Tôi yêu em!
Ngày đầu tiên:
Tôi nhìn em xanh xao chìm vào giấc ngủ, nắm bàn tay gầy mà thấy lòng xiết đau. Em nặng nhọc thở từng hơi ngắn, tôi tưởng chừng hơi thở mình đang bị tước dần đi. Bệnh viện về đêm im ắng, thỉnh thoảng có tiếng chó sủa văng vẳng ngoài đường, rồi lại im bặt. Mùi ete thoang thoảng, tôi nhức đầu vì cái mùi ấy. Mệt mỏi, chiều đến giờ chạy ngược chạy xuôi lo giấy tờ, tiền bạc cho em nhập viện làm đôi chân tôi mỏi nhừ. Nhưng vì em tôi có thể làm tất cả. Chỉ mong em mãi bên tôi. Gục bên cạnh giường, giấc ngủ đầy mộng lo toan!
Ngày thứ 2:
Em mở mắt, nhìn quanh như muốn hỏi: "Sao em lại ở đây?"
Vuốt mái tóc khô rối, đút em uống nước, đôi môi em khô nứt nẻ, xót lắm!
- Hôm qua em đau quá rồi lịm đi, chị đưa em vào đây. Em thấy đỡ hơn chưa? - tôi dịu dàng.
- Dạ, cũng đỡ. - em thì thào, nói ko thành tiếng.
- Thôi, em nghỉ đi. Chị đi mua sữa hay mua cái gì đó cho em ăn.
- Em không đói. Vả lại... mình còn tiền đâu mà mua hả chị? - em ngập ngừng nhìn tôi.
- Chị lo được tiền, em yên tâm. Chỉ cần em khoẻ là được.
- Chị lại... có phải chị lại... chị đã hứa với em là ko làm vậy nữa mà.
- Không có. Chị... chị mượn tiền của người khác thôi. Chị hứa rồi, không có sai lời với em đâu.
- Thật chứ hả chị? - em nhìn tôi, dò xét.
- Thiệt! Em nghỉ hen, chút bác sĩ vào khám, có sao thì em trả lời thật cho bác sĩ biết. Đừng dấu nha em. Chị đi lát
quay lại.
- Dạ! - em nhắm nghiền mắt, khẽ nhăn mặt, bụng nhói cơn đau.
Tôi tất tả bước đi. Ra khỏi phòng, đếm lại tiền, chỉ còn đúng 30 sau khi đóng tiền viện phí. Vào căntin, tần ngần trước gian hàng rồi mua hộp sữa đặc có đường, còn lại vỏn vẹn 20, đủ tiền ăn cho em 2 ngày tới. Tôi nhịn hay ăn ít lại cũng không sao. Hôm qua chạy vạy lắm mới mượn được 300 từ bà chủ nhà. Năn nỉ gãy lưỡi, chịu đủ lời miệt thị mới cầm được tiền từ tay bả, nhục! Ủa, mà còn gì để gọi là nhục?
Xách phích nước đi mua nước sôi pha sữa, về tới phòng thì bác sĩ cũng vừa khám xong. Chẳng thấy nói gì, bảo chờ kết quả. Ừ, thì chờ!
Buổi chiều, đút em ăn xong, tôi về phòng trọ tắm rửa. Quơ vội vài bộ đồ cũ mèm của em và tôi bỏ vào giỏ rồi quay lại bệnh viện. Lau sơ người, thay cho em bộ đồ, em yếu lắm, nhấc tay chân cũng khó khăn. Em tiếp tục thiếp đi. Em ngủ nguyên ngày nay rồi, chắc mệt và khó chịu lắm.
Ngày thứ 3:
Truyền nước biển và thuốc giảm đau, em đỡ hơn 1 ít. Em ráng ăn, bù lại hôm qua chỉ uống nước là chủ yếu. Tôi nhìn mà vui. Em ở bên cạnh tôi thêm 1 ngày nữa.
Chiều đó, khám xong, bác sĩ kêu tôi ra:
- Hết cách rồi cô ạ, chúng tôi chịu thôi. Sao để đến giờ, không điều trị sớm?
- Tại... nghèo quá bác sĩ à.
- Tôi hiểu. Tôi không muốn dấu cô, cô ấy còn sống khoảng 1 tháng nữa thôi, khoảng thời gian còn lại hãy ráng làm cô ấy vui.
- 1 tháng? Cái gì mà 1 tháng? 1 tháng thật sao? Ko còn cách nào à? - tôi lạc giọng.
