Khi nói đến phân loại tính cách, thì đây là công cụ phân loại tính cách không còn xa lạ với nhiều người, nó được sử dụng gần như là hầu hết các công ty trong top Fortune 500 trên thế giới. Ở Việt Nam, những bạn trẻ nào đi phỏng vấn xin việc, nếu nộp đơn vào công ty lớn hoặc tập đoàn lớn, nhất là các công ty nước ngoài, thì nhiều khả năng vào các vòng cuối, các bạn sẽ được hỏi nhiều câu hỏi không chỉ ở chuyên môn, mà nhà tuyển dụng còn quan tâm nhiều đến tính cách (Personal) của bạn, chẳng hạn như tính cách của bạn là gì? Công cụ phân loại tính cách dựa trên nền tảng của một nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ có tên là Carl Jung. Để hiểu đúng về phân loại tính cách thì tốt nhất là các bạn nên tìm đến chuyên gia để học. Chứ tránh làm các bài trắc nghiệm theo kiểu chọn đáp án đúng, sai với bạn. Những bài trắc nghiệm miễn phí ở trên mạng theo kiểu một list các câu hỏi đúng – sai rồi chọn thường rất hay khiến cho người ta chọn lầm vì chỉ đưa ra câu hỏi theo kiểu đúng sai, hoặc là các câu hỏi ấy không giúp phân loại, mà khiến người ta hay mắc một sai lầm là chọn theo tính cách mình thích, chứ không phải là chọn theo thứ là tính cách của mình.
Phân loại tính cách có 4 cặp phân biệt là Extraversion và Introversion (Hướng ngoại và hướng nội); Sensing và iNtuition (*Tạm dịch: Chi tiết và Tổng quan); Thinking và Feeling (Lý trí và Tình cảm); Judging và Perceiving (Nguyên tắc và Linh hoạt). Bài viết này đưa ra một vài dấu hiệu để các bạn phân biệt mình là người hướng ngoại hay người hướng nội. Những dấu hiệu này, cũng là những hiểu lầm mà nhiều người thường hay mắc phải. Dĩ nhiên, các tiêu chí ở dưới đây, bạn sẽ thấy mình có thể có cả 2 xu hướng bên trong một tiêu chí, điều đó là chuyện bình thường. Giống như người thuận chân phải vẫn có thể chuyền bóng bằng chân trái. Cho nên, cách xác định là xu hướng nào bạn thiên về nhiều hơn, có nhiều hơn thì đó là tuyp tính cách của bạn.
PHÂN BIỆT HƯỚNG NGOẠI VÀ HƯỚNG NỘI (Extraversion vs Introversion)
1. Bạn bị hấp dẫn bởi thế giới bên trong hay bên ngoài? Người hướng ngoại bị hấp dẫn bởi thế giới bên ngoài nhiều hơn. Cho nên họ thường nhận thức rõ mọi người, sự kiện và sự vật ở xung quanh họ. Chẳng hạn chuyện gì đang diễn ra bên ngoài, mình đang đi du lịch ở một bãi biển, đang dự một cuộc họp, ở đó có những ai, cảnh vật thế nào, ăn uống ra sao,... tất tần tật những thứ thuộc về thế giới ở bên ngoài. Ngược lại, người hướng nội bị hấp dẫn bởi thế giới bên trong. Cho nên họ thường nhận thức rõ những suy nghĩ và cảm xúc bên trong của họ. Chẳng hạn cũng là đi chơi, đi du lịch ở một bãi biển, nhưng thứ hấp dẫn họ nhiều hơn là suy nghĩ và cảm xúc bên trong khi đi chuyến đi chơi đó. Đó sẽ là rất nhiều tiếng nói ở bên trong đầu xuất hiện lên. Rồi cảm xúc vui hay chút e ngại, hay chút hồi hộp ở bên trong. Những cuộc giao tiếp nội tâm ở bên trong đầu bạn,... tất tần tật những thứ thuộc về thế giới ở bên trong.
2. Khi gặp và trò chuyện với người lạ
Đây là điều nhiều người thường hay mắc sai lầm. Họ thường nghĩ rằng người hướng ngoại thì nói nhiều còn người hướng nội thì nói ít. Điều đó hoàn toàn sai. Bởi vì nói nhiều hay nói ít còn phụ thuộc vào mức độ thân thiết của người đó với mối quan hệ của họ. Có những người hướng nội, khi họ nói chuyện với bạn thân, họ có thể nói nhiều khủng khiếp, và ngược lại – hướng ngoại khi nói chuyện với người lạ, đôi khi họ chỉ nói vài ba câu xã giao. Người hướng ngoại thường thoải mái hơn khi gặp và trò chuyện với người lạ. Khi gặp người lạ thì ai cũng có cảm giác ngại hết. Nhưng người hướng ngoại họ sẽ có khuynh hướng là ít ngại hơn, cảm giác thoải mái và dễ dàng nói chuyện với người lạ, vì đặc trưng của họ là họ có thể nói những câu chuyện phiếm, những câu chuyện xã giao một cách rất tự nhiên. Cũng vì thế mà sự ngại ngùng đi qua rất nhanh. Không những thế, mà việc gặp gỡ trò chuyện có khi còn là sở thích của họ, vì đó là đặc trưng tính cách. Ngược lại, người hướng nội thường ngại hơn khi gặp và trò chuyện với người lạ. Và sự ngại ngùng có thể kéo dài. Đó là lí do vì sao nếu bạn là người hướng nội điển hình, thì trời sẽ phú cho bạn một "tài năng" đó là im lặng cả giờ liền mà không cảm thấy chán. Người hướng nội, họ không dễ để bắt đầu một cuộc nói chuyện với người lạ, dù chỉ là xã giao. Nếu có thì là do kĩ năng giao tiếp họ được rèn luyện. Ngay cả những người kĩ năng giao tiếp tốt, họ vẫn có cảm giác ngại hơn, đó là đặc trưng tính cách.
