khi đọc tiêu đề bài viết này, có thể bạn nghĩ rằng đây là một kết luận mang tính chất chụp mũ hoặc vơ đũa cả nắm. Tuy nhiên, nếu là một người có trong mình góc nhìn trung dung và kiến thức tâm lý, bạn sẽ phần nào hiểu được thực trạng vì sao giới trẻ Việt ngày nay, có nhiều bạn trẻ thực sự rất yếu đuối. Yếu đuối ở đây là yếu đuối về tinh thần, về ý chí, về nghị lực, về sức mạnh bên trong. Bài viết này sẽ đưa ra góc nhìn tâm lý lý giải cho điều này. Giới trẻ Việt ngày nay nói chung, và đặc biệt là thế hệ sinh sau 2000, tức có nhiều em tuổi TEEN bây giờ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tên "Chỉ số vượt khó". Nghịch lý nằm ở chỗ, vấn đề này không hoàn toàn nằm ở lỗi thuộc về các em, mà một phần còn thuộc về xã hội và đặc biệt chính từ những người trưởng thành chúng ta.
CÁCH MẠNG 4.0 – KHI MÁY MÓC THAY THẾ CON NGƯỜI
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kéo theo hệ quả là hàng loạt máy móc và robot sẽ thay thế con người. Chẳng hạn như hàng loạt dây chuyền sản xuất được đưa vào, hàng loạt công nghệ như trí tuệ nhân tạo được triển khai sẽ báo động một tương lai không xa, hàng triệu người sẽ mất việc. Có lẽ mới đây nhất chính là việc Grab mua hoàn toàn Uber. Cách đây 2 năm, chúng ta còn hoài nghi về một hãng xe lạ ở đâu xuất hiện, nhưng giờ đây "đoàn quân áo xanh" đã thay thế việc làm của trăm ngàn lái xe truyền thống. Không chỉ thế, robot trong tương lai sẽ thay thế việc làm của rất rất nhiều người lao động không chỉ trong những lĩnh vực đơn giản mà cả những lĩnh vực có chuyên môn cao như đầu bếp, bác sĩ, luật sư, kế toán. Người ta dự đoán trong tương lai, gần 50% công việc sẽ bị thay thế do tự động hóa và người máy. Ở một số lĩnh vực, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Chính vì thế, trong tương lai khoảng cách giàu – nghèo sẽ càng gia tăng. Nhóm những người rất giỏi sẽ rất giàu và ngược lại, nhóm những người trung bình sẽ rất nghèo. Những người giỏi nhất, có đủ tố chất và kĩ năng nhất sẽ làm chủ máy móc, robot – và ngược lại, phần lớn nhóm người còn lại sẽ bị máy móc thay thế. Như vậy, để có thể thành công trong tương lai, bắt buộc nhóm các bạn trẻ bây giờ phải hình thành nhóm kĩ năng, tố chất mà máy móc không thể làm được: chẳng hạn như thông minh cảm xúc, kĩ năng thương lượng, thuyết phục, tinh thần phục vụ, tinh thần chăm sóc, quan tâm mọi người,... và đồng thời, bắt buộc phải có khả năng đối mặt với cạnh tranh và áp lực cực kì lớn, khi mà chưa bao giờ tỉ lệ đào thải trong công việc lại cao như vậy.
KHI GIỚI TRẺ BỎ CUỘC QUÁ DỄ DÀNG Như thế,
để cạnh tranh trong tương lai, buộc thế hệ trẻ bây giờ phải có khả năng đương đầu với áp lực, khó khăn, sóng gió, nghịch cảnh cực kì tốt. Nhưng điều gì làm cho thế hệ trẻ giờ đây yếu đuối hơn trước rất nhiều? Lý do thứ nhất là do yếu tố xã hội. Đây là một yếu tố khách quan. Thế hệ ngày xưa (7x, 8x và đầu 9x) được sinh ra trong một hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn, vì thế cuộc sống của họ khổ hơn. Chính bởi vì khổ hơn nên khả năng chịu khổ của họ tốt hơn. Chẳng hạn như ngày xưa, với nhiều người chỉ ao ước được "ăn no, mặc ấm"; khi kinh tế tốt hơn, phát triển hơn thì người ta chuyển sang thành "ăn ngon, mặc đẹp". Bởi vì sau này, kinh tế tốt hơn, điều kiện xã hội tốt hơn cho nên thế hệ sau sướng hơn. Bởi vì sướng hơn, nên khả năng chịu khổ kém hơn. Lấy một ví dụ rất đơn giản, chẳng hạn như ngày xưa, một đứa trẻ lớn lên có thể chỉ được gắn liền với một vài trò chơi dân gian hoặc truyền thống, về tâm lý ai cũng sẽ chán nhưng bởi vì không còn lựa chọn nào khác, không có đồ chơi nào khác, dẫn đến việc đứa bé ấy buộc phải chơi đi chơi lại một trò chơi. Ngược lại ngày nay, thật không khó bắt gặp một đứa bé với đủ thứ đồ chơi và đủ thứ công nghệ bên cạnh. Nhiều khi, cha mẹ muốn thuyết phục con một điều gì đó là phải đưa ra hàng loạt các thỏa thuận, các điều kiện thì con mới làm. Chính vì thế mà hệ quả là giới trẻ ngày nay, họ không có một tố chất đó là khả năng "chịu đựng sự nhàm chán", làm gì cũng dễ chán, dễ nản. Trong khi, muốn thành công thì không có ai là không qua khổ luyện. Lý Tiểu Long muốn trở thành huyền thoại, bắt buộc phải có khả năng chịu đựng sự nhàm chán khi chỉ tập đi tập lại một cú đấm. Đó là lý do vì sao có câu nói "Tôi không sợ những người có thể đấm được 10.000 cú đấm khác nhau trong một lượt, nhưng tôi sợ một người có thể đấm 1 cú đấm nhưng lặp đi lặp lại 10.000 lần". Khi không có khả năng chấp nhận những giây phút nhàm chán của công việc, những lúc khó khăn, áp lực, sóng gió, thử thách... thì hệ quả là tỉ lệ giới trẻ nhảy việc cao hơn bao giờ hết. Tỉ lệ người trẻ bỏ cuộc một cách dễ dàng trở nên quá cao. Đó là lý do mà vì sao chúng ta thấy những ví dụ hàng ngày như vì áp lực với cha mẹ mà nữ sinh nhảy lầu tự tử hay tự tử vì chia tay mối tình, tự tử chỉ vì thi trượt,... toàn những lý do vô cùng "lãng xẹt".
BẠN ĐANG ĐỌC
Tâm lí học tổng hợp
Non-FictionCác bài viết về tâm lí học được tổng hợp từ Oopsy, WhyPsychology, Tâm lí học ứng dụng,....