Trò chuyện được một lát, tôi thấy trên mặt Thái phi đã lộ nét mỏi mệt, liền đứng dậy cáo từ. Thái phi nói với Huyền Thanh: "Để hai cô gái về nhà một mình không tiện, con thay ta tiễn bọn họ một đoạn đi."
Huyền Thanh cung kính đáp "vâng" một tiếng rồi A Tấn dắt Ngự Phong đi theo tôi và Hoán Bích, Huyền Thanh thì đi bên cạnh. Hoán Bích thỉnh thoảng lại ngoảnh đầu trò chuyện vài câu với A Tấn, một đoàn bốn người chậm rãi đi về phía chùa Cam Lộ.
Tôi làm bộ như vô ý hỏi: "Vừa rồi nghe Thái phi nói thì hình như mấy tháng vừa rồi Vương gia đã tới vùng Xuyên Thục?"
Huyền Thanh nói: "Hôm đó hoàng huynh đột nhiên nổi hứng, nói ta từng dừng chân du ngoạn ở đất Thục Trung mấy tháng, bèn lệnh cho ta vi hành tới vùng Xuyên Thục lần nữa, để ý xem chính tích của các quan viên thế nào. Vì nhận lệnh vội vã, ta phải thu dọn đồ đạc rồi tới Xuyên Thục ngay, vốn muốn bảo A Tấn đi bẩm báo với mẫu phi, nhân tiện nói với nương tử một tiếng, đáng tiếc thời gian gấp rút quá, thành ra không kịp dặn dò câu nào."
Tôi khẽ mỉm cười, nói: "Lần nay ly biệt cũng phải gần ba tháng!"
Y khẽ nở một nụ cười điềm đạm, bên khoé môi như toả ra từng làn hơi thở thanh tân của cây rừng rậm rạp xung quanh. "Tính từ lần gặp gỡ gần đây nhất, ta và nương tử đã có chín mươi bảy ngày chưa gặp nhau!"
Trái tim tôi bất giác nẩy lên, tựa như bị ai đó dùng cây búa nhỏ đập vỡ tan lớp vỏ cứng bên ngoài, làm lộ ra phần nội tâm yếu đuối và mềm mại bên trong, tự nơi đáy lòng trào dâng cảm giác vừa ngọt ngào vừa chua chát, sau nháy mắt đã chất đầy trái tim vốn ngợp trong sự hoang lương của tôi.
Huyền Thanh chỉ vô tâm nói vậy nhưng tôi nghe rồi lòng liền trầm hẳn xuống, đôi hàng lông mày nhăn tít lại, sắc mặt cũng trở nên hờ hững. "Vương gia có kiến thức uyên bác, học rộng biết nhiều, trí nhớ tất nhiên là rất tốt, sở dĩ..."
Huyền Thanh nhẹ nhàng cất tiếng: "Sở dĩ ta nói với nương tử về chuyến đi Xuyên Thục lần này, ấy là vì song thân của nương tử đều ở Giang Châu." Y lấy từ trong vạt áo trước ngực ra một phong thư, nói: "Khi quay về, ta đã rẽ sang Giang Châu, tuy hành trình bị chậm trễ hai ngày nhưng coi như đã không uổng chuyến đi này. Phong thư này nương tử hãy tự xem đi."
Khi đưa tay ra, bàn tay tôi không kìm được hơi run rẩy, trên phong thư màu vàng nhạt ấy có cài một bông sen nhỏ màu hồng. Y nói: "Đây là bông sen đầu tiên trong vại nước của mẫu phi, ta thấy đẹp, liền hái xuống." Bình thường, khi người ta đặt một cánh hoa sen vào trong bức thư là để tỏ ý nhớ nhung với người ở phương xa, cũng là muốn nói với người thân hay bè bạn rằng mình vẫn bình yên, y cài hoa lên bức thư như vậy quả là một việc làm sáng tạo. Ánh mắt đầy vẻ kiên định, y nhìn tôi, cất giọng hết sức hiền hoà: "Mau mở ra đi, đây là thư nhà mà Chân đại nhân gửi cho nương tử đấy."
Tôi run rẩy mở phong thư ra, nét chữ quen thuộc của cha vẫn hệt như ngày trước, ngay ngắn và gọn gàng. "Ta và mẹ con đều khoẻ, không cần lo lắng. Nghe nói con và Hoán Bích đang tu hành trong chùa Cam Lộ, cũng tốt. Đại cục đã định, chớ cố làm những việc uổng công. Chỉ không biết Hành Nhi giờ thế nào, lòng rất nhớ nhung. Kẻ chân trời người góc bể, hãy tự mình bảo trọng, đừng nên quá vấn vương."
BẠN ĐANG ĐỌC
HẬU CUNG CHÂN HOÀN TRUYỆN - Lưu Liễm Tử
Художественная прозаHậu Cung Chân Hoàn Truyện xoay quanh những đấu đá của các phi tần nơi hậu cung. Chân Hoàn là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nên được Hoàng thượng nhất mực yêu mến. Cũng vì thế, cô trở thành cái gai trong mắt Hoàng hậu. Tuy nhiên, bằng sự thông minh c...