- Không còn. Tế bào ung thư di căn toàn bộ, giai đoạn cuối rồi.
Tôi thấy tối sầm trước mắt: "1 tháng... chỉ 1 tháng... tôi còn có thể làm gì được cho em đây?" - câu nói ong ong trong đầu tôi. Tôi sắp mất em thật sao? Khó khăn lắm tôi mới đứng vững rồi chậm chạp vào với em.
- Bác sĩ nói sao hả chị? Sao sắc mặt chị kì quá vậy? - em lo lắng.
- Ờ... bác sĩ nói em ko sao. Không gì đâu em.
- Vậy sao em lại đau hơn mấy lần trước?
- Ờ, chắc mấy ngày hôm trước em ko có uống thuốc. Tin chị đi, em ko sao đâu.
- Em tin chị - em xiết chặt bàn tay tôi, tôi quay mặt đi, cố nuốt dòng nước mắt đắng chát vào trong lòng.
Ngày thứ 4:
Chẳng khá hơn là mấy. Mà khá sao nổi, bữa ăn chỉ toàn rau với rau, có được miếng thịt nhỏ như đầu ngón tay út, ném cho chó chó còn chê. Đốn mạt, không tiền là thế đấy.
Em tỉnh, nằm nói chuyện với tôi. Nói đủ chuyện trên trời dưới đất, chắc em sợ tôi ngồi 1 mình buồn. Buổi trưa trong bệnh viện buồn chết được, tiếng cải lương ra rả từ giường kế bên, tuồng LAN VÀ ĐIỆP thì phải. Hát đến khúc Lan hấp hối, em khóc. Tôi vội lấy khăn chậm dòng nước mắt:
- Em khóc làm gì, cải lương thôi mà.
- Sao em sợ có lúc mình hấp hối như vậy. Mình sẽ xa nhau.... sợ lắm chị ơi! - nấc nhẹ.
- Ko có đâu. Đừng nghĩ bậy. Mình luôn bên nhau mà.
- Nhưng...
- Thôi, nín đi. Đang bệnh mà buồn bã thì sao khoẻ nổi - tôi càu nhàu.
Em lặng lẽ nhìn hướng khác, nước mắt cứ trào ra. Tôi tự đánh mình, sao lại lớn tiếng với em?
Cầm cự được 2 ngày, 20 hết nhẵn. Rờ hết túi này qua túi khác, lục tung hết căn phòng cũng chẳng sót được đồng bạc lẻ, khốn nạn mà! Còn gì để bán? Đống quần áo cũ mèm ai mua? Bán rồi lấy gì mà mặc? Trong phòng còn được manh chiếu rách, cái ghế nhựa, thùng cacton đựng quần áo, thêm được cái bàn thờ, nhìn vào chỉ thấy phát điên. Tiền đâu ra? Từ khi em bệnh đến giờ, tiền đi đồ đạc cũng đi, bệnh thì càng lúc càng nặng. Ngồi trong bệnh viện mà tôi như ngồi trên đống lửa. Mai phải mua thuốc cho em nữa rồi, còn tiền ăn nữa chứ. Đào đâu ra tiền bây giờ? Chữ tiền cứ vây kín đầu óc tôi, chẳng chút thảnh thơi. Tôi phải kiếm tiền, kiếm tiền để lo cho em, chứ cái thân tôi chết bụi chết bờ quạ nó còn chê ko thèm ăn mà. Chợt nghĩ... "Hay là mình quay về nghề cũ?" Một đêm thôi, đêm nay tôi ráng đi "dù" 4, 5 khách là đủ tiền cho 3, 4 ngày tới. Nhưng... tôi đã hứa với em sẽ ko bao giờ quay lại con đường đó (tự dưng nhớ đến cảnh phải nằm trần truồng trong căn phòng sặc mùi ẩm mốc, hớ hênh chờ đợi, rồi sau đó phơi cái cặp ngực lép xẹp cho thằng đàn ông tha hồ nhào nặn, và từng cú thúc mạnh bạo như muốn dần nát bụng dưới, tôi thấy đau hơn là sướng, chẳng kể có khi mất luôn cả cảm giác. Ráng nằm chịu trận đến khi xong mà nhận tiền).
