Chúng ta cứ chăm chăm vào công việc ta muốn hay người ta đang hẹn hò vì ta không nghĩ rằng sẽ có sự lựa chọn khác. Nhưng thực ra thì luôn có lựa chọn khác.
Lúc ấy tôi 37 tuổi, độc thân, thất nghiệp và trầm cảm vì chỉ vài tháng sau đó tôi sẽ rời khỏi căn hộ studio trên đường East 23 ở Manhattan và chuyển đến ở với mẹ tại Vịnh Sheepshead, Brooklyn. Với số tiền nhận được sau khi từ chức ở văn phòng trên phố Wall, tôi tập trung vào hai hoạt động: tìm việc làm mới và tập thể dục. Và tôi dành rất nhiều thời gian tại căn hộ của mình.
Ba sinh viên đại học vừa tốt nghiệp bên cạnh nhà tôi cũng thế. Trong bữa tiệc cuối tuần của họ, tiếng đàn bass ồn ào xuyên thủng lớp ngăn cách hai căn hộ bắt đầu từ 10:30 tối. Mồ hôi đầm đìa, không son phấn và tóc buộc thành búi, tôi đi qua và nhấn chuông nhà họ vào khoảng 11 giờ (hãy còn sớm, ngay cả với tiêu chuẩn bà già của tôi) để yêu cầu họ nhỏ tiếng lại.
Sẽ có một người bước ra, nồng nặng mùi cồn và vẻ khó chịu, rồi hứa là sẽ nhỏ tiếng lại. Thường thì họ làm thế thật. Khi họ không chịu nghe, tôi sẽ gọi bảo vệ, công ty quản lý và có một lần là cả cảnh sát. Nhưng tiếng ồn vẫn tiếp diễn.
Chung cư trên đường số 23 ở gần ba trường đại học. Khi ký hợp đồng, tôi không nhận ra rằng nơi này lại có nhiều sinh viên, những người thích tiệc tùng, thuê đến vậy. Thế nhưng đó là thời điểm tôi ít giao tiếp xã hội nhất. Đa số bạn bè của tôi đều đã kết hôn. Tôi không có thu nhập, và tiền thuê nhà gần 3000 đô la một tháng. Tôi không hẹn hò vì tôi vẫn chưa tìm ra cách để giải quyết câu chuyện thất nghiệp của mình một cách tích cực.
Brian Rea
Một buổi chiều nọ trong thang máy, tôi gặp một trong những cậu trai phòng bên mặc quần jeans và áo thun, mái tóc đen hơi vuốt ngược ra sau.
"Chị luôn ở nhà vào ban ngày sao?" cậu ấy hỏi.
"Vài tháng nay thì là vậy," tôi đáp. "Tôi đang tìm việc."
"Tôi cũng vậy," cậu ấy nói. "Tôi học năm cuối trường luật."
"Đừng bao giờ nghỉ việc khi chưa tìm được việc khác," tôi nói với cậu ta. Nhiều người đã cảnh báo với tôi rồi, nhưng phải đến lúc trải qua tôi mới nhận ra điều ấy đúng như thế nào. Khi gần đến cửa nhà, tôi nói,
"Tôi sắp chuyển đi rồi, giờ thì các cậu có thể mở nhạc ầm ầm thỏa thích cả đêm. Bà cô già xấu tính sắp đi rồi."
"Tại sao?" cậu ta hỏi.
"Tôi không còn khả năng trả tiền nhà nữa. Tôi chuyển đến ở với mẹ tại Brooklyn."
"Tệ nhỉ," cậu ta đáp, rồi nói tiếp: "Không phải tôi mở nhạc đâu. Là mấy thằng cùng phòng ấy."
Cũng có lý. Cậu ấy luôn là người tử tế nhất và chân thành nhất khi tôi nổi giận. "Các cậu bao nhiêu tuổi?" tôi nói, "Cỡ 23 không?"
"Ờm tôi 23 tuổi." cậu ta đáp.
"Tôi 37. Tôi mong rằng sắp tới các cậu sẽ có hàng xóm nhỏ tuổi hơn."
"Tôi không thể ngờ chị 37 tuổi đấy," cậu ta nói. "Tôi tưởng chị chỉ cỡ 26 thôi."
Cậu ta đang tán tôi đấy à? Tôi trông bằng tuổi với bạn cùng lứa, nhưng có thể bối cảnh giống như ký túc xá này đã đánh lừa cậu ấy. Chiều hôm ấy chúng tôi gặp nhau lần nữa, lúc này cậu ấy mặc âu phục chỉnh tề để đến một buổi phỏng vấn. Tôi chúc cậu ấy may mắn.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tâm lí học tổng hợp
Non-FictionCác bài viết về tâm lí học được tổng hợp từ Oopsy, WhyPsychology, Tâm lí học ứng dụng,....