28. Làm Sao Để Kiềm Chế Khi Cảm Xúc Vượt Ngưỡng?

145 12 0
                                    

  Tính cách là thứ định hình con người nhưng nó bị chi phối bởi cảm xúc, sinh ra và phát triển bởi cảm xúc. Cảm xúc có yêu, ghét, giận, vui vẻ, chán nản,... và tính cách mỗi người bao gồm tất cả, tại mỗi thời điểm ta sẽ có cảm xúc khác nhau như là khi thích một ai đó, ta có cảm giác phấn khích, thích thú nhưng lại có chút e dè khi được gặp họ. 

Có khi nào bạn đang cảm thấy vui vẻ, nhưng đột nhiên lại trở nên buồn bực? Hay đã bao giờ bạn bắt đầu ngày mới vô cùng hào hứng nhưng rồi chẳng bao lâu lại mất hết động lực làm việc và chán nản? Đó là bởi cảm xúc của ta thay đổi. Tại sao nó lại thay đổi trong khi ta nắm quyền điều khiển chính con người ta? Đó là do ta không kiềm chế, không điều khiển được nó.

  Người xưa có câu "Giận quá mất khôn", "Vui quá hóa rồ"..., đúng thế, cảm xúc có thể là động lực đưa chúng ta đến thành công nhưng cũng có thể là hòn đá dìm chúng ta xuống vực sâu. Cảm xúc là yếu tố quyết định trực tiếp đến hành động của mỗi người. Vì vậy, việc điều khiển, kiềm chế cảm xúc chính là điều khiển, kiềm chế hành động của bản thân ta. Vậy làm sao để điều khiển, kiềm chế cảm xúc? 

1. Những loại cảm xúc 

Trước tiên, ta hãy tìm hiểu có những loại cảm xúc nào? Cảm xúc có cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. 

-Cảm xúc tích cực: Là những cảm xúc mang lại điều tích cực, đó là vui vẻ, yêu đời, phấn khởi, tin tưởng, đam mê... Cảm xúc tích cực mang lại cho ta động lực mạnh mẽ để học tập, làm việc.  

-Ngược lại, cảm xúc tiêu cực là những cảm xúc mang lại những điều tiêu cực: là nóng giận, là chán nản, là mất lòng tin... Cảm xúc tiêu cực lấy đi động lực của ta, làm cho ta mất phương hướng, lạc lối. 

Có lẽ các bạn đã nắm được một chút gì đó, nhưng ta hãy đi sâu hơn một chút. Không biết có bạn nào tự hỏi vì sao lại có cảm xúc tích cực và tiêu cực? Bởi sự việc gì cũng có hai mặt, cảm xúc cũng vậy. Cảm xúc phụ thuộc vào góc nhìn của chúng ta, sự việc khác đi khi ta nhìn vào việc đó với một góc nhìn khác và cảm xúc cũng vậy. 

Ví dụ: Một người nóng nảy, bộc trực khi nhìn thấy bạn mình đang đánh nhau với người khác sẽ lao vào giúp bạn mình bằng bạo lực. Ngược lại, người có bản tính ôn hòa, điềm tĩnh sẽ can ngăn và tìm cách giải quyết trong hòa bình. 

Lúc học cấp ba, tôi có tính chủ quan, tự phụ và điều đó đã làm tôi mắc không ít sai lầm, nhưng tôi luôn cho đó là xui xẻo. Khi lên đại học, tôi mới nhận ra là chẳng có xui xẻo nào ở đây cả. Và giờ, tôi nhận ra nhờ đó mà tôi có những bài học thật thú vị. 

Với mỗi người sẽ có mỗi góc nhìn sự việc khác nhau và khi ta trưởng thành cũng vậy. Khi không điều khiển cảm xúc một cách có nhận thức, não bộ ta sẽ "chạy tự động" và chuyển ta vào những cảm xúc khác nhau thông qua những sự việc diễn ra hàng ngày. Sau một thời gian lặp đi lặp lại, nhiều cảm xúc trở thành thói quen. Bên cạnh đó, nhiều người cho phép những sự kiện bên ngoài chi phối cảm xúc bản thân.

