12. Làm sao để hạnh phúc?

222 9 0
                                    

  Phần lớn lý do khiến chúng ta đau khổ, nhẹ thì không hài lòng về cuộc sống, nặng thì dẫn đến trầm cảm, là do chúng ta không hài lòng với những gì mình đạt được trong cuộc sống, và những gì đến với cuộc sống của chúng ta. Nguyên nhân chính nằm ở SỰ KỲ VỌNG sai thực tế, đã được phân tích ở bài viết Vì sao con người ta đau khổ? Sau khi đăng bài Trắc nghiệm Burn – Liệu bạn có đang bị trầm cảm? – một bài trắc nghiệm đáng chú ý để đo lường mức độ hạnh phúc của mỗi người chúng ta, rất nhiều bạn đọc có kết quả cao, đặc biệt là trên 50 và thậm chí là trên 75, điều này thể hiện một điều, chúng ta đang đau khổ rất nhiều, và có thể chưa tìm được giải pháp làm sao để trở nên hạnh phúc. Bài viết này, đưa ra một vài góc nhìn tâm lý về bí quyết hạnh phúc để thành công.

  Hàng ngày, có hàng tá sự việc đến với cuộc sống của mỗi người. Khi nó không như ta mong muốn, ta không hạnh phúc. Nhận bài kiểm tra điểm kém, không hạnh phúc. Một ai đó nói câu khó chịu với mình, không hạnh phúc. Công việc nghe được một tin không tốt, không hạnh phúc. Khi về nhà, đồ đạc bỗng dưng bị hỏng, không hạnh phúc. Ngồi ăn cơm, món ăn không như ý mình, không hạnh phúc. Thậm chí lớn hơn, nhìn lại bản thân mình, thấy mình không có cái nọ, không được cái kia, thế là cũng không hạnh phúc. Các mối quan hệ không như mong muốn của mình, không hạnh phúc. Chính trị, pháp luật thay đổi chính sách, khó khăn đến với mình, không hạnh phúc. Có cả tỷ tỷ lý do khiến chúng ta, có thể không hạnh phúc. Dễ thấy, việc không được như ta mong muốn, đó chính là sự kỳ vọng. Nguyên nhân sâu sa của sự kỳ vọng, nằm ở CÁI TÔI, tức một phần thuộc bản ngã – một chủ đề quan trọng và chuyên sâu về tâm lý ứng dụng sẽ được nói ở trong một bài viết khác. Còn bài viết này, sẽ đưa ra những giải pháp đơn giản lẫn chiều sâu về tâm lý để trở nên hạnh phúc. Trong quyển Hạnh phúc thôi chưa đủ – một cuốn sách tâm lý hay về hạnh phúc, CHRIS SKELLETT – chủ tịch quốc gia hiệp hội các nhà tâm lý học ở bệnh viện, nhà tâm lý học lâm sàng được đào tạo ở Đại học Birmingham, Anh quốc với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, đã chỉ ra nguyên nhân khiến người ta không hạnh phúc, nằm ở việc không cân bằng được giữa niềm vui và thành quả. Khi một người quá tập trung vào thành quả, tức kết quả, công việc, thành tích, thành tựu và không hài lòng với nó khi mọi thứ không đạt được mong muốn, họ không hạnh phúc. Ngược lại, khi một người lại quá tập trung vào niềm vui, tức lúc nào cũng tận hưởng, lúc nào cũng vui đùa, mà không tập trung vào thành quả, thì cuối đời họ lại chẳng làm được gì cho bản thân mình cả. Cho nên, bí quyết đơn giản để hạnh phúc đó là cân bằng giữa niềm vui và thành quả. Nhưng trước hết, để có được niềm vui, và ngay cả khi chưa có được thành quả, thì chúng ta vẫn có thể hạnh phúc, chỉ bằng cách mình nhìn cuộc đời và phản ứng với những điều tiêu cực trong cuộc sống một cách tích cực. Trong đó, việc đầu tiên cần phải làm, đó chính là: HỌC CÁCH NHÌN CUỘC ĐỜI BẰNG LY NƯỚC NỬA ĐẦY Cuộc sống mỗi người, đều giống như một ly nước, và nó không bao giờ đầy, nó luôn chỉ có một nửa. Bởi vì chẳng có cuộc sống của ai là hoàn hảo cả, hoàn hảo là điều phi thực tế. Thế nhưng, quan trọng là cách nhìn ly nước ấy, chúng ta nhìn nó bằng ly nước nửa vơi, hay nửa đầy, ấy mới là điều quan trọng. Khi nhìn ly nước nửa vơi, chúng ta tập trung nhìn vào những thứ mình không có, và dĩ nhiên, hậu quả là luôn cảm thấy không hạnh phúc. Còn khi nhìn bằng ly nước nửa đầy, tức nhìn và trân trọng những gì mình đang có, tự nhiên chúng ta hạnh phúc. Trong một nhà tù, hai người cùng đứng vịn tay vào song sắt, một người chỉ thấy bờ tường trơ trụi; còn một người, ngửa mặt lên trời ngắm những vì sao. Cũng là một sự việc, nhưng cách nhìn và sự tập trung hướng vào góc nhìn của hai người khác nhau, vì vậy mà dẫn đến cảm xúc và thái độ khác nhau, quyết định đến việc một người hạnh phúc hay đau khổ. Khi nhìn đời bằng ly nước nửa đầy, nhìn những thứ mình đang có, chứ không phải là những thứ mình không thể có, tự nhiên mỗi người đã tự cảm thấy rằng mình đang hạnh phúc. Phần ví dụ thì vô cùng nhiều: chẳng hạn ví dụ đơn giản nhất như hôm nay phải đi làm, khép lại kì nghỉ lễ. Nếu nhìn ly nước nửa vơi thì sẽ thấy lại phải đi làm, không được nghỉ nữa. Nhưng nửa đầy đó là, khép lại kỳ nghỉ tuyệt vời, mở ra một tuần mới để mình tiếp tục làm những điều mới. 

Tâm lí học tổng hợpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