1. Khi đã mất sự kiềm chế, khi đã mất sự kiểm soát* – không phải "mất", đúng hơn là khi không thể kiểm soát – thì áp lực của đời sống, đúng hơn là áp lực của cuộc sống khiến cho người ta trượt ra hướng đó là ám ảnh, hỗn loạn, những cảm xúc buồn chán dằng dặc, nó cứ liên miên bất tuyệt.
Những điều đấy tạo ra một huyền thoại đô thị, nó không đẻ ra trong đời sống cộng đồng, nó không từng xuất hiện ở trong bất cứ thế giới cộng đồng cổ nào, nó chỉ xuất hiện trong đời sống đô thị, đấy là hào hứng với huyền thoại về người tri kỉ.
Những câu chuyện tri kỉ đầu tiên nó phải xuất phát, ví dụ ở Trung Hoa chẳng hạn, từ lúc hình thành những đô thị đầu tiên, những thị trấn đầu tiên, tập hợp những cộng đồng người khác nhau lại với nhau. Ở trong sự lạc lõng, trong sự bất an đấy, họ rất cần người tri kỉ.
Câu chuyện tri kỉ là câu chuyện lãng mạn nhất, sự hiểu nhau, "Anh và em có hiểu nhau không?", "Bọn mình có hiểu nhau không?", "Chúng ta có cùng hiểu nhau không?", "Không cùng chung Đạo không thể chung đường", tất cả những cái này biến thành một trong những điều chi phối hẳn dòng chảy tâm lí của con người.
2. Một trong những hệ quả của một sự hợp tác thực ra là hai dòng chảy xuất phát từ một gốc rồi giao nhau. Bạn tưởng tượng, gốc của nó là cuộc sống cá nhân đã mất hết những mối liên kết nền tảng, ở đây nền tảng là những mối liên kết cộng đồng, những sự hợp tác, cùng chung lí tưởng, cùng chung các giá trị.
Khi người ta phát triển lên đô thị, phát triển một tập hợp người từ các giá trị khác nhau lại, các giá trị này bị vỡ ra và để có thể chuyên môn hóa lại thì mọi người tìm cách trục lợi nhiều nhất từ những người còn lại. Nó sinh ra đủ các thứ chủ nghĩa vị kỉ, và khi đã mất đi mối gắn kết cộng đồng thì người ta bắt đầu trở thành đời sống cá nhân.
>>> Đời sống cá nhân, trước áp lực của bản thân cuộc sống và do sự mơ hồ về tất cả những bộ phận còn lại của cuộc sống, tách ra hai hướng.
- Thứ nhất, cố gắng kiểm soát cá nhân để mang lại một bản sắc, mang lại một bản sắc cá nhân giữa đời sống cộng đồng để sống có nghĩa, có giá trị, để bảo vệ những cái gì mấu chốt còn lại trong sự tự ý thức về bản thân
- Thứ hai, là sự ám ảnh.
Việc sống trong một đời sống mơ hồ gây ra sự ám ảnh. Khi mà hai điều này tách ra và chập lại với nhau đã làm nảy sinh khao khát có được người tri kỉ.
3. Khao khát người tri kỉ rất khủng khiếp, nó mạnh hơn cả tình yêu, mạnh hơn cả dục vọng.
Nếu bạn đã từng trải qua nó thì bạn sẽ hiểu, khao khát một người hiểu mình là một động lực ngầm ẩn. Nhiều khi đến một tuổi động dục chẳng hạn, bạn tưởng mình chỉ đang mơ ước tìm thấy một người yêu thôi, nhưng thật ra ngay cả trong lúc đấy bạn cũng chỉ mong tìm được người hiểu mình.
Mong muốn tìm được người hiểu mình tồn tại suốt từ nhỏ, mong bố mẹ hiểu mình, rồi mong anh em hiểu mình, mong bạn bè hiểu mình, mong người yêu hiểu mình; lấy vợ rồi vợ không hiểu mình, lấy chồng rồi chồng không hiểu mình, vậy đi kiếm người hiểu mình.
Tất nhiên có rất nhiều động lực khác về dục vọng, tất cả nó chỉ bám theo một điều: cố gắng chống lại ám ảnh về việc lạc lõng và cô độc. Cảm giác lạc lõng và cô độc là kết quả của sự ám ảnh, cảm giác mình không có ai quan tâm, cảm giác mình bị rơi trượt ra khỏi các mối quan hệ khác.
Ví dụ bạn thấy đang rất thân, đang rất yêu thương một người, tự nhiên cảm giác mình hơi bẵng đi trong quan hệ với người đấy, hơi lạnh lùng chăng, không còn liên hệ nhiều nữa.
Một người đang vốn rất yêu thương làm sao để biết giữa mình với họ có mối gắn kết? Nó nhân lên thành một tâm trạng giữa mọi người, ngay trong mọi người, nó bắt đầu phát tác, nó bắt đầu tàn phá.
Bạn vừa muốn liên kết với người ta, vừa không muốn liên kết, nhưng động lực này không mất đi, bạn thật sự muốn có một ai đấy để trụ vào, để dựa vào, một bờ vai, dạng như thế theo mọi nghĩa.
Tình yêu không mạnh như mong muốn tìm tri kỉ, không bao giờ mạnh bằng, vĩnh viễn không mạnh bằng. Có thể nhất thời dục vọng chiến thắng, ham mê thể xác hoặc một cái gì tương tự, nhưng không bao giờ mạnh bằng.
Bạn biết rồi đấy, như đã từng nói, sở dĩ tình yêu có một sức mạnh rất lớn và nhất thời bởi vì nó bám vào một trạng thái khác, đấy là trạng thái điên loạn, trạng thái mất đi kiềm chế, mất đi kiểm soát ý thức, còn lại nó không có sức mạnh như bạn tưởng [...]
4. Cho nên tại sao một đứa trẻ nhà nghèo lại có một ý chí đột xuất?
Không phải vì giàu nghèo, là bởi vì trong một gia đình nghèo, sự yêu thương nhau trông thế thôi nhưng không quá gắn chặt, sự uất ức cũng không quá nhiều. Mọi người đều lo làm ăn và như thế không dùng các giá trị để kiểm soát nhau, bản thân họ cũng không có giá trị.
Có thể họ có những giá trị về sự tốt đẹp, về sự tử tế nhưng họ không có những giá trị chẳng hạn như là dòng họ mình, gia đình mình, nhà mình phải thế này, phải thế kia. Nó có thể tồn tại ở mức rất yếu trước quan hệ những nhà xung quanh, nhưng nó không mạnh mẽ như trong các gia đình lớn.
Không có những vấn đề huyết thống mạnh mẽ thế, cho nên là sự kiểm soát từ cá nhân, sự ý thức về thân phận ở trong một gia đình như thế của một người con mạnh mẽ một cách bất thường và người ta buộc phải nghĩ về cá nhân mình nhiều hơn.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tâm lí học tổng hợp
Non-FictionCác bài viết về tâm lí học được tổng hợp từ Oopsy, WhyPsychology, Tâm lí học ứng dụng,....