94.ĐỪNG NÓI "KHÔNG" - HÃY NÓI "CẢM ƠN"

42 6 0
                                    

  Mọi thứ trong một không gian khép kín đều có ở đó, nghe thì bình dị, nhưng lại rất nghiêm trọng. Bạn thử tưởng tượng: bạn muốn uống nước, có bình nước ở trước mặt, bạn hỏi nó: tôi uống cậu nhé. Nó bảo: KHÔNG, TÔI KHÔNG Ở ĐÂY. Đó là một chuyện mếch lòng thật sự, nếu nó không muốn bị tôi uống, ít nhất nó có thể nói: thưa anh, đã có người định uống tôi rồi. KHÔNG, KHÔNG, ai dạy người ta nói Không nhỉ?

Tôi thậm chí chẳng biết người ta nghĩ ra từ đó bằng cách nào. Con người ta nhìn vào cái gì để gọi nó là Không? Với người làm việc quen trong một phòng khép kín, quen sống trong một phòng khép kín, chẳng có gì là Không cả, dù họ quen nói Không. Họ không biết rằng ai nghe cái từ đó đều âm thầm bất mãn. Trừ khi bạn cố tình làm người ta bất mãn, bạn chớ tỏ ra như vậy.

Thật ra, mỗi lần nghĩ đến một sự nghiệp, một tương lai, một lý tưởng, thành công nào đó, tôi lại phải nghĩ:

- Mình KHÔNG có sự nghiệp đáng kể gì

- Mình KHÔNG có tương lai hứa hẹn

- Mình KHÔNG thành công

- Mình KHÔNG cống hiến cho lý tưởng nào

Với những gì nhân loại mơ ước, kể cả khát vọng sống yên vui hưởng thụ, than ôi, tôi KHÔNG. KHÔNG-CÓ, nghe thật nực cười. Tôi là người không có gì để tỏ ra đặc biệt trong một căn phòng khép kín, và sâu thẳm tôi muốn sống một cuộc đời khác, một cuộc đời giả tưởng thôi vì sống thật thì có cuộc đời nào lại gọi là vui đích thực được (tôi nghĩ thế đấy, vì tôi sống thế đấy, thật nhỏ hẹp). Nên tôi càng ghét khi phải đối diện cái từ Có và Không.

Tôi không thích trong công ty tôi làm có ai tôi nhờ vả lại bảo rằng: Không. Tôi căm thù cảm giác trình duyệt một dự án tâm huyết và Không. À, toàn là cảm giác thoáng qua thôi, rồi bằng bẩm tính hèn hèn, tôi trở về chỗ, ngồi cặm cụi làm tiếp những công việc được giao, cẩn thận đánh dấu vào checklist để nếu cuối tháng cần thì có thể gửi file cho sếp nói rằng 1 tháng đó em đã cống hiến bằng mồ hôi nước mắt.

Thế là tôi tập nói Cảm ơn, thay cho từ Không. Tập luyện theo nghĩa đen. Bất cứ gì, bất kỳ ai nói với tôi, tôi đều kết thúc bằng câu Cảm ơn. Nhưng tôi sớm nhận ra cảm ơn đầu môi chót lưỡi thật là tai họa, vì đến chính mình cũng giả tạo, thì câu Cảm ơn được làm giả phải là giống hệt hàng đểu. Cái cảm giác của một dân đô thị văn phòng khi nhìn thấy hàng đểu là gì: khinh bỉ, nhưng không nói ra.

Cũng chẳng thể cố gán cho lời Cảm ơn ấy một cái gì thiêng liêng lắm. Đời bạn có bao nhiêu cái thiêng liêng thế? Đừng tự đánh lừa mình, chẳng nhiều lắm đâu, những điều thiêng liêng ấy: trừ khi bạn không còn là con người bình thường - nếu đúng thế, làm ơn tỏ ra bình thường trước khi mọi người gạch tên bạn khỏi sổ tay đồng nghiệp. Tôi nghĩ ra một chiến lược khác: tôi cảm nhận mối giao cảm của từ Cảm ơn đó.

Nó có thật, nếu bạn tin, bạn sẽ thấy. Nếu bạn thật lòng muốn có một mối quan hệ tốt, thật lòng muốn hài hòa chứ không phải loay hoay tìm cách khẳng định cái tôi của mình, thật lòng chứ không phải tạo cái vỏ cho mọi người nhìn, thì bạn sẽ thấy. Bạn sẽ thấy biết nói Cảm ơn như biết chào hỏi, như biết lễ nghĩa, như biết tử tế, như biết cười chia sẻ, như biết buồn phân ưu.

Sếp hỏi tôi, có rảnh không mình nhờ chút. Rảnh? Tôi chỉ rảnh cho người tôi yêu quý, nếu tôi yêu quý sếp như người thân, tôi sẽ rảnh cả đời cho sếp, đi ăn cùng sếp bất kỳ lúc nào sếp cần, nói đủ thứ chuyện và nghe đủ thứ chuyện, dân văn phòng mà, chuộng thứ tình nghĩa cận kề. Mà tôi lại không quen nịnh bợ, vì nịnh bợ cũng hay đấy nhưng giả dối lắm, cái gì giả dối mà lộ thì sao?

Tôi bình tĩnh trả lời: Dạ, em còn nốt một báo cáo nữa phải làm, có gì hôm sau chị lại hỏi em nhé, em CẢM ƠN chị. Tôi thật lòng cảm ơn, vì lời đó là một lời tử tế.

Tử tế ấy mà, giờ hiếm lắm rồi.

Đừng bao giờ nói KHÔNG, hãy kết thúc đối thoại của bạn bằng câu CẢM ƠN. Nó có sức mạnh hơn cả vẻ đẹp của trí tuệ. Chân tình mà!  

Tâm lí học tổng hợpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