Nhưng... lại nhưng, giờ đó là cách cuối cùng. Nếu ko, tiền trên trời rớt xuống chắc? (Tôi nghĩ: "Phân vân, lựa chọn, đắn đo... làm gì? Mang tiếng làm ** rồi thì suốt đời cũng là ** mà thôi. Ngại ngần gì nữa. Chết đến nơi thì danh dự hay lời hứa cũng bỏ cho chó nó ăn")
6h chiều, em ăn ít cháo rồi ngủ. Nhờ người kế bên coi chừng, tôi về chuẩn bị. Đường cùng, không làm là chết đói. Vì em, tôi sẽ làm tất cả.
Tắm rửa, lôi bộ đồ trống trước hở sau từ đáy thùng cacton, giũ giũ cho bớt nhăn (bàn ủi bán quách rồi, lấy gì ủi?) Tô tô trét trét lớp son phấn rẻ tiền lên mặt, xức thêm nước hoa (có người từng nói sau lưng tôi: "Nghe mùi dầu thơm tanh muốn ói, biết ngay là **" - nghe câu ấy, tôi quay lại định chửi vài câu cho bỏ tức thì nó biến mất từ đời cố tổ nào rồi). Ngắm nghía trong gương, thấy còn ổn lắm. Đốt cây nhang cho bàn thờ, lầm rầm khấn vái vài câu, tôi bắt đầu đi làm đêm.
Bước ra khỏi phòng, nhiều người nhìn soi mói. Sống chung ở cái xóm chùa này mà cũng bày đặt khinh lẫn nhau, xì. Đi nhờ thằng kế bên phòng ra đường Tú Xương, trước đây tôi hay đứng ở đoạn này.
"Cám ơn mày nha" - tôi nhảy xuống, lững thững đến gốc cây quen thuộc.
Nhận ra người quen, chị em xung quanh xúm lại hỏi thăm. Hỏi thăm tôi, hỏi thăm em rồi chắc lưỡi tội nghiệp. Dựa đầu vào gốc cây, tôi thấy ray rứt, chắc lời hứa với em ngày nào đang cấu xé chút lương tâm nhỏ nhoi còn lại của tôi.
Đứng yên, tiếng chửi thề, mùi thuốc lá khen khét, lâu lắm rồi mới gặp lại không khí này, thấy sao sao, hình như quá khứ ko tốt đẹp ngày trước cựa mình thức dậy. 9h tối, vài ông lượn qua lượn lại. Tôi đứng yên, khá lâu ko chào mời, hình như lụt nghề. Bất chợt hình ảnh em mệt nhọc trên giường bệnh hiện ra, lắc đầu ngán ngẩm, chịu!
- Anh ơi, đi với em nè anh. - ưỡn ẹo với thằng cha khoảng 40 tuổi vừa dừng xe.
- Nhiêu?
- 60 ha, chìu anh tới bến. - tôi cố dùng giọng ngọt ngào nhất mà ra giá.
- 50, được thì lên.
"Mẹ, chơi ** mà keo!" - lầm bầm trong miệng, tôi leo lên xe ngồi. Cầm 50, thân thể mỏi nhừ. "Thằng này quần lâu quá, chẳng biết ăn cái quỉ gì mà dai sức thấy sợ!" – tôi làu bàu. Nghĩ đi thì cũng nghĩ lại, lâu quá không làm nên vậy đó. Không biết có phải nhờ cây nhang tôi đốt hồi đầu buổi làm hay không mà đêm nay kiếm được kha khá. Đi xong lượt khách thứ 3, mắt hoa cả lên, chân đứng không muốn vững. 2 ngày nay lo cho em, tôi có ăn uống được gì đâu. Bủn rủn, tôi dựa vào tường thở dốc. Mấy cha đàn ông cứ lảng vảng. Khu này lúc trước vắng vẻ lắm, nhưng từ khi bên Huyền Trân Công Chúa bị quét, tụi nó đổ hết qua đây. Giành khách, chửi nhau, đủ thứ từ tục tằn xỉa xói ra từ miệng, chửi không đã thì nhào vô cấu xé nhau, y hệt như hai con mèo hoang. Man dại, mắt long lên sòng sọc, nắm đầu, xé áo... vừa làm vừa chửi, chửi những từ người ăn học nghe thấy mà đỏ cả mặt. Cấu xé đủ thì buông ra, đứng thở hồng hộc, đầu tóc rối bù, áo tơi tả khoe luôn áo ngực rẻ tiền bên trong.
