23.Hiệu ứng AKRASIA - "Căn bệnh" của những người thích trì hoãn

225 11 0
                                    

Vào mùa hè năm 1830, Victor Hugo phải đối mặt với thời hạn nộp bài bất khả thi. Một năm trước, đại văn hào người Pháp đã thỏa thuận với nhà xuất bản rằng ông sẽ viết quyển sách mới với tựa đề The Hunchback of Notre Dame. Thay vì viết sách, Hugo dành cả năm sau đó theo đuổi những công việc khác, tiếp đãi khách và trì hoãn việc sáng tác. Nhà xuất bản của Hugo tỏ ra khó chịu vì ông cứ trì hoãn hết lần này đến lần khác và rồi đáp trả bằng cách đặt ra một thời hạn nộp tác phẩm khó hoàn thành. Họ yêu cầu Hugo hoàn thành quyển sách vào tháng Hai năm 1831 – thời hạn còn lại chưa đến 6 tháng.

Hugo lập ra một kế hoạch nhằm đánh bại sự trì hoãn. Ông thu gom toàn bộ quần áo, đem ra khỏi phòng ngủ, bỏ vào rương và khóa lại. Trên người ông không còn gì khác ngoài một chiếc khăn choàng lớn. Khi không có quần áo phù hợp nào để ra ngoài, Hugo không còn bị cám dỗ bởi việc rời khỏi căn nhà và bị xao nhãng nữa. Lựa chọn duy nhất của ông là ở lại trong nhà và viết lách. Chiến thuật của ông đã có tác dụng. Hugo chú tâm vào việc viết lách mỗi ngày và hăng say sáng tác trong suốt mùa thu và mùa đông năm 1830. Tác phẩm The Hunchback of Notre Dame được xuất bản vào ngày 14 tháng 1 năm 1831, sớm hơn thời hạn 2 tuần.

Akrasia – Vấn Đề Từ Cổ Chí Kim

Nhân loại đã biết đến sự trì hoãn suốt nhiều thế kỷ. Ngay cả các nghệ sĩ sáng tác nhiều như Victor Hugo cũng không hề "miễn nhiễm" với những yếu tố gây xao nhãng trong cuộc sống thường ngày. Thật ra, thói quen này kéo dài đến mức những hiền triết người Hy Lạp cổ đại đã tìm ra một từ diễn tả kiểu hành vi này: Akrasia. Akrasia là trạng thái hành động mà không biết chắc việc đó có nên làm hay không. Tức là bạn làm việc này dù biết mình nên làm việc khác. Akrasia có thể được tạm dịch là sự trì hoãn hoặc thiếu tự chủ. Nó chính là yếu tố cản trở bạn theo đuổi đến cùng những gì mình đã bắt đầu. Tại sao Victor Hugo lại cam kết viết quyển sách rồi sau đó lần lữa suốt một năm? Tại sao ta lập kế hoạch, đưa ra thời hạn và cam kết đạt mục tiêu, nhưng sau đó lại chẳng theo đuổi đến cùng?

Tại Sao Ta Lập Kế Hoạch Nhưng Lại Không Hành Động?

Một cách giải thích cho việc vì sao akrasia lại làm chủ cuộc sống của chúng ta và ta cứ bị cuốn vào sự trì hoãn có liên quan đến một thuật ngữ trong kinh tế học hành vi được gọi là: "tính không đồng nhất về thời gian". Thuật ngữ trên nói về xu hướng của não bộ con người trong việc coi trọng phần thưởng trước mắt hơn phần thưởng trong tương lai. Khi bạn lập ra những kế hoạch cho bản thân – chẳng hạn như đặt mục tiêu giảm cân, viết một quyển sách hay học một ngôn ngữ mới – thật ra bạn đang lập ra kế hoạch cho mình trong tương lai. Bạn đang hình dung về cuộc sống mà mình mong muốn trong tương lai và khi nghĩ về tương lai, não bộ của bạn dễ dàng nhìn thấy giá trị của việc bắt tay vào hành động cùng những lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, đến khi phải quyết định, bạn không còn đưa ra sự lựa chọn cho phiên bản tương lai của mình nữa. Lúc này bạn đang ở hiện tại và não bộ chỉ nghĩ về phiên bản của bạn trong hiện tại. Và các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng phiên bản ở thời điểm hiện tại thích phần thưởng trước mắt chứ không phải lợi ích lâu dài. Đây chính là lí do vì sao có thể bạn đi ngủ trong tâm trạng hào hứng tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống, nhưng khi thức dậy lại thấy mình trở về với những thói quen cũ. Não bạn chỉ đánh giá cao những lợi ích lâu dài khi những lợi ích đó vẫn ở tương lai, nhưng nó sẽ đánh giá cao phần thưởng trước mắt lúc nó đang ở thời điểm hiện tại. Đây chính là lí do vì sao khả năng chống lại cám dỗ của lợi ích trước mắt lại có thể dự đoán chính xác thành công trong cuộc sống. Nắm được cách chống lại sự hấp dẫn của phần thưởng trước mắt – nếu không thể duy trì thì ít nhất thỉnh thoảng cũng phải thực hiện – sẽ giúp bạn kết nối khoảng cách giữa vị trí bạn đang đứng hiện tại và nơi bạn muốn đến.

Tâm lí học tổng hợpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