Sơn linh địa tú, đất sinh nhân tài.

Trương Quý Thuận đứng bên cầu tàu trông ngóng. Con thuyền dài lặng lẽ khua mái chèo nhàn nhã trên Đông hồ. Đám đông lao xao chờ đợi thuyền khách cập bến, ông cũng như những người xung quanh, chen vào chờ đón người thân từ phương xa.

-       Lão gia, đừng chen vào chi cho mệt, chúng ta đứng đây, lát nữa họ đi ra cũng sẽ thấy người thôi.

Liễu Thị nắm tay phu quân kéo lại, bà vô cùng miễn cưỡng mới phải cùng ông đi ra chỗ hỗn tạp này. Đáng ghét hơn là phải giả vờ chào đón những kẻ sắp tới. Bà chỉ là vợ lẽ, còn người kia mới là chính phẩm phu nhân.

Người ngợm hàng hàng chen nhau đi ra khỏi bến. Ai đã gặp được người thân thì cùng nhau chen ra, ai chưa thấy được thì lại tiếp tục lách vào. Những người phu phen vừa nặng nhọc khiêng hàng, vừa hét to cho những hành khách khác tránh xa. Bến tàu chật hẹp nhốn nháo toàn người qua kẻ lại.

Chợt thấy được bóng người quen thuộc, Trương Quý Thuận vẫy vẫy tay mừng rối rít.

-       Tố Quyên, Tố Quyên.

Một người phụ nữ quê mùa, đội khăn nâu quay mặt nhìn lại. Đó là một thiếu phụ khá xinh đẹp với đôi mắt u buồn và rèm mi cong dài. Tuy hơi bần hàn, khắc khổ nhưng có thể hình dung ra thời thiếu nữ nàng từng là bậc quốc sắc thiên hương thế nào. Liễu Thị chề môi kinh bỉ. Chỉ là một chính thất bị ép gả vào nhà họ Trương khi còn trẻ, Trương Quý Thuận phần lớn thời gian đều làm việc ở Tiết Châu, có bao giờ trở về nhà với ả ta đâu.

[Huyền huyễn] Hoa đào có phải nở vì taNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