 Ví dụ như khi hàng hóa bán chạy, họ vui vẻ, tự tin và cố gắng làm việc nhiều hơn. Khi cửa hàng ế khách, họ nản lòng, buồn phiền đến nỗi phải đóng cửa. Khi có ai đó lắng nghe họ tâm sự, khích lệ họ, họ cảm thấy phấn khởi và bắt tay vào hành động. Nhưng ngay khi có người nhận xét tiêu cực về họ, họ lại quay lại tâm trạng đau buồn và mất động lực phấn đấu lúc đầu.


  Có phải những người thành công luôn lạc quan, may mắn? Có phải họ ít gặp khó khăn trong cuộc sống? Có phải họ luôn có người động viên an ủi họ? Dĩ nhiên là không. Những người thành công vẫn có thể gặp phải những chuyện tồi tệ bên ngoài như bao người khác, điểm khác biệt nằm ở chỗ họ duy trì được cảm xúc tích cực bên trong cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa. Những cảm xúc tích cực này tiếp tục thúc đẩy họ hành động nhiều hơn cho đến khi họ đạt được kết quả mong muốn. 

Những người thành công làm được điều này vì họ chịu trách nhiệm cho cảm xúc của họ và biết cách điều khiển cảm xúc bản thân. Nếu chỉ số IQ chỉ chiếm 25% trong sự thành đạt thì chỉ số EQ lại chiếm đến 75% sự thành đạt và hạnh phúc của một con người. Và việc đầu tiên mà bạn cần phải hiểu là... chính bạn tạo ra cảm xúc của mình. Vì thế, hãy "làm chủ" cảm xúc trước khi chúng "quản lý" chúng ta. 

2. Làm sao mới có thể quản lý được cảm xúc? 

Tôi không nhớ đây là câu nói của ai, nhưng nó khá hay: "Thứ duy nhất ta có thể thay đổi là chính mình". "Chính mình" là tư duy, là suy nghĩ, là cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người. Tư duy điều phối con người, bao gồm cảm xúc. Tư duy luôn đứng trên cảm xúc, nhưng khi tư duy không thể điều khiển thì cảm xúc lên ngôi, nắm quyền quyết định và giải quyết mọi vấn đề. Đó chính là lúc ta không kiềm chế được cảm xúc. Đây là chỗ vấn đề phát sinh ở những người không kiềm chế được cảm xúc. Họ để cảm xúc quyết định và dần dần nó trở thành thói quen, khó thay đổi. 

3. Làm cách nào để thay đổi nó?

 Bằng cách chiếm lấy quyền điều khiển ta sẽ suy nghĩ để giải quyết vấn đề thay vì để cảm xúc tự hành quyết và đưa ta vào tình thế mà đôi khi ta không muốn. Và làm thế nào để có thể nắm quyền điều khiển mà không quên mất nó khi có sự việc xảy ra? Làm như cách mà cảm xúc đã làm với ta. Biến tư duy, suy nghĩ thành thói quen. Thay vì hốt hoảng, lo sợ,... ta ngồi lại, tập trung suy nghĩ về vấn đề, phân tích vấn đề thành những vấn đề nhỏ hơn, nhỏ dần đến khi tìm được được nguồn gốc của vấn đề. 

Có những người khá là yếu đuối, mắng một tí là khóc, làm sai một tí là khóc,... họ luôn trong trạng thái chực chờ để khóc. Cuộc sống "9 người 10 ý", ta không thể làm vừa ý tất cả được và "thất bại là mẹ thành công", nên "cứ sai đi vì cuộc đời cho phép". Có người lại có thói quen ngạc nhiên thái quá với những việc xảy ra, làm cho họ trở nên dị hợm, quá lố trước mặt người khác. Hãy nhớ rằng việc gì cũng có lý do của nó và không việc gì ta phải quá ngạc nhiên khi nó xảy ra. 

Bằng cách kiềm chế những cảm xúc vượt ngưỡng, ta có thể khai thác triệt để năng lực suy nghĩ bản thân và dồn năng lượng tạo thành hành động. Tập cho mình thói quen suy nghĩ trước mọi vấn đề. Học cách im lặng, nhìn nhận mọi việc ở nhiều góc độ khác nhau. Cách tốt nhất là đọc sách. Mỗi ngày bỏ ra một chút thời gian đọc sách, tuy không phải việc lớn nhưng nó luyện cho ta tính kiên nhẫn, sự tĩnh lặng và cả thói quen suy nghĩ.

Tâm lí học tổng hợpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