Ở bài viết trước (Vì sao giới trẻ Việt ngày càng yếu đuối?), chúng ta đã nói một cách chân thành về thực trạng của nhiều bạn trẻ qua góc nhìn tâm lý. Có nhiều bạn thấy thấm, có bạn thấy băn khoăn, có bạn không còn hy vọng vì thấy rằng đây là thực trạng của cả một hệ thống. Đồng thời, cũng có bạn mong muốn được quan tâm đến phần giải pháp để chúng ta sau khi đã có cái nhìn thực tế, thì có thể vững tâm hơn và nhất là thay đổi mô thức hành xử với chính mình và với lớp trẻ sau này. Cho nên, có thể coi bài viết này là phần 2 nối tiếp sau bài viết trước.
CHÚNG TA THƯỜNG HÀNH XỬ THEO MÔ THỨC
Về tâm lý, chúng ta thường có thói quen hành xử theo mô thức được lập trình sẵn. Dưới góc độ NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy), não bộ giống như một máy tính, và các siêu chương trình (Meta Programs) chính là phần mềm cài cho não bộ. Chúng ta cài phần mềm nào (Input) thì não bộ sẽ chạy phần mềm đó (Output). Giống như bạn đánh máy một văn bản nhưng bị sai lỗi chính tả, sau khi in ra thấy lỗi sai, bạn dùng bút xóa để tẩy lỗi sai trên tờ giấy. Rồi bạn lại in tiếp một tờ giấy khác, lỗi sai ấy lại tiếp tục hiện lên tờ giấy. Cuối cùng bạn nhận ra, thứ mình cần thay đổi phải là sửa lỗi ở trên máy chứ không phải là sửa lỗi trên tờ giấy. Câu chuyện về máy in thì đơn giản vì nó thuần là máy móc (Input – Output), nhưng kì thực với con người, chúng ta lại không giải quyết tận gốc rễ mà thường chỉ muốn thay đổi phần ngọn và hy vọng kết quả sẽ khác đi. Các mô thức hành xử, khi lập đi lập lại sẽ tạo thành lối mòn tư duy và tạo thành phản xạ. Giống như trên con đường mòn, bởi vì có nhiều người, nhiều xe đi lại cho nên có một lối mòn ở giữa, lẽ thông thường những người đi sau cũng sẽ có khuynh hướng đi vào lối mòn đó, chỉ bởi vì đường đó đã có người đi. Về mặt con người, các mô thức được gọi là Pattern. Nếu muốn thành công, bạn phải có được mô thức thành công. Nếu muốn thế hệ sau này khác đi, thì thế hệ trước đó phải thay đổi. Hay nói cách dễ hiểu, nếu muốn có những thứ bạn chưa từng có, bạn phải làm những việc mình chưa từng làm. Nếu chỉ làm những việc mà ai cũng làm, bạn sẽ chỉ có những thứ mà ai cũng có.
KHI CHA MẸ ĐẶT ĐÂU CON NGỒI ĐẤY KHÔNG CÒN ĐÚNG NỮA
Khi con cái sinh ra, lẽ tự nhiên cha mẹ sẽ chọn tên cho con. Khi con còn nhỏ, cha mẹ chọn đồ ăn, thức uống cho con. Lớn lên một chút, cha mẹ chọn trang phục, chọn trường, chọn lớp cho con. Vô tình, khi con trưởng thành, nhiều cha mẹ vẫn theo thói quen cũ, chọn vợ, chọn chồng, chọn nghề nghiệp và thậm chí chọn luôn cả cuộc đời hộ con. Dĩ nhiên, không phải ai cũng như vậy, nhưng đó là mô thức lý giải câu nói "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó". Điều này khá phù hợp và khá đúng đối với bối cảnh ngày xưa, khi mà cuộc sống còn đơn giản, thời đại nền kinh tế lấy nông nghiệp làm trọng, người ta chỉ ăn với học để ra làm quan, thời đại mà từng có lúc 90% dân ta chưa biết chữ, khi ấy con cái đâu có biết gì, thầy u bảo sao phải nghe vậy. Nhưng giờ đây là cách mạng 4.0, khi mà nền kinh tế bị làm phẳng, và nhân tố làm phẳng quan trọng là sự xuất hiện của Internet. Giờ đây, chưa bao giờ có một sự bình đẳng về mặt thông tin và kiến thức như vậy. Một đứa trẻ 5 tuổi cũng có thể truy cập được kiến thức giống như một giáo sư 60 tuổi chỉ cần nhờ Google. Giờ đây, kinh nghiệm không còn là thứ cực kì phát huy tác dụng như ngày xưa của thế hệ trưởng thành nữa. Những người trẻ tuổi, họ hoàn toàn có thể có được kinh nghiệm thông qua sách vở, thông qua google, thứ họ thiếu có chăng là trải nghiệm thực tế. Do vậy, nếu người trưởng thành không bắt nhịp kịp sự thay đổi của tương lai, đón đầu công nghệ, nắm bắt những yếu tố cần thiết của xã hội sau này mà vẫn tiếp tục dùng kinh nghiệm của mình để áp chuẩn cho thế hệ tiếp theo thì điều đó hết sức đáng tiếc. Chẳng hạn như thời bây giờ là 4.0 mà vẫn có nhiều trường đại học, giảng viên dạy tin học cho sinh viên vẫn còn dạy word 2003, word 2007, windows 7, sinh viên có chứng chỉ tin học với những thứ kinh nghiệm lỗi thời đó liệu có thể dùng được cho tương lai? Chưa kể, chúng ta vẫn còn quá chú trọng đến việc dạy kiến thức, kiểm tra và đánh giá học sinh bằng cách ghi nhớ (nhớ kiến thức), trong khi một con robot có thể nhớ cả hàng triệu văn bản. Không chỉ cha mẹ, mà người trưởng thành nói chung, gia đình trường học đã đến lúc phải thay đổi cách giáo dục, cách định hướng và những gì cho thế hệ sau này học hỏi. Cụ thể, giới trẻ ngày nay rất cần học những thứ đặc biệt mà trường học không dạy nhưng trường đời lại rất cần.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tâm lí học tổng hợp
Non-FictionCác bài viết về tâm lí học được tổng hợp từ Oopsy, WhyPsychology, Tâm lí học ứng dụng,....