151. Làm sao để người mắc chứng OCD - Rối loạn ám ảnh cưỡng chế bớt kiểm soát?

66 8 1
                                    

  Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCDs) biểu hiện bằng những suy nghĩ ám ảnh, thúc đẩy chúng ta thực hiện những hành vi có tính chất ép buộc, nhằm theo đuổi những kết quả đặc biệt cao. Ta bị chi phối bởi những thói quen và lễ nghi khắt khe, đòi hỏi những tiêu chuẩn cao bất thường về sự an toàn, tính sạch sẽ hoặc ngăn nắp. Ta cho rằng nếu ta không thực hiện những việc này thì sẽ có chuyện không tốt xảy ra.


 Trong việc lau chùi, giặt giũ, kiểm tra và dọn dẹp... người mắc chứng OCD có một khao khát cùng cực, đó là đạt đến sự hoàn hảo tuyệt đối ở một phương diện cuộc sống nào đó. Bản chất lặp đi lặp lại của những thói quen cũng chỉ rõ rằng cuộc săn tìm sự hoàn hảo rất khó thực hiện. Hành vi ám ảnh cưỡng chế chính là ví dụ cực đoan về sự tập trung hướng về mục tiêu một cách bất thường. Thông thường, những mục tiêu được định nghĩa theo cách mà nó có thể không bao giờ đạt được trong thực tế. 

Có nhiều ví dụ bình thường trong cuộc sống cho thấy ta có thể trở nên tập trung chú ý quá mức đến trật tự hoặc kết cấu. Đó là tư tưởng chủ đạo dễ dàng phát huy trong những việc ta làm trong cuộc sống như sưu tầm tem, lưu giữ những mẩu tin trên báo hoặc tích trữ chai lọ cổ. Tiêu chuẩn trở nên ngày càng khắt khe và ta ngày càng bị thúc ép phải "hoàn thành bộ sưu tập". 

Tương tự với vấn đề vệ sinh. Bạn càng nghĩ nhiều về vi trùng, bạn càng có xu hướng rửa tay và đề phòng nhiều hơn. Bạn càng nghĩ nhiều về trộm cắp và an ninh, bạn càng có xu hướng kiểm tra xem tất cả các cánh cửa đã khóa chặt chưa. 

Chúng ta có thể dễ dàng bị trói buộc bởi những "quy định" hoặc những thói quen được đề ra nhằm bảo vệ ta khỏi nguy hiểm. Việc vi phạm những quy định này sẽ tạo cảm giác không ổn. Ta xây dựng những thói quen vững chắc mang tính đề phòng. Nếu ta kiểm tra cửa chính và cửa sổ mỗi phòng trước khi ra ngoài, cho dù trước đó ta có bước vào phòng đó hay không, thì sau đó, nếu không bị trộm đột nhập, ta cũng sẽ cảm thấy rằng thói quen của ta bằng cách nào đó đã có phát huy tác dụng. Tương tự, bằng việc chắp tay cầu nguyện trước giờ cất cánh, ta cảm nhận rằng máy bay ít có khả năng bị tai nạn. Điều đó đã luôn hiệu quả trong quá khứ. Một hành vi hơi mê tín được hình thành! 

Một số người có thói quen kiểm tra đi kiểm tra lại xem liệu họ đã tắt hết các thiết bị trước khi đi ngủ hay chưa. Đối với một số khác, việc đánh bóng, lau chùi và hút bụi ngôi nhà cũng có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Họ cần giữ ngôi nhà sạch sẽ và gọn gàng đến mức không chê vào đâu được. 

Điều họ bận tâm ở đây là nếu những tiêu chuẩn không được đáp ứng thì sẽ có hậu quả khủng khiếp xảy ra. Một loạt những chuỗi sự việc không vui sẽ nảy sinh. Khách sẽ không hài lòng. Mẹ có thể thấy thất vọng. Chúng ta có thể thất bại theo cách nào đó, hoặc có thể bị thương hoặc bị ốm. Tệ hơn nữa, ta có thể tử vong. Ta thiết lập những thói quen tương ứng nhằm ngăn chặn những tình huống đó, nhưng thường thì ta tìm cách đạt những mục tiêu không thực tế.

 Trong những trường hợp này, người đó cần nhận ra rằng họ đang tập trung quá mức vào việc đạt được thành quả. Họ đang cố gắng thỏa mãn một tiêu chuẩn phi thực tế nhằm tìm kiếm sự bảo đảm. Họ nên nhận thấy một quan điểm khác thay thế, đó là việc chấp nhận những tiêu chuẩn thấp hơn sẽ mang lại một số lợi ích nhất định. Quan điểm này thừa nhận rằng thành quả ít hơn vẫn làm ta mãn nguyện và rằng những vùng xám hoàn toàn ổn. Họ cần chấp nhận rằng cụm từ "vừa đủ tốt" có giá trị của nó. 

Trong hầu hết những tình huống thực tế, sự bảo đảm 100% về tính an toàn và sạch sẽ là một mục tiêu thiếu thực tế. Thay vào đó, ta nên coi trọng khả năng "xuôi theo dòng nước" và chấp nhận những mức độ rủi ro cao hơn đồng thời xem trọng sự tự tin hơn. Ta có thể tập trung nhiều hơn vào cách ta phản ứng trước những sự việc xảy ra trong tương lai, thay vì quá lo lắng và cảm thấy áp lực về việc cố gắng ngăn chặn những việc đó. 

Việc hạ thấp tiêu chuẩn một chút nghe có vẻ không ổn đối với người bị ám ảnh cưỡng chế, nhưng thực ra, điều chúng ta đang làm là mở ra những lựa chọn và đón nhận bất cứ điều gì xảy đến. Ta trở nên tự do, và kết quả là thường cảm thấy kiên cường hơn. Niềm tin rằng nếu thực sự đạt tiêu chuẩn cao thì sẽ đảm bảo được an toàn là một niềm tin sai lầm. Cảm giác an toàn sẽ tiếp tục là ảo tưởng và những nỗi hoài nghi mới chắc chắn sẽ xuất hiện. 

Sau cùng, chúng ta chỉ cần đơn thuần từ bỏ những nỗ lực vô ích trong việc kiểm soát kết quả và có niềm tin rằng những kết quả tiêu cực rất khó có khả năng xảy ra. Những thói quen mê tín có thể làm cho ta cảm thấy thoải mái ở một mức độ nào đó, nhưng những nỗ lực quá mức thì hiếm khi được bù đắp xứng đáng. Phần lớn những người sở hữu những thói quen ám ảnh cưỡng chế có thể không bao giờ thật sự hy vọng đạt được những tiêu chuẩn mà họ hướng tới. Họ vướng vào vòng xoáy của sự hoàn hảo, và cuối cùng, tất cả sẽ tan vỡ và trở về con số không. Theo nhà tâm lý học Chris Skellett – sách Hạnh Phúc Thôi Chưa Đủ

Tâm lí học tổng hợpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