Ngày nay, các bạn trẻ có xu hướng nhảy việc nhiều hơn bao giờ hết. Ngày nay, con người ta có khuynh hướng dễ chia tay nhiều hơn bao giờ hết. Ngày nay, dường như con người ta bỗng dưng cũng khó hợp tác với nhau hơn. Và có lẽ, một khuynh hướng không nhỏ đó là họ luôn nghĩ rằng họ giỏi. Thông thường, về mặt tâm lý con người ta thường có xu hướng đánh giá về năng lực của con người theo một cách cảm tính hơn là logic. Đôi khi, sự cảm tính dẫn đến việc một số nhóm người có khuynh hướng đánh giá bản thân mình cao hơn năng lực thực tế. Và thậm chí là đánh giá người khác kém cỏi hơn năng lực thực sự của họ. Lý giải hiện tượng tâm lý thú vị này, chắc chắn bạn sẽ thành công.
KHI SỰ CẢM TÍNH KHIẾN BẠN ĐÁNH MẤT TƯ DUY LOGIC
1. A + B = 10. Hỏi A > B hay A < B?
Dĩ nhiên về mặt toán học, câu hỏi này quá đơn giản. Đáp án là chúng ta chưa đủ dữ liệu. Thế nhưng, về mặt cuộc sống, sự cảm tính được thể hiện ra như sau: Hai người cùng hợp sức lại và tạo ra được kết quả là 10 phần. Như thế, để xác định công sức của mỗi người ai lớn hơn ai không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sự cảm tính là khi chúng ta vội vàng suy nghĩ theo hai hướng cực đoan. Một là nghĩ rằng mình giỏi hơn người ta. Nhóm người này sẽ luôn nghĩ rằng phải nhờ có mình mới đạt được kết quả tốt như vậy. Và thường họ không ghi nhận hoặc không công nhận công sức của người khác. Họ nghĩ rằng mình ngon ăn, để rồi khi tách ra tự làm, họ gặp thất bại vì ngộ nhận về năng lực của mình. Hai là nghĩ rằng mình kém hơn người ta. Nhóm người này ngược lại luôn nghĩ rằng mình kém cỏi, phải nhờ người khác mới được kết quả như vậy. Và thường họ không công nhận và không tự tin vào năng lực của chính họ. Họ không dám tự lập, và dần dần bị lệ thuộc vào người khác.
2. A + B bằng 10. Hỏi A + C > 10 hay A + C < 10.
Thêm một lần nữa, về mặt toán học câu hỏi này cũng rất vô nghĩa. Đáp án là còn tùy B > C hay B < C. Nếu B > C thì A + C < 10, còn nếu B < C thì A + C > 10. Nhưng về mặt tâm lý trong cuộc sống thì ngạc nhiên thay, có không ít người bị ngộ nhận bởi một bài toán đơn giản như vậy.
Chẳng hạn hai người yêu nhau, và tổng hạnh phúc – những gì họ làm cho nhau bằng 10 phần. Thế rồi, vì một lý do gì đó họ chia tay. (Ở đây không bình luận về chuyện chia tay). Và về tâm lý, khi chia tay có một số người sẽ cảm tính nghĩ rằng người ta có được hạnh phúc như vậy là nhờ mình, hoặc theo thái cực khác là mình có được hạnh phúc như vậy là nhờ người khác. Từ đó, chúng ta gặp không hiếm những cặp đôi sau khi chia tay họ nói với nhau. "Không có tôi, còn lâu cô/anh mới được như vậy". Suy luận như vậy thì hết sức phi logic.
Lý do là bởi vì sau khi một người chia tay một người và tìm đến một người khác, ở đây phải xét 3 trường hợp. Trường hợp thứ nhất nếu người đó tìm được một người tốt hơn, thì người đó hạnh phúc hơn. Cũng có thể người đó tìm được một người không tốt bằng, thì người đó kém hạnh phúc hơn. Hoặc hy hữu là tìm được một người tốt y như vậy thì hạnh phúc không đổi. Chứ không thể nào có chuyện "Không có tôi còn lâu cô/anh mới được như vậy".
Điều này không chỉ ở trong tình yêu, mà ứng trong cuộc sống cũng rất phổ biến. Rất nhiều người khi hợp tác với nhau tạo ra kết quả nhưng rồi họ lại đánh giá quá cao (hoặc quá thấp) về bản thân mình. Nếu đánh giá quá cao, thường chính là tình trạng "ảo tưởng sức mạnh" như ngôn ngữ mạng hay dùng. Nếu đánh giá quá thấp, thì kết quả là luôn tự ti và nhút nhát (đã nói ở trên).
BẠN ĐANG ĐỌC
Tâm lí học tổng hợp
Non-FictionCác bài viết về tâm lí học được tổng hợp từ Oopsy, WhyPsychology, Tâm lí học ứng dụng,....