"Đói quá!" - bụng tôi sôi lên òng ọc. Nguyên ngày nay chỉ có được nữa ổ bánh mì vào bụng. Trưa đến giờ có thêm được gì đâu? Còn 5 ngàn, mua cháo cho em, sạch túi rồi. Hên ghê, vừa lúc đó có thằng bán bánh giò đi ngang, không ăn cho đuối mà chết. Thằng nhỏ nhận tiền, ánh mắt khinh khỉnh. Ừ, buôn bán dù sao cũng tốt đẹp hơn cái nghề ko vốn này. Ăn ngấu nghiến, mẹ kiếp, giờ mới hiểu "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Vứt miếng lá ra đường, quẹt miệng, công nhận ăn xong khỏe hơn được chút, chợt thấy xót 5 ngàn, trong túi còn 145. Nhẩm tính, khéo lắm đủ tiền thuốc cho em ngày mai. Kệ, ráng thêm 2, 3 người nữa. (Nghĩ rồi thấy rùng mình, còn sức không đây? Thân thể mỏi nhừ, cửa mình ê ẩm, thốn đau. Làm quá sáng mai ko đi được thì bỏ mẹ).
Về đến phòng trọ, 3h sáng, ngã vật xuống sàn thở hơi lên. Hai bên háng tưởng chừng rời hẳn ra, không khép lại được nữa. Bên dưới ẩm ướt, thỉnh thoảng ộc ra cái "dư vị" của 6 thằng đàn ông từ đầu hôm đến giờ. "Đời lắm thằng khốn nạn" – càm nhàm, xuống sàn nước rửa ráy để đi ngủ, nghe mùi tanh của tinh dịch mà lợm giọng. Ngủ lấy sức sáng mai vào lo cho em. Giờ này bệnh viện đóng cửa, đâu cho vào thăm nữa. "Mệt quá! Đứt cả hơi. Lần đầu tiên tiếp nhiều khách trong một đêm như vậy. Mẹ, thôi kệ, đủ tiền rồi" – mơ màng chưa đầy 1phút, tôi ngủ ngay. Trong cơn mơ, tôi thấy mình và em đang nằm trên đống tiền, mấy thằng đàn ông phủ phục dưới chân. Hình như tôi mỉm cười.
Ngày thứ 5:
Có được tiền thì lo lắng, mệt mỏi gì cũng bay mất hết. Hôm nay sao em ra huyết nhiều quá. Bác sĩ khám, cho thuốc cầm máu. Đưa tôi toa, bảo đi mua. Thuốc gì mắc bỏ mẹ, 200 mấy. Cầm bịch thuốc trên tay mà tần ngần, túi tiền nhẹ hẫng đi. Đêm qua được 300, à không, 295 chứ, giờ còn đúng 90, được mấy ngày đây? Quên, chạy mua cho em bịch băng vệ sinh nữa. Thời buổi khốn nạn, vật giá cái nào cũng leo thang. Khoẻ mạnh thì không nói, bệnh nằm liệt giường thì giá cả, tiền bạc như cục tạ ngàn cân. Mặc, bao nhiêu thì bao, em khoẻ là tôi mừng.
Trưa, em vật vã vì cơn đau. Tay em lạnh ngắt, mặt mày xanh mét, có nhiêu máu nó ra hết đường dưới rồi hay sao á? Tôi cuống cuồng kêu bác sĩ, cái bệnh viện nghèo nàn này, 2 con đàn bà nghèo nàn này thì làm gì có cách xử lý tốt hơn. Chút thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc cầm máu (theo tôi biết là vậy) rồi cũng xong. Em còn da bọc xương, chút thịt ít ỏi mấy ngày qua tiêu đâu hết cả, chắc đi theo mấy lần xuất huyết rồi.
Chiều, tôi đi mua thịt về nấu cháo cho em. Phải ăn thịt cho khoẻ chứ, mấy ngày nằm bệnh viện ăn cơm với rau là chủ yếu. Khỏe như tôi, ăn kiểu đó còn ngất ngư, huống gì là em.
Bệnh tình chuyển biến xấu. Ráng cầm cự thôi. Lại 1 ngày tiếp tục trôi qua....
Ngày thứ 6:
Tiền, tiền và tiền. Cuộc đời này không còn gì ngoài tiền hay sao?
Lại viện phí, lại bông băng, lại ăn uống. lại thuốc men.... tôi cần gì!? Nhưng, em cần!
Bươn bả được mấy ngày. Tiền hết, kéo theo bao nhiêu cái hết. Khốn nạn, sao bệnh của em không bớt dùm?
