Mỗi ngày chúng ta phải đưa ra rất nhiều quyết định, từ việc nên tin ai, nên làm gì, nên đi đường nào, hay bị người khác giận thì làm sao... Nếu với mỗi quyết định, chúng ta đều phải cân nhắc kỹ và phân tích TẤT CẢ HỆ QUẢ có thể xảy ra thì có lẽ chúng ta sẽ không còn thời gian mất.
Vì vậy mà bộ não khiến mọi thứ dễ dàng hơn bằng cách sử dụng các chiến thuật tư duy hiệu quả gọi là heuristic. Heuristic là lối đi tắt của tâm trí giúp ta ra quyết định nhanh chóng mà không cần quá nhiều thời gian tìm kiếm và phân tích thông tin. Chúng rất có ích khi cần ra quyết định nhanh chóng và ít tốn công sức. Tuy nhiên, mặc dù rất hữu ích nhưng chúng cũng có thể dẫn đến những quyết định sai lầm. Có khá nhiều loại heuristic khác nhau, và trong bài này Kiri sẽ giới thiệu mọi người 3 loại heuristic phổ biến.
1. Sự sẵn có heuristic (availability heuristic)
Sự sẵn có heuristic là lối đi tắt của tâm trí giúp ta ra quyết định dựa trên mức độ dễ dàng mà điều gì đó xuất hiện trong suy nghĩ của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta thường dựa vào mức độ dễ dàng mà những ví dụ xuất hiện để ra quyết định. Ví dụ, năm 2011, bạn nghĩ tỷ lệ vụ phạm tội ở Mỹ có liên quan đến bạo lực là bao nhiêu? Hầu hết chúng ta sẽ đoán tỷ lệ khá cao bởi vì báo chí chủ yếu đăng tin cướp, hiếp, giết... Nhưng thực tế thì FBI tổng số vụ bạo lực chỉ có 12% trong tất cả vụ phạm tội. Hoặc ví dụ như hỏi đi xe máy hay máy bay an toàn hơn thì rất có thể bạn sẽ trả lời là xe máy (nếu như gần đây báo chí có đưa tin vụ tai nạn máy bay), trong khi thực tế thì theo số liệu ở Mỹ, đi máy bay còn có tỷ lệ tai nạn thấp hơn cả đi bộ trên đường phố. Vì vậy, hãy cẩn thận với những gì dễ dàng xuất hiện trong tâm trí bạn nhất nhé, đặc biệt là đừng để marketing ảnh hưởng. Nếu gần đây bạn thấy rất nhiều quảng cáo Sunsilk, rất có khả năng bạn sẽ mua nó nếu không biết mua loại dầu gội đầu nào mà chưa xem xét các loại dầu gội khác. Hãy nhớ là "cái gì xuất hiện trong đầu mình đầu tiên chưa chắc là cái tốt nhất".
2. Đại diện heuristic (representativeness heuristic)
'Đại diện heuristic' là việc chúng ta sử dụng tư duy tắt bằng cách so sánh với những hình mẫu có sẵn trong tâm trí. Ví dụ, nếu nhìn thấy một người cao to, có hình xăm, mặc đồ đen thì hầu hết chúng ta sẽ nghĩ đó là một người giang hồ hoặc xã hội đen (bởi vì trong tâm trí của ta có hình mẫu như vậy). 'Đại diện heuristic' có thể nói là nó khá giống với câu 'trông mặt mà bắt hình dong'. Mặc dù nó giúp chúng ta ra quyết định nhanh chóng, nhưng đôi khi lại khiến chúng ta có định kiến sai về người khác. Ví dụ: chúng ta có thể cho rằng những người thích phượt thì hay vô ý thức hay trẻ con thì thích thức ăn có hại cho sức khỏe, hoặc ai xăm hình cũng đều là người xấu.
3. Xác suất heuristic (base rate heuristic)
'Xác suất heuristic' là lối đi tắt cho tâm trí khi chúng ta đưa ra quyết định dựa trên xác suất thực tế. Ví dụ, nếu bạn nghe tiếng hú vào lúc giữa đêm ở thành phố thì bạn chỉ nghĩ đó là một con chó, vì chó sói thì không có khả năng ở thành phố. Bạn thử đoán xem là hầu hết chúng ta sẽ làm gì trong tình huống có thể sử dụng 'đại diện heuristic' và 'xác suất heuristic'? Ví dụ, một cô gái thích chơi cờ và nghe nhạc cổ điển. Trong thời gian rảnh, cô ấy thích đi các nhà sách và tham quan viện bảo tàng. Bạn đoán xem cô ấy có khả năng là y tá hay người quản lý thư viện hơn? Bạn nghĩ mọi người sẽ sử dụng loại heuristic nào trong tình huống này? Nếu bạn đoán là đại diện heuristic thì đúng rồi nhé. Hầu hết chúng ta sẽ nghĩ đó là một người quản lý thư viện bởi vì trong tâm trí của ta thường sẽ có hình ảnh thủ thư là những người thông minh và thích đọc sách. Mặc dù là trong thực tế thì cô gái đó có khả năng là y tá hơn bởi vì số lượng y tá lớn hơn rất rất nhiều so với số lượng thủ thư. Dù vậy thì vẫn ít người sử dụng 'xác suất heuristic' hơn, có lẽ phần nào bởi vì những cái thông tin đại diện nó hấp dẫn chúng ta hơn. Trong bài viết trên, Kiri đã giới thiệu mọi người 1 vài lối đi tắt mà tâm trí chúng ta hay sử dụng. Mặc dù chúng rất hữu ích nhưng mọi người cũng nhớ cẩn thận với tụi nó nhé.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tâm lí học tổng hợp
Non-FictionCác bài viết về tâm lí học được tổng hợp từ Oopsy, WhyPsychology, Tâm lí học ứng dụng,....