Định kiến đầu tiên: nhiều người cho rằng nếu bạn hãy còn độc thân, bạn chỉ hứng thú với một điều duy nhất: tìm kiếm người tình.
Người độc thân, theo suy nghĩ của đa số, chỉ biết lấy rượu giải sầu, rền rĩ vì tình trạng đơn bóng. Chừng nào không bao giờ hỏi trực tiếp những người độc thân họ muốn gì thì số đông vẫn giữ hiểu lầm như thế. Nhưng vào năm 2005 và 2010, khi một nhóm những người độc thân được hỏi liệu rằng họ có muốn kết hôn trong tương lai gần, ít hơn một nửa trong số đó trả lời "có". Những người trẻ tuổi hơn đa phần thú nhận họ đã từng chờ đợi, kiếm tìm một cuộc hôn nhân song hiện tại họ không còn bận tâm lắm về vấn đề này nữa. Trong khi đó, những người từng trải trong hôn nhân rồi li dị, hay góa vợ góa chồng, tưởng rằng sẽ không còn nhiều hứng thú, song họ lại đã, đang tìm kiếm cuộc tình. Những năm về sau của cuộc đời, đàn ông luôn có xu hướng tái hôn nhiều hơn phụ nữ. Tuy vậy, nếu những người đàn ông nhận được sự giúp đỡ, có mối quan hệ, tương tác bền chặt, vững chắc từ bạn bè, họ cũng chẳng còn nhiều hứng thú hơn phụ nữ trong vấn đề tái hôn, tìm kiếm gia đình mới. Bây giờ, hãy đề cập tới những kẻ "cô độc tự thân". Đối với những người cô độc tự thân, tình trạng độc thân tạo điều kiện để họ là chính mình. Chẳng phải vì họ đỏ bạc đen tình, chịu vận tình đen đủi, hay sợ bị bỏ rơi từ chối, hay bất cứ mô típ ngớ ngẩn nào xã hội thường qui chụp, họ chỉ đơn thuần yêu cuộc đời độc hành. Họ chỉ đơn thuần cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu khi có thể cân bằng thời gian dành cho người khác cũng như thời gian dành cho chính bản thân chứ không phải mong mỏi tìm được người tình để rồi phải kiểm tra danh sách việc làm-chưa làm liên tục. Họ chỉ đơn thuần muốn theo đuổi đam mê, khát khao cháy bỏng. Độc thân đơn thuần chỉ là như thế.
Định kiến thứ hai về sự hiện hữu của những yếu tố tiêu cực ở người độc thân. Loại này khẳng định chắc nịch rằng nếu bạn độc thân thì bạn là kẻ u sầu, cô đơn và cuộc sống của bạn chỉ là mớ bòng bong tuyệt vọng.
Có thể lắm lúc bạn nghe đến những nghiên cứu khoa học ở đâu đó chỉ ra rằng nếu bạn kết hôn, bạn sẽ hạnh phúc hơn, hoàn thiện, tốt đẹp hơn ở nhiều phương diện so với kẻ độc hành. Vâng, tôi là một nhà xã hội học kiêm tâm lí học và tôi có đọc về chúng trên những tờ tạp chí chuyên ngành. Phải nói rằng những gì được đề cập trong bản báo cáo nghiên cứu chẳng liên quan gì đến điều truyền thông đề cập, khẳng định. Đây là kết luận của tôi: Nhảm nhí! Những gì bạn đọc qua chỉ là nhảm nhí. Thật sự đã có một công trình nghiên cứu công phu lấy phản hồi hơn cả ngàn người kể từ khi họ mới chỉ 16 tuổi rằng họ hạnh phúc như thế nào. Nhóm nghiên cứu hỏi câu hỏi này mỗi năm một lần, nhiều năm liên tục trong vài thập kỉ. Vậy thì liệu một người năm trước hãy còn độc thân, năm sau kết hôn, có thể đột nhiên trở nên hạnh phúc hơn so với họ trong quá khứ được hay không? Chẳng hề! Những người này chỉ đơn thuần hạnh phúc vào khoảng thời gian xung quanh đám cưới diễn ra. Hãy gọi nó là hiệu ứng tuần trăng mật. Để rồi vài năm trôi qua, họ sẽ lại trở về chính con người, chính sự hạnh phúc hay bất hạnh của mình như thuở còn đơn thân. Và đây chỉ mới là viễn cảnh tươi sáng nhất. Nó chỉ đúng cho những ai kết hôn và duy trì được tình trạng hôn nhân của mình. Vậy còn đối với những người kết hôn và rồi li dị? Họ đã chẳng hề có được cái gọi là hiệu ứng tuần trăng mật. Ngày đám cưới cận kề cũng là thời điểm họ trở nên bớt hạnh phúc đi một ít. Cứ thế dần dần, hạnh phúc bị tước bớt đi ở họ cho đến ngày hôn nhân tan vỡ. Cuối cùng thì, khi sự chia lìa, li dị ngày càng đến gần, được hiện thực hóa rõ ràng và đảm bảo, mức độ hạnh phúc ở những người này lại một lần nữa tăng lên.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tâm lí học tổng hợp
Non-FictionCác bài viết về tâm lí học được tổng hợp từ Oopsy, WhyPsychology, Tâm lí học ứng dụng,....