76. TÌM ĐỘNG LỰC THAY ĐỔI THÓI QUEN XẤU

46 6 0
                                    

Chúng ta luôn cần động lực để làm việc gì đó, đặc biệt với những việc đòi hỏi quá trình nỗ lực không ngừng. Động lực cần xuất phát từ bên trong bạn mới có thể giúp bạn tự nguyện thực hiện. Sự giám sát, cưỡng ép không đủ giúp cải biến bản chất thực sự.

Trước tiên bạn có thể tìm động lực bỏ thói xấu ở hậu quả của thói xấu, hãy xem xem chính cuộc sống của bạn sẽ phải chịu những hậu quả nào, nhiều thói xấu gây ra hậu quả không như bạn tưởng. Cùng với đó, hãy nghĩ đến việc bạn có những phần thưởng xứng đáng nếu bỏ thói xấu thành công.

--->>> 1. Hậu quả của thói xấu

Thói quen xấu tồn tại như vật kí sinh trong chúng ta, nhưng chưa chắc bạn đã thực sự muốn từ bỏ. Tại sao ở đây nhấn mạnh thói xấu? Bởi tính chất xấu của nó không chỉ nằm ở tiêu chuẩn xã hội nhìn vào, nó chắc chắn mang đến cái xấu cho bạn cùng những người, những thứ liên đới.

Một số thói quen xấu bộc lộ rất rõ tác động xấu tới bạn, một số lại ẩn chứa và tiềm tàng khó thấy hết. Đừng tưởng có điều bạn làm, bạn không phải chịu trách nhiệm. Luật nhân - quả rất thực tế, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm với tất cả những việc bạn làm.

Ví dụ, bạn đi giày cao gót trong thời gian dài. Cái bạn được là tạo cảm giác thêm chút chiều cao cho người khác nhìn vào, thấy mình sành điệu.

Thế còn cái bạn mất? Sự tổn hại đến sức khoẻ bạn không cảm nhận thấy, nhưng thân bạn rất đau đớn, bên trong thân thể dần suy kiệt chưa đến lúc phát ra hành hạ bạn. Có điều bạn gần như không thể nhận ra là tâm trạng bạn thất thường, rất dễ cáu giận, lâu ngày còn dẫn tới nhân cách trở nên rối loạn.

Bạn thấy đấy, chỉ một thói quen xấu tưởng chừng nhỏ nhưng gây ra nhiều thiệt hại lớn. Thói xấu có thể tác động tới tất cả các mặt của đời sống. Bạn thử suy nghĩ xem thói quen xấu của mình gây ra hậu quả nào, thông thường sẽ có:

- Tổn hại sức khoẻ
- Gây ra tâm lí tiêu cực
- Trí tuệ sa sút
- Xáo trộn sinh hoạt
- Ảnh hưởng giao tiếp, mối quan hệ
- Làm tổn thương người khác
v.v...

Đừng dừng lại ở nhận định chung chung, việc nghe nhiều những điều tiêu cực trong xã hội hiện nay khiến chúng ta trở nên khá dửng dưng trước các hậu quả xấu.

Giống như do thông tin về thực phẩm bẩn tràn lan, chúng ta tặc lưỡi chấp nhận, nghĩ ăn gì cũng bẩn mà vẫn phải ăn để sống, thôi thì ăn bừa cho xong! Bạn vẫn nên cố gắng làm chủ những gì thuộc về bản thân. Tìm cách đi sâu tìm hiểu hậu quả xấu của thói quen, cảm nhận trong chính mình, bạn sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để buông bỏ.

Bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:

- Tìm hiểu thông tin, quy luật: Tìm trên mạng, đọc tài liệu, hỏi chuyên gia về tác hại thói xấu của bạn. Thông qua cả sự trải nghiệm thói xấu, bạn khám phá xem quy luật của nó ra sao. Mọi thứ đều tồn tại nguyên lí vô định – tất định. Bạn sẽ thấy rõ hậu quả tất định của thói xấu.

- Phát huy trí tưởng tượng: Người đã gánh chịu hậu quả nặng nề của thói xấu dễ bỏ hơn người chưa thấy, song đôi khi đợi đến lúc đó là quá muộn. Thành ngữ Trung Hoa có câu: Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Có thể sưu tầm, xem các hình ảnh, video trực quan cho tác hại thói xấu kết hợp nghe chia sẻ của những người đã thấm thía hậu quả. Tưởng tượng hình ảnh, hoàn cảnh của bạn với hậu quả đó.

