11.
Thuận thực tập đến hăm ba ông Công ông Táo thì được nghỉ, cô lễ mễ thu dọn đồ đạc về nhà, trưởng khoa thực tập của Thuận vỗ vai Thuận :
- Chúc cô gái ăn tết vui vẻ! Thể hiện khá lắm!
Thuận mỉm cười trước lời khen chân thành. Tết này Thuận đã bước sang tuổi hăm hai, bà nội rồi tới bố mẹ đều bảo như thế là Thuận lớn lắm rồi nhưng Thuận vẫn còn thích Tết lắm, vẫn nao nao như ngày xưa hơn nữa xuân càng ngày càng trở nên có ý nghĩa khi bên Thuận có Đan. Nghĩ đến Đan, Thuận lại trở nên đăm chiêu, sau những ngày mặn nồng, tuy rằng còn ngắn ngủi nhưng Thuận bắt đầu nghĩ nhiều đến tương lai. Thuận cảm thấy cho dù cô có cố lạc quan đến mấy thì cũng không thể phủ nhận sự rối rắm trong suy nghĩ của mình. Thuận yêu Đan và cho dù ai có chê cười, có dè bỉu đi chăng nữa thì Thuận vẫn rõ ràng rằng bản thân mình rất muốn sống cùng người mình yêu. Xét ở góc độ bản năng mà nói đó là điều ai cũng sẽ muốn nhưng với tình yêu của Thuận và Đan chỉ sợ rằng trước mắt chỉ là một tương lai mờ tối. Nhiều đêm, Thuận cũng mơ hồ, cũng trăn trở không hiểu nổi chính mình, Thuận ngơ ngác, chơi vơi với những lo lắng, Thuận lo cho Đan, lo cho tương lai của chính họ và nếu Thuận không có một giải pháp ổn thỏa cuối cùng thì Đan của Thuận chắc chắn sẽ thuộc về kẻ khác. Nghĩ đến đó Thuận đã thấy nẫu cả gan ruột, Đan cứ tưởng Thuận là cái loại vô lo vô nghĩ nhưng Đan có ở trong đầu Thuận đâu mà biết Thuận nghĩ gì. Thuận thở dài, cảm thấy tâm tư vui vẻ của mình càng ngày càng vơi dần. Dù sao thì, Tết cũng sắp đến rồi, tạm gác lại mấy cái chuyện đau đầu này để đón xuân đã, sang năm, cũng chưa muộn để định hình những kế hoạch.
Nhà Thuận và Đan cúng ông Công, ông Táo không to lắm, thực ra thì cũng chẳng có điều kiện mà cúng to lắm nhưng dứt khoát phải có ba ông bà cá vàng, nếu không lấy đâu cho các cụ cưỡi về chầu Trời! Cúng xong lại lễ mễ mang ra hồ thả, nhưng Thuận láu cá, lấy cớ thả sông thì các cụ đi nhanh hơn vì thế có cơ hôi chở Đan ra mãi tận mép sông, nơi bến thuyền ông cháu cô bé vạn chài hay đỗ để thả cá. Trời về chiều, ảm đạm và buồn tẻ, ánh sáng cuối ngày đang nhạt dần đằng chân trời, ngoài bãi, khói lam chiều của những hộ du mục nổi lên, người thả cá ngoài sông không nhiều, thảng mới có vài người. Đan đem con cá cuối cùng bỏ xuống mép sông, xong cũng không muốn về, có gì đó lâng lâng níu giữ chân Đan lại, Đan túm tay Thuận "vòi vĩnh" :
- Mình ở lại một lát, được không?
Thuận nheo mắt cười, bấy lâu nay ý Đan luôn là thánh chỉ, Thuận dắt Đan đến chân đê, nơi có vạt cỏ bằng phảng, lại sạch sẽ, Thuận đem xe đạp dựng tựa vào gốc cây rồi kéo Đan ngồi xuống bên cạnh. Đan tựa đầu lên vai Thuận, tay phải nghịch cái cúc áo Thuận, cô nói nhỏ :
- Tay Kha thế mà gớm!
Thuận nhướn mi :
- Gã lại đến tìm cậu?
Đan cười khẩy :
- Gã tìm bố mẹ mình và gã đặt vấn đề thẳng tưng luôn, lần này không úp mở nữa.
Thuận nghiến răng, chắc chắn gã sẽ giở trò, Thuận hỏi :
- Lần này hắn hứa hẹn điều gì?