Biết cách PHẢN ỨNG tích cực với hành động của người xung quanh là một chuyện, biết NGĂN NGỪA việc tự phán xét bản thân dựa trên hành động của người xung quanh lại là chuyện khác.
Ví dụ: người yêu đá ta, thế là ta tự hỏi mình kém chỗ nào. Tại sao người không yêu ta nữa chứ? Ta mở rộng lòng ta với người, ta chia sẻ những điều thầm kín, ta yêu người bằng cả trái tim... thế mà người lại không chấp nhận ta. Chắc chắn người thấy ta kém cỏi rồi.
Thực ra là... không: Hành động của người yêu ta không liên quan gì đến giá trị của ta cả. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, vì đó là điều vô cùng quan trọng: hành động của người khác không liên quan gì đến giá trị của ta cả. Nếu người yêu từ bỏ ta, hay sếp cáu với ta, hay bạn bè xa cách, thì cũng chẳng liên quan gì tới giá trị của ta cả. Không hề. Có thể đơn giản là họ đang khó ở, đang nghĩ ngợi gì đó, hay đang sợ rằng bản thân họ bị từ chối. Thậm chí có thể họ sợ mất người yêu nữa.Có hàng triệu lí do để một con người làm một việc gì đó, và dĩ nhiên hành động của họ không thể là thứ để ta dựa vào đó đánh giá bản thân mình. Vấn đề có thể là người kia đang gặp khó khăn (nên mới phũ phàng với ta).
Ví dụ:
Bạn của ta không quan tâm mọi người như ta muốn. Điều đó phải chăng là do anh chàng không quan tâm tới ta, hay không muốn ta vui vẻ? Không. Có thể chỉ là anh chàng đang mệt, hay đang bận bịu gì đó quá thôi. Có thể anh chàng cũng hơi phiền về việc gì đó ta làm, nhưng đó chỉ là vấn đề về hành động của ta, không phải về con người ta. Có thể ta giúp được anh chàng giải quyết các vấn đề này, hay ít nhất là làm xoa dịu nỗi đau trong lòng anh.
Đồng nghiệp ta nổi khùng với ta. Liệu đó có nghĩa là ta là người xấu không? Không, chẳng qua là do đồng nghiệp ta đang nóng nảy, không giỏi giao tiếp, hay chỉ đơn giản, lại là đang khó ởthôi. Thay vì quan trọng hóa vấn đề, hãy tìm cách, hoặc cho anh chàng ở yên một lúc để dịu bớt, hoặc là giúp anh chàng giải quyết vấn đề.
Người ta không hào hứng với ý tưởng của ta lắm. Liệu điều đó có nghĩa là ta kém cỏi không? Không. Chỉ đơn giản là do ý tưởng của ta chưa hoàn thiện, chứ không phải là con người ta kém, hay ta không thể nghĩ ra ý tưởng hay – có thể chỉ là ý tưởng này ra đời chưa đúng thời điểm thôi. Cũng có thể ý tưởng của ta đã hay rồi, nhưng người khác chưa trân trọng, hay không hứng thú với việc phân tích ý tưởng, hay có thể họ đã có ý tưởng khác để làm. Thay vì ngồi buồn rũ rượi, hãy cảm ơn họ và tìm người khác để trình bày.
Trên đây chỉ là vài ví dụ nhỏ để giúp ta thấy mình thường dùng hành động của người khác để đánh giá bản thân mình, dù hai việc ấy chẳng liên quan gì nhiều. Và ta cũng thường xem hành động của người xung quanh là thứ có thể đánh giá ta, để rồi buồn bã về chính mình, dù một lần nữa, chẳng có gì liên quan ở đây cả.
Vậy ta có thể phản ứng thế nào với hành động của người khác?
Hãy xem xét vài ví dụ.
Nếu có người từ chối ta, cáu với ta, làm lơ ta, cục cằn với ta... ta nên làm gì?
Dĩ nhiên, có rất nhiều lựa chọn, nhưng tôi sẽ đưa ra vài ý kiến tổng quan:
1. Đừng quan trọng hóa. Hành động của họ không liên quan tới ta, nên nếu ta thấy mình quan trọng hóa nó thành thứ để soi mình, thì hãy nên kệ nó đi. Tự nhủ rằng việc này không liên quan tới mình, và người đang gặp vấn đề là người kia, không phải là ta.
2. Tái khẳng định giá trị bản thân. Nếu ta thấy mình nghi ngờ giá trị bản thân vì hành động của người xung quanh, hãy nhận ra rằng giá trị một con người không thể được đánh giá chỉ bởi hành động hay ý kiến của người khác. Nó được xác định bởi chính ta. Thế nên, hãy tái khẳng định rằng ta tin vào giá trị bản thân và trân trọng những giá trị ấy. Ngay cả nếu không ai trân trọng ta, thì cứ hãy tự hào rằng ta là người duy nhất thấy được những giá trị tốt của mình. Ta chỉ cần thế mà thôi.
3. Hãy biết cảm thông. Nếu một người nào đó cáu giận, thô lỗ, bực bội, mệt mỏi hay sợ sệt thì có nghĩa là họ đang đau khổ. Có thể họ giận cá chém thớt lên ta, có thể họ xa rời ta, tất cả chỉ vì nỗi đau ấy mà thôi. Hãy tìm hiểu xem ta có thể giúp họ bằng cách nào. Sau khi đã nhận ra rằng mình đã biết cách hạnh phúc một cách độc lập và vững vàng, thì hãy đi giúp những người xung quanh. Nếu họ không muốn ai giúp cũng chẳng sao. Giá trị của ta không thể chỉ xác định bằng việc người xung quanh có muốn ta giúp hay không. Việc ta cố gắng giúp đỡ mọi người đã khẳng định giá trị của ta rồi. Không ai có thể kiếm soát việc người xung quanh chấp nhận hay biết ơn sự giúp đỡ của mình, nhưng ít nhất ta cũng đã cố gắng hết sức rồi.Ba bước này không chỉ giúp ta tự trân trọng mình, mà còn giúp mối quan hệ với mọi người trở nên tốt đẹp hơn. Thông thường, ta hay đáp trả mỗi lần có người làm tổn thương ta. Khi đó, người đối diện sẽ thường chẳng hiểu tại sao, và bắt đầu bực bội. Nếu ta không quan trọng hóa mọi việc, thay vào đó, tìm cách giúp đỡ họ, thì người ấy sẽ biết ơn hơn là giận dữ với ta. Thế là ta có bạn tốt, đồng nghiệp tốt, người yêu và cha mẹ tốt. Chỉ cần biết cảm thông là đủ.
Bước hành động: Những kĩ năng này, như tất cả các kĩ năng sống khác, cần được luyện tập. Thử nghĩ lại về một sự cố gần đây, khi mà ta bị một người thân thiết làm tổn thương, dù không nặng, và nghĩ về cách ta đã biến tổn thương đó thành hình ảnh bản thân mình. Giờ thì hãy nghĩ lại sự việc đó theo hướng mới, tưởng tượng ta đang lẩm nhẩm ba câu nói phía trên trong đầu. Tập tưởng tượng trước, sau đó thử thực hành mỗi khi quá trình ràng buộc này manh nha chuẩn bị xảy ra.
Dịch: Ecoblader
Nguồn: Theo cuốn sách "The Little Book of Contentment"- Leo Babauta
BẠN ĐANG ĐỌC
Tâm lí học tổng hợp
NonfiksiCác bài viết về tâm lí học được tổng hợp từ Oopsy, WhyPsychology, Tâm lí học ứng dụng,....