- Đừng để cảm giác đánh lừa: Cảm giác của bạn là thứ nhất thời, dễ đánh lừa và phản ánh thiếu chính xác sự thật. Chẳng hạn thuốc lá tạo cảm giác thư giãn và khoan khoái, thực ra đó chỉ là ảo giác, sự thoải mái đến từ việc bạn nghỉ ngơi lúc hút. Phổi bạn vốn phải chịu sức ép rất lớn khi liên tục hít thở nhưng đã quen nhẫn nhục, nó tiếp tục chịu đựng khói thuốc đến khi không thể. Bạn nên có tầm nhìn trí tuệ xa dài hơn.

- Cảm nhận sự đau khổ: Ai cũng phải trả qua vô số thống khổ, thói xấu vừa đóng vai trò giải toả vừa góp thêm sự đau khổ trong bạn. Chẳng ai làm điều xấu lại có niềm hạnh phúc chân thật, bạn chưa kiểm soát được, còn thân thể rất muốn dừng lại hoặc làm điều ngược lại. Bạn biết không, thói quen cũng gây sức ép không kém gì kỉ luật. Cảm nhận được nỗi khổ, bạn có thể từ bi với chính mình, quyết tâm chấm dứt thói xấu. Bạn lựa chọn phá huỷ thói xấu hay để thói xấu phá huỷ bạn.

--->>> 2. Phần thưởng khi bỏ thói xấu

Phần thưởng khi bỏ thói xấu dành cho bạn, tương xứng với nỗ lực từ bỏ chân chính của bạn.

Tâm lí không giữ được sự tỉnh táo như lí trí. Chúng ta vẫn dễ để tâm cảm thôi đẩy làm theo điều ta muốn hơn điều ta cần. Vậy khi bạn chưa muốn làm điều bạn cần, hãy để điều bạn cần trở thành điều bạn muốn. Tiếp tục tìm và phân tích các phần thưởng bạn sẽ có nếu thành công trong việc bỏ thói quen xấu, tạo động lực tích cực.

- Bạn phân tích xem mình thu được lợi ích thế nào. Ví dụ nhỏ như bạn thường ăn quá nhanh, không nhai kĩ. Nếu sửa được thói xấu này, dạ dày bạn không còn quá tải, bạn cũng được thưởng thức rõ hơn hương vị thức ăn và rèn luyện sự điềm tĩnh. Bạn có biết cắt giảm đồ ăn ngọt, đặc biệt ăn vặt không chỉ phòng một số bệnh, giữ vóc dáng cân đối cho bạn? Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chứng minh việc cắt giảm đó giúp bạn tăng trí thông minh, giảm nếp nhăn và hạnh phúc hơn.

- Phần thưởng mới thay thế phần thưởng sau khi thực hiện thói quen xấu có giá trị thiết thực, xa dài hơn. Bạn tìm những phần thưởng thay thế, thường tương đương phần thưởng cũ của thói quen xấu ở lúc đầu, sao cho khao khát phần thưởng cũ cũng nguôi ngoai đi. Bạn tiết kiệm được khoản tiền lớn trước đây chi quá đà cho mỹ phẩm? Có thể dùng nó mua sách hướng dẫn bạn làm đẹp từ bên trong.

- Thỉnh thoảng bạn có thể tự hứa hẹn thêm phần thưởng cho mình nếu đạt được những mốc thành tích quan trọng trong quá trình bỏ thói xấu. Nhớ rằng phần thưởng đó thật lành mạnh, thích hợp với bạn để không biến chất thành thói xấu khác nhưng vẫn đảm bảo hấp dẫn bạn. Giả dụ bạn mong ước từ lâu thay điện thoại hoặc notebook tiện ích mới. Đó sẽ là quà tặng bạn tự thưởng nếu qua một tháng bạn không lặp lại thói quen xấu từng làm hàng ngày.

- Phần thưởng khác bạn nhận được khi trừ bỏ được thói xấu có thể bạn không cầu vẫn tự được: Sự trưởng thành trong bạn và sự nể trọng từ người khác. Đó là phần thưởng vô giá. Mỗi lần thói xấu không còn bám được vào bạn, chắc chắn bạn tự tại, lớn lao hơn. Những người thấy sự thay đổi tích cực của bạn sẽ tăng thêm niềm tin, sự tôn trọng với bạn. Đó cũng là cơ sở để bạn có thể giúp những người khác thay đổi tốt hơn.

Tâm lí học tổng hợpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