Máu ra liên tục. Ướt đẫm drap giường. Tưởng chừng 5 phút lại thay cho em một miếng băng, thay băng cho em mà tôi run rẩy đôi tay. Tôi biết, sinh mạng em đang trôi dần theo từng dòng máu.
Đời đã ép tôi vào đường cùng. Tôi đã sa chân vào bùn ngày hôm trước, ngày hôm nay tôi lại phải tiếp tục vùng vẫy trong vũng bùn tanh hôi ấy để nhặt từng đồng tiền về lo cho em. Lời hứa ngày nào với em vang vang trong tai, nhưng... tôi không thể. Bất giác tôi tự chửi mình: "Khốn nạn!", lời hứa lờn vờn thành khói cay nghiệt trong mắt tôi. Tôi yêu em, tôi không muốn sai lời với em, vậy mà... đời ko cho tôi thực hiện.
Chiều, lau sơ người, thay cho em bộ đồ, cầm tay em xiết nhẹ, tôi quay đi.
Vẫn bộ đồ ấy, vẫn mùi nước hoa ấy, vẫn góc đường ấy... tôi thấy lòng mình quặn một cái thật đau, hình như tôi muốn ói!?
6 người, cố lắm để có thể thêm 1 thằng khách nữa, nhưng tôi ko thể, tôi thấy mình đang bị vắt kiệt đến tận cùng, lê lết về phòng trọ lúc 3h sáng. Đau, đau toàn thân, đau ê ẩm, cảm giác thốn từ bên trong lan ra khắp cơ thể. 2 đầu ngực tê cứng mất hết cảm giác, hậu quả của mấy tiếng đồng hồ bị nhào bóp thô bạo. Hai đầu gối run lẩy bẩy, tôi ngất ngư, mềm oặt như cá chết.
Tôi thiếp đi hồi nào không hay. Những đồng tiền trong túi tôi tự dưng bay phấp phới, tôi chạy... cố hết sức rượt đuổi theo để bắt chúng lại. Bất chợt tờ tiền lại bay lên thật cao, thật cao rồi phình to ra, rất to... đè ập xuống người tôi đến ngạt thở. Tôi giật mình, trán ướt đầm, đã 8h sáng, tôi phải vào với em.
Ngày thứ 7:
Thuốc cầm máu vô dụng. Máu ra nhiều và liên tục suốt buổi sáng.
Trưa, em rơi vào hôn mê, đến chiều buông bóng mà chưa tỉnh. Tôi quáng quàng chạy đi kêu bác sĩ, y tá hối hả đưa em vào phòng cấp cứu. Cánh cửa đóng sập, tôi tưởng cánh cửa âm dương đang che cách chúng tôi.
Tôi ngồi thiêm thiếp ngoài ghế chờ đợi, mấy ngày ở trong đây mà tôi vẫn ko quen nổi với mùi ete, mùi thuốc sát trùng, mùi bệnh hoạn, mùi thuốc men, tiếng rên khóc... tất cả quyện lại đúng đặc trưng của nhà thương rẻ tiền.
Họ đẩy em ra, đặt em trở lại giường. Bác sĩ nhìn tôi, lặng lẽ lắc đầu.
- Bác sĩ, em tôi sao rồi? - tôi hỏi, giọng gấp gáp.
- Bệnh tình diễn biến quá nhanh và quá xấu. Tế bào bệnh đã lan khắp cơ thể, nuốt trọn tử cung cô ấy. Tôi bất lực...
- Sao bác sĩ nói là 1 tháng, mới chỉ có 1 tuần thôi mà? 1 tháng lận mà bác sĩ, bác sĩ xem kĩ lại đi, không thể nào như vậy được.
- Tôi đã khám rất kĩ, dùng mọi biện pháp, dùng mọi loại thuốc nhưng vẫn ko cầm máu được. Cô cũng thấy đấy, tôi...
- Sao bác sĩ gạt tôi? Sao bác sĩ nói em tôi sống được 1 tháng nữa. Nó còn trẻ, ko thể chết sớm vậy được, ko thể... - tôi bật khóc.
- Tôi xin lỗi. Nhưng chúng tôi đã làm hết khả năng... - vị bác sĩ già bước đi.
- Em ơi... - tôi gào lên và quị bên chân giường. Bóng tối loang lổ ngoài sân, vài tiếng mèo kêu tha thiết, gió xào xạc... tôi gần như ngất đi bên em. Hung tin đó quá khả năng chịu đựng nơi tôi.