3. Mức độ mở lòng
Người hướng ngoại thường dễ mở lòng, tâm sự với bạn bè, người thân. Với họ thì đôi khi, chẳng có chuyện gì là bí mật cả. Có rất nhiều chuyện, họ có thể dễ dàng chia sẻ với mọi người. Tất nhiên, là ai cũng sẽ có những nguyên tắc và việc chia sẻ phụ thuộc mức độ thân thiết, nhưng với người hướng ngoại, thì họ dễ dàng mở lòng. Có nhiều chuyện, với họ việc chia sẻ cho người khác là điều chẳng có khó khăn gì cả. Ngược lại, thế giới hướng nội thì khác. Người hướng nội chỉ có thể mở lòng với một vài người cực kỳ gần gũi. Với họ, sự tin cậy, sự gần gũi, sự thân thiết trong một mối quan hệ tương đồng với mức độ họ có thể chia sẻ thông tin. Người mà họ lựa chọn chia sẻ thông tin phải là người họ rất thân, và phải rất tin tưởng. Và trong mắt họ, có một số thông tin – là bí mật, là đời tư, là thông tin riêng, họ chỉ có thể chia sẻ được cho một vài người mà thôi.
4. Thích ở một mình hay chốn đông người?
Người hướng ngoại sẽ cảm thấy buồn chán và bức bối khi phải ở một mình quá lâu hoặc không được tương tác với người xung quanh. Việc ép họ ở một mình quá lâu có thể sẽ là cực hình với họ. Họ sẽ thấy bức bối, ngứa tay, ngứa chân, thấy cô đơn. Phải ra ngoài một tí, phải kiếm người tương tác. Họ lấy năng lượng từ thế giới bên ngoài, từ đám đông, họ thích những chỗ đông vui, nhộn nhịp. Khi họ bị stress, có thể những nơi đông đúc, náo nhiệt sẽ mang lại năng lượng cho họ, làm họ cảm thấy vui trở lại. Ngược lại, người hướng nội sẽ cảm thấy mệt mỏi khi phải ở chỗ nhộn nhịp đông người hoặc phải giao tiếp với nhiều người, nhất là người lạ. Việc ép họ phải ở những chỗ đông đúc, náo nhiệt có thể sẽ là cực hình với họ. Cảm xúc đặc trưng của người hướng nội chính là cảm giác lạc lõng khi ở đám đông quá lâu. Với người hướng nội, họ lấy năng lượng từ thế giới bên trong. Đôi khi là cafe một mình, tâm sự với một đứa bạn thân, nghe nhạc, nằm nhà xem phim, lang thang một mình. Đó là cách sạc pin của người hướng nội.
5. Cách nói và hành động
Người hướng ngoại họ thường nói và hành động nhanh chóng. Càng hưng phấn, họ càng nhanh. Đó là đặc trưng của tính cách. Đó cũng là lí do vì sao nhiều người thường hay thấy lãnh đạo là người quyết đoán, ăn to nói lớn, quyết định dứt khoát. Đặc điểm này rất dễ nhận biết bởi vì từ khóa để nhận ra là dựa trên tốc độ, có thể coi người hướng ngoại là "Fast and Furious" (Quá nhanh quá nguy hiểm). Đôi khi cảm giác họ vừa nói vừa suy nghĩ, và không mất nhiều thời gian để nói cũng như hành động. Ngược lại, người hướng nội lại thường nói và hành động một cách chậm rãi, từ tốn. Từ khóa để nhận ra họ cũng chính là tốc độ, có thể coi người hướng nội là "Peace Inside" (Từ tốn thong dong bình tĩnh). Cách trả lời, cách nói chuyện của người hướng nội đó là từ tốn, chậm rãi. Có thể họ sẽ mất thời gian suy nghĩ kĩ trước khi đưa ra ý kiến của mình. Rồi cách mà họ hành động, thế giới của họ là phải thong dong, làm mọi thứ từ từ. Và đây cũng là một xu hướng lãnh đạo mới trên thế giới, những người điềm đạm và từ tốn. Trên đây là 5 dấu hiệu rất đặc trưng của người hướng nội và hướng ngoại. Bạn có thể dùng để quan sát chính mình hoặc những người xung quanh mình. Giả sử trong trường hợp bạn vẫn chưa thể xác định được, thì hãy tìm gặp chuyên gia. Hoặc có một cách khác, hãy bước vào thế giới của những người có chung một loại tính cách và hỏi họ, xem họ có thấy mình giống họ không. Giả sử bạn tìm gặp nhóm có 5 người hướng ngoại, và bạn hỏi họ rằng có thấy tôi là người hướng ngoại không? Nếu cả 5 người họ đều khẳng định bạn giống họ, thì nhiều khả năng bạn là người hướng ngoại. Và ngược lại. Bài tập: Sau khi phân biệt được người hướng nội và hướng ngoại, chắc bạn cũng thấy một điều là hóa ra nhóm người còn lại, họ rất khác mình. Vậy thì bạn thấy tính cách của bạn có điểm mạnh, điểm yếu gì? Cũng như bạn sẽ phản ứng như nào khi đã hiểu rằng có một nhóm dân số thế giới không giống bạn?
BẠN ĐANG ĐỌC
Tâm lí học tổng hợp
Non-FictionCác bài viết về tâm lí học được tổng hợp từ Oopsy, WhyPsychology, Tâm lí học ứng dụng,....