57. Khám phá 20 cơ chế phòng vệ tâm lý thường gặp

106 6 0
                                    

Cơ chế phòng vệ – khái niệm nổi tiếng nhất được Sigmund Freud sử dụng trong thuyết phân tâm của ông – là chiến thuật do bản ngã tạo ra để chống lại lo âu.

Có lẽ bạn từng nghe nói về cơ chế phòng vệ (defense mechanism), hoặc những cách ta bảo vệ mình khỏi những vấn đề mà ta không muốn nghĩ đến hoặc đối mặt. Cụm từ này bắt nguồn từ liệu pháp phân tâm học, nhưng đã dần trở thành ngôn ngữ thường ngày. Hãy nhớ lại lần cuối bạn mô tả một người nào đó là "đang phủ nhận thực tế" hoặc bảo ai đó là đang "hợp lý hóa vấn đề." Cả 2 trường hợp trên đều là ví dụ về cơ chế phòng vệ.

Trong mô hình định vị tính cách của Sigmund Freud, bản ngã là phần tính cách đối mặt với thực tế. Khi hoạt động, bản ngã cũng phải xử lý những yêu cầu đối lập của bản năng và siêu ngã. Bản năng tìm cách đáp ứng tất cả những nhu cầu, mong muốn và ý định bốc đồng trong khi siêu ngã cố bắt bản ngã hành động theo hướng lý tưởng và có đạo đức.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi bản ngã không thể xử lý được những yêu cầu từ mong muốn của ta, ràng buộc của thực tế và tiêu chuẩn đạo đức của ta? Theo Freud, lo âu là trạng thái tâm lý khó chịu mà ai cũng muốn tránh. Lo âu là tín hiệu báo cho bản ngã biết rằng mọi việc đang không ổn. Kết quả là bản ngã chọn một cơ chế phòng vệ để giảm cảm giác lo âu xuống.

Freud xác định 3 kiểu lo âu như sau:

1. Lo âu nhiễu tâm (neurotic anxiety) là cảm giác lo lắng vô thức rằng ta sẽ mất kiểm soát những ham muốn của bản năng, dẫn đến việc bị phạt vì có hành vi không phù hợp.
2. Lo âu thực tế (reality anxiety) là nỗi sợ về những sự kiện thực tế. Ta thường dễ xác định được nguyên nhân của kiểu lo âu này. Ví dụ như một người có thể sợ bị chó cắn khi đứng gần một con chó dữ. Cách thường dùng để giảm kiểu lo âu này nhất là tránh những đối tượng đe dọa.
3. Lo âu đạo đức (moral anxiety) là nỗi sợ vi phạm nguyên tắc đạo đức của mình.

Để đối phó với cảm giác lo âu, Freud cho rằng các cơ chế phòng vệ sẽ giúp bảo vệ bản ngã khỏi những xung đột gây ra bởi bản năng, siêu ngã và thực tế.

Cơ Chế Phòng Vệ Là Gì?

Cơ chế phòng vệ – khái niệm nổi tiếng nhất được Sigmund Freud sử dụng trong thuyết phân tâm của ông – là chiến thuật do bản ngã tạo ra để chống lại lo âu. Các cơ chế phòng vệ có nhiệm vụ bảo vệ tâm trí khỏi những cảm xúc và suy nghĩ mà tâm thức không thể đối phó được. Trong một số trường hợp, cơ chế phòng vệ được xem là có vai trò ngăn chặn những suy nghĩ và ý định bốc đồng không phù hợp hoặc không mong muốn khỏi tâm thức.

Khi ta lo âu, bản năng, siêu ngã và thực tế sẽ tạo ra yêu cầu. Do đó, bản ngã đã tạo ra một số cơ chế phòng vệ để đối phó với lo âu. Cho dù ta có thể nhận thức được khi sử dụng những cơ chế này, nhưng trong nhiều trường hợp thì nó hoạt động một cách vô thức để bóp méo thực tế.

Ví dụ như nếu bạn phải đối mặt với một công việc rất khó chịu thì tâm trí bạn có thể chọn quên đi việc đó để tránh cảm giác tiêu cực. Ngoài cố ý quên đi ra, còn có những cơ chế phòng vệ khác bao gồm hợp lý hóa, phủ nhận, ức chế, phóng chiếu, từ chối và phản ứng ngược.

Tâm lí học tổng hợpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