Ngày thứ 8:
Em không tỉnh. Tại sao em không tỉnh để nhìn chị hả em ơi? Tại sao không nói với chị thêm lời nào? Tại sao em lại im lặng thế kia? Tại sao em ngủ hoài vậy? Tại sao em không mở mắt ra mà cười với chị? Em ngủ đến bao giờ? Chị đang chờ em mà... Tỉnh lại đi em ơi... - nước mắt cứ lăn dài, tôi khóc sưng cả mắt.
Ngày thứ 9:
Bệnh viện nói tôi có thể mang em về nhà. Họ nói gì đó, đại loại là cho bệnh nhân ở nơi quen thuộc, trong không khí gia đình ra đi sẽ nhẹ nhàng hơn.. họ nói nhiều lắm, nhưng tôi có nghe được cái quái gì vì 2 tai tôi đã lùng bùng hết cả. Bệnh viện cho mang em về, hết hy vọng rồi đó sao?
Tôi ngồi bất động bên giường bệnh, tay nhấc ko nổi để dọn dẹp đồ đạc.
Gọi chiếc xích lô, tôi ôm em vào lòng. Em chỉ còn lại da bọc xương. Phủ chiếc mền mỏng để che gió, ôm em mà tôi cứ khóc ròng. Trong tim tôi đau lắm, như có hàng ngàn cây kim thi nhau châm chích. Trong lòng thì đầy ứ, bao tử như được đổ đầy hàng tấn xi măng nặng trịch. Bế em chầm chậm lên phòng, đặt em xuống chiếc chiếu rách nát, tôi ngơ ngẩn ngồi kế bên.
Còn được mấy ngày đây em ơi?
Ngày thứ 10: - Em đau quá! - em nhăn mặt rên khe khẽ, nắm lấy bàn tay tôi.
- Ráng lên đi em, chị lấy thuốc em uống. - tôi tất tả chạy lấy ly sữa và viên thuốc giảm đau, đút em uống.
Em nhắm nghiền mắt. Hố mắt trũng sâu, gương mặt xanh xao, chỉ còn nụ cười của em ánh lên sức sống. Em, đừng cười nữa.... đừng cười nữa em ơi!
- Mấy giờ rồi hả chị? - tiếng em thì thào.
- 7 giờ tối rồi em. Em còn mệt lắm không?
- Em đã ngủ lâu vậy rồi sao? Sao chị không mở đèn, để phòng âm u quá vậy chị?
- Ờ... để chị mở đèn. - tôi luống cuống bước đi.
- Sao chị lại khóc? Mình ở bên cạnh nhau mà, chị không vui sao?
- Vui, vui lắm em... - tôi trả lời, giọng nấc nghẹn.
- Chị đừng khóc. Dù ông trời có đối xử tệ với chị em mình thế nào, chị cũng đừng khóc, nha chị!
- Ờ... ờ, chị không khóc nữa đâu em. - tôi đưa tay quẹt nước mắt, cố nặng ra nụ cười hiếm hoi.
- Để em yên tâm mà ra đi... - giọng em thoảng nhẹ như cơn gió.
- Em không đi đâu hết. Mình hứa mãi ở bên nhau mà, em nhớ không? - tôi sợ run người khi nghe lời em nói.
- Hồi nãy em nằm mơ. Em mơ thấy nhiều lắm. Thấy mình lúc còn nhỏ, được ba mẹ ôm ấp trong lòng. Thấy lúc còn ngồi ở trường, bạn bè vui lắm... em còn thấy cả ngôi nhà xưa của em nữa. - giọng em bỗng trở nên hân hoan.
- Ừ, mai mốt em khỏe, chị dẫn em về thăm lại ngôi nhà đó. Mau khỏe nha em.
- Em thấy có người đến dắt em đi, nhưng em ko chịu đi, vì em hứa chỉ đi với chị thôi.
- ........
- Rồi em thấy chị em mình ở trong căn nhà thật to, to thật là to. Có đầy đủ, không phải kiếm ăn từng bữa nữa. Rồi.... mình có con. Phải, mình có con đó chị. Đứa bé xinh lắm. Bé nó gọi em là má 2, gọi chị là má lớn... con nó xinh lắm chị ơi... - em bật khóc, giọt nước trượt dài trên hốc mắt.
Tôi lấy khăn chậm nước mắt cho em.
