Tôi thích nghĩ bản thân mình là kiểu người lý trí, nhưng thật ra tôi không được vậy. Tin vui là không phải chỉ có tôi – hoặc bạn – mà mọi người đều phi lý trí như nhau.
Trong suốt một thời gian dài, các nhà nghiên cứu và các nhà kinh tế học từng tin rằng con người luôn đưa ra những quyết định logic và có cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, vào những thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loạt những nhầm lẫn về tâm lý làm sai lệch cách suy nghĩ của chúng ta. Đôi khi, chúng ta có những quyết định rất logic, nhưng cũng lắm lúc chúng ta đưa ra những quyết định theo cảm xúc, phi lý trí và khó hiểu.
Những nhà nghiên cứu hành vi và các nhà tâm lý học rất thích say sưa diễn giải về các kiểu nhầm lẫn tâm lý khác nhau này. Có đến hàng tá kiểu nhầm lẫn và tất cả đều mang những cái tên lạ lùng như "hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên" hay "liên tưởng ngụy biện." Nhưng hôm nay tôi không muốn nói về các thuật ngữ khoa học. Thay vào đó, chúng ta hãy cùng thảo luận về những kiểu nhầm lẫn tâm lý xuất hiện thường xuyên nhất trong cuộc sống và phân tích chúng bằng ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu. Sau đây là năm kiểu nhầm lẫn tâm lý thường gặp khiến bạn không đưa ra quyết định đúng đắn.
1. Thiên Lệch Kẻ Sống Sót
Ngày nay, gần như mọi kênh truyền thông trực tuyến phổ biến đều tràn ngập thiên lệch kẻ sống sót. Bất cứ nơi nào bạn cũng nhìn thấy những bài viết có tiêu đề như "8 Điều Người Thành Công Thực Hiện Mỗi Ngày" hoặc "Những Lời Khuyên Giá Trị Nhất Mà Richard Branson Từng Nhận Được" hay "LeBron James Tập Luyện Như Thế Nào Vào Mùa Thấp Điểm", thì bạn đang chứng kiến hành vi thiên lệch kẻ sống sót. Thiên lệch kẻ sống sót quy về việc chúng ta có khuynh hướng tập trung vào những người chiến thắng ở một lĩnh vực nhất định và cố gắng học hỏi từ họ, trong khi hoàn toàn quên mất những kẻ thua cuộc vốn cũng sử dụng chiến lược y hệt người thắng cuộc. Có thể có hàng ngàn vận động viên khác cũng tập luyện theo phương pháp tương tự như LeBron James, nhưng chưa bao giờ lọt được vào giải NBA (Giải bóng rổ nhà nghề dành cho nam tại Bắc Mỹ). Vấn đề là không ai trong chúng ta được nghe nói về hàng ngàn vận động viên chẳng bao giờ đạt được thành công sáng chói, mà chỉ biết đến những nhân vật "sống sót" mà thôi. Chúng ta mắc sai lầm ở chỗ đánh giá quá cao những chiến lược, phương thức và các lời khuyên của một người "sống sót" nào đó, trong khi phớt lờ sự thật rằng đối với hầu hết mọi người thì những chiến lược, phương thức và các lời khuyên đó không hiệu quả. Một ví dụ khác: "Cả Richard Branson, Bill Gates và Mark Zuckerberg đều bỏ học giữa chừng và trở thành tỉ phú! Bạn không cần phải đi học để thành công. Các doanh nhân chỉ cần thôi không lãng phí thời gian ngồi trong lớp và bắt đầu khởi nghiệp." Hoàn toàn có thể nói rằng, Richard Branson đã thành công dù không học đến nơi đến chốn, nhưng việc bỏ học không phải nguyên nhân khiến ông thành công. Cứ mỗi Branson, Gates, Zuckernerg, thì lại có hàng ngàn doanh nhân khác với các dự án thất bại, những tài khoản nợ ngập đầu và những bằng cấp dở dang. Thiên lệch kẻ sống sót không chỉ nói lên rằng một chiến lược nào đó có thể không hiệu quả với bạn, mà còn cho thấy chúng ta không thực sự biết liệu nó có đem lại hiệu quả hay không. Khi người thắng cuộc thì được nhớ đến còn kẻ thua cuộc thì bị lãng quên, rất khó có thể khẳng định liệu một chiến lược nào đó có thể dẫn đến thành công hay không.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tâm lí học tổng hợp
Non-FictionCác bài viết về tâm lí học được tổng hợp từ Oopsy, WhyPsychology, Tâm lí học ứng dụng,....