Tâm lý CHIẾN hoặc BIẾN
Về mặt tâm lý, khi một xung đột diễn ra, con người ta sẽ phản ứng một trong hai cơ chế, đó là chiến hoặc biến: tức là chiến đấu đến cùng hoặc bỏ chạy. Không phải tự nhiên mà xuất hiện tâm lý này. Nguồn gốc là từ xa xưa, thế hệ cha ông ta sinh sống bằng việc săn bắt hái lượm, lúc đi săn sẽ phải chiến đấu để hạ gục con thú. Tuy nhiên, đối với thú dữ, chẳng hạn hổ, báo, cọp, sư tử,.. nếu lao vào chiến thì chắc chắn là đâm đầu vào chỗ chết, từ đó loài người thích nghi với nguyên lý: bỏ chạy để tồn tại, tức "biến". Dần dần, nó trở thành tâm lý con người.
Ứng dụng nó trong các tình huống tranh cãi, xung đột. Đôi khi, chỉ là một bất đồng quan điểm nhỏ, thế nhưng có thể vì thiếu kĩ năng giao tiếp, ứng xử hay thấu hiểu tâm lý (Gọi chung theo cách mà ông bà ta hay nói đó là ĐẮC NHÂN TÂM)... và đặc biệt là thiếu khả năng làm chủ cảm xúc, từ đó dẫn đến mâu thuẫn lớn. Một khi đã mất khả năng làm chủ cảm xúc và làm chủ bản thân, tâm lý con người lúc đó chuyển sang trạng thái: chiến đấu đến cùng để bảo vệ quan điểm của mình (hay thực chất là để chứng minh mình đúng). Trong trường hợp không chiến đấu được, thì bỏ cuộc. Ví dụ không mấy xa lạ là khi con và bố mẹ bất đồng quan điểm, có những trường hợp bố mẹ áp đặt quan điểm con cái, và dùng "quyền lực làm cha mẹ", sau đó con cái bỏ cuộc và chui vào phòng đóng cửa lại, không nói gì nữa.
Hoặc ngược lại, có những trường hợp bố mẹ giận con quá không nói gì nữa. Khi xung đột xảy ra, trong trường hợp chúng ta tìm đủ mọi cách để chứng minh mình đúng (tức chiến đến cùng) thì rõ ràng: nóng giận mất khôn, cảm xúc là kẻ thù số một của thành công. Ngay cả khi chúng ta chứng minh được người ta thua cuộc (ngay cả khi họ sai) thì sau xung đột, lúc họ bỏ cuộc (biến), họ vẫn không thỏa mãn. Khi chúng ta bị người khác chứng minh mình sai, thông thường về tâm lý người đó sẽ đi than phiền, kể lể cho người thân của họ. Cho nên, kết quả của mọi cuộc xung đột, cho dù ta "thắng" hay ta "thua" đều là kết quả không tốt. Cái này có thể thấy trong xung đột bố mẹ – con cái; vợ chồng, thầy – trò, đồng nghiệp,... Như vậy, cần một tư duy mới và hiểu biết tâm lý về vấn đề xung đột, tranh luận.
Điều quan trọng không phải AI ĐÚNG AI SAI mà là CÁI GÌ ĐÚNG – Giải pháp dài hạn: Thấu hiểu tâm lý con người, kĩ năng đắc nhân tâm tốt, giỏi Critical Thinking
Dĩ nhiên, ở đây là mặt thực trạng chứ không phải tất cả. Nếu chúng ta thấu hiểu tâm lý và kĩ năng đắc nhân tâm tốt, khi tranh luận thì chúng ta sẽ không để cảm xúc lấn át con người mình, chúng ta sẽ không muốn tìm mọi cách để chứng minh rằng quan điểm mình đúng, đó chỉ là một điều nói lên rằng cái tôi quá lớn. Cho nên, quan trọng không phải là ai đúng ai sai mà là cái gì đúng. Trường học không dạy cho chúng ta nhiều về Critical Thinking (Không biết có nên dịch là tư duy phản biện không nữa vì phản biện cứ nghe như kiểu là đưa ra một thứ khác để đối lập lại trong khi Critical Thinking là đưa ra những góc nhìn khác – lẽ nào dịch là tư duy góc nhìn khác) mà trường học dạy cho chúng ta về cuộc đua điểm số, điều chỉ khiến con người ta trở nên muốn cạnh tranh và khẳng định mình. Nếu có được một tư duy rõ ràng về cái gì đúng, cái gì sai thì chúng ta sẽ bớt được tâm lý chỉ muốn chứng minh mình đúng, và dám nhận nếu mình sai. Khi bạn dám nhận mình sai trong trường hợp bạn sai, đó không phải là bạn kém cỏi, mà nó thể hiện bạn là một người văn minh, lịch sự và hơn hết, đó là cách hành xử thông minh giúp bạn không sai lần sau nữa và khiến người ta tôn trọng bạn. Như thế, ngay cả khi có tranh luận thì đó cũng là một sự tranh luận trong lịch sự, trong văn minh và trong bầu không khí yên bình.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tâm lí học tổng hợp
Kurgu OlmayanCác bài viết về tâm lí học được tổng hợp từ Oopsy, WhyPsychology, Tâm lí học ứng dụng,....