- Em đừng khóc. Đang bệnh khóc không tốt đâu em. Em khỏe rồi, mình sẽ cố gắng xây dựng tương lai em há. Em đói chưa, chị lấy cháo em ăn nha.
Không đợi em trả lời, tôi bước vội đến bàn lấy tô cháo. Vì, tôi sợ em thấy tôi khóc. Vừa kết thúc câu nói, hai mắt tôi đã cay xè, mọng nước. Cổ họng thì nghẹn đắng, tim như bị bóp chặt đến mức không thở được.
- Em ngoan, ăn rồi ngủ cho mau lại sức.
- Em không ăn. Chị ăn đi.
- Em phải ăn. Em còn phải uống thêm 1 lần thuốc nữa. Ngoan đi em.
- Chị... chị yêu em không?
- Yêu, chị lúc nào cũng yêu em.
- Chị... lấy gương cho em xem. Em xấu xí lắm rồi, phải không chị? Em xấu xí, chị còn yêu em không?
- Không, em đẹp lắm. Trong lòng chị, em lúc nào cũng đẹp, đẹp nhất.... đẹp nhất, em ơi! - tôi nấc lên, nước mắt thi nhau rơi không thể nào kềm nén. Ngực nhói lên thật đau.
- Ừ, em biết, em biết chị yêu em mà. Mình thề rằng sẽ yêu nhau trọn đời, phải không chị?
- Ừ... trọn đời. - em nặng nhọc vuốt má tôi, lau cho tôi dòng nước mắt.
- Em ngoan, ăn tí đi em. Một tí thôi cũng được.
Em nuốt một cách khó khăn. Tôi đút cho em từng muỗng sữa uống thuốc. Em lại chìm vào cơn mê.
Em chìm vào cơn mê, em có thấy mộng đẹp không em? Còn chị đây, thức trắng trọn đêm để đón nhận cơn ác mộng đang đến từng ngày. Mộng đẹp, nha em!
Ngày thứ 11: - Em đau, đau quá, đau quá chị ơi! - em oằn oại.
Tôi điếng người. Cả thân dưới em đỏ màu máu. Tới, tới, ác mộng tới rồi sao?
- Chị, chị nè em. Chị lấy thuốc em uống nha.
Tôi quýnh quáng đút em muỗng sữa kèm thuốc. Làn da em xám hẳn, không còn chút sức sống. Nụ cười đã thôi nở trên môi em.
Hôn mê. Em rơi vào hôn mê thật sự. Tôi quì bên cạnh em, ngơ ngẩn, thất thần.
Trời ơi! Sao ông lại quá độc ác với chúng tôi?
Cảm giác tê dại chiếm toàn bộ thân thể tôi.
Trưa. Em tỉnh dậy. Bỗng nhiên tỉnh táo hẳn. Em trò chuyện huyên thuyên. Linh cảm cho tôi biết, ác mộng đã bước vào nhà. Em hiện giờ, như ngọn đèn sắp hết dầu, vụt sáng lên để rồi tắt hẳn. Tôi trò chuyện với em, cố gắng không khóc.
- Chị, em mệt quá! - giọng em mơ hồ.
- Em... không sao đâu em.
- Em, em sắp đi rồi.
- Em không sao đâu. Không đi đâu hết, em phải ở bên chị. - tôi tối sầm mặt mũi.
- Em biết mà. Chị đừng dối em.
- .........
- Chị, em yêu chị. Em tự trách mình, đã để chị đau lòng. Em tự trách mình, đã sai lời hứa. Em tự trách mình, đã không thể cùng chị đi hết cuộc đời này... em tự trách mình nhiều lắm - ánh mắt em mất thần, chỉ còn giọng nói phập phồng theo hơi thở.
- Chị yêu em. Đừng bỏ chị, em ơi! - tôi đỡ em dậy, ôm vào lòng, xiết chặc lấy tay em. Nước mắt ngập tràn.
- Chị ráng sống, sống luôn cả phần em. Chị, sao tối quá vậy? Mở đèn đi chị, em không thấy gì hết.
- Em, trời sáng mà em... - trời ơi, em đi thật sao?
- Em không thấy gì hết, em lạnh quá, ôm em đi chị.
- Chị đang ôm em mà. Em đừng làm chị sợ. Đừng..... đừng...
- Cho em nghe lần cuối, chị yêu em... chị yêu em, nói đi chị. - Em cố gắng hớp lấy hơi thở.
- Chị yêu em... chị yêu em... chị yêu em... chị yêu em... - tôi lẩm bẩm bên tai em qua làn nước mắt.
- Em vui lắm... cho em được hôn chị, lần cuối... - tay em yếu ớt vuốt lấy khuôn mặt tôi.
Tôi cúi xuống hôn lên bờ môi đang dần lạnh giá của em. Nghe tim mình bị cắn xé làm đôi.
- Chị....
Em xiết nhẹ bàn tay tôi. Miệng nhoẻn nụ cười.
- Em.. em... tỉnh lại đi em. Tỉnh lại, tỉnh lại nhìn chị... đừng nhắm mắt. Tỉnh lại đi em. Tỉnh lại.... tỉnh lại.... - tôi lay nhẹ.
- TRỜI ƠI. EM.... EM.... EM ƠI! KHÔNG... EM ƠI.... KHÔNG... - tôi như ngất đi trước nỗi đau quá lớn.
Rồi thì, tôi phải gượng dậy lo hậu sự cho em. Ngày tiễn em về nơi cuối đời, trời rả rích cơn mưa. Tôi đứng lặng bên nấm mồ mới đắp, nghe hồn mình tan nát rụng rơi.
Di ảnh em còn đó, vẫn gương mặt ấy, vẫn nụ cười ấy... thế mà vạn kiếp xa xôi. Bàn thờ nghi ngút khói hương.
Thế giới ấy, vui không em? Thế giới ấy, hạnh phúc không em? Có phải nặng gánh lo toan như chúng mình đã từng không? Thế giới ấy, có nhiều người chăm lo cho em, như chị đã từng, không em? - tôi ngồi lặng trong góc phòng, nhìn bóng tối đang dần buông. Căn phòng chìm trong bóng đêm... em đã đi rồi sao?
Thế giới ấy, vui không em? Thế giới này, buồn lắm em ạ! Em đi rồi, mọi thứ hóa vô nghĩa. Đâu rồi những buổi chợ tảo tần buôn bán cùng nhau? Đâu rồi những bữa cơm đạm bạc con cá xẻ đôi, chị em mình cùng sẻ cùng chia? Đâu rồi những buổi tối mưa dầm, em đón chị về trong vòng tay ấm áp? Đâu rồi những ngày hạnh phúc bên nhau, khó khăn nhưng ngập tràn tình yêu và hạnh phúc? Đâu rồi, em tôi!?
1 năm sau
Vậy là mình xa nhau 1 năm rồi đấy. Nhanh không em? Nơi em yên nghỉ, cỏ đã xanh mướt một màu. Vậy mà, chị vẫn chưa hết đau. Em ạ!
Từng ngày lại từng ngày trôi. Hết buổi chợ, chị lại về căn phòng. Vì nơi này có hình bóng em đang mỏi mòn chờ chị quay về, phải không em? Chị giữ đúng lời hứa với em rồi đấy. Không quay về với cái nghề nhơ nhuốc ấy nữa. Em vui không? Chị nhớ em! Như ngày nào em còn ở nơi đây.
Tuy bây giờ cuộc sống khá chật vật khó khăn, nhưng chị mãn nguyện vì đã tròn lời hứa với em.
À, bé Tigon biết ngồi rồi đấy. Ngoan lắm. Biết nghe lời má lắm em à. Theo chị ra chợ bán, mà chẳng nhõng nhẽo. Ăn rồi lại ngủ vùi cho đến khi tan buổi chợ. Bé nó là con của 2 mình, đúng không em? Ngày nhận bé từ tay người mẹ, cũng là tròn 100 ngày của em. Không hiểu sao lúc đó chị lại nhận nuôi bé, khi nuôi chính bản thân mình còn chưa xong. Nhìn thấy Tigon, chị lại thấy bé giống em lắm. Lại bị mẹ ruột ruồng bỏ... em có thấy không, bé rất giống em. Chị mong có em, mình cùng nhau chăm sóc con của 2 ta. Nhưng..... chị nhớ em lắm!
Chị sẽ cố gắng nuôi Tigon thành người. Em yên tâm đi nha, chị không cô đơn. Vì chị biết, em luôn dõi theo chị mà, đúng không!? Chị chưa từng cảm nhận rằng mình xa nhau. Chị yêu em! Vẫn yêu em như ngày nào.
- Tigon, lạy má 2 đi con.
Bé xinh không em? Phải xinh thôi, giống em mà. Em đã được tròn nụ cười chưa, em yêu của chị....?