HẠNH PHÚC LÀ...

82 1 0
                                    

Chuyện kể rằng:

Ngày xa xưa, đã xưa và xưa lắm, khi loài quỉ còn chung sống với con người. Con người sống ở đất bằng, loài quỉ sống ở núi cao. Tuy không đụng chạm đến nhau, nhưng cả dòng tộc quỉ đều căm ghét con người vì loài người luôn sống trong hạnh phúc. Ngày đó, loài người sống trong sự ấm áp, chan hòa tình cảm, hạnh phúc hiện hữu nơi nơi trên miền đất bằng ấy. Cho đến một ngày, cả tộc quỉ họp lại và tìm cách đánh cắp hạnh phúc của con người. Nhiều và thật nhiều ý kíến được đưa ra. Có con cất giọng the thé nói:

- Hay dấu nó trên đỉnh núi cao nhất trần đời?

- Không. Loài người có sức mạnh bền bĩ, họ sẽ leo lên tận đỉnh núi cao nhất mà mang về.

- Hay dấu nó xuống đáy biển sâu nhất trần gian?

- Không. Loài người rất thông minh, họ sẽ tìm được cách lặn xuống tận đáy mà mang nó lên. Không được không được.

Chúng nhốn nháo, xôn xao tìm mãi mà không ra phương cách. Lúc đó, một con quỉ sống lâu năm mới chậm rãi cất tiếng:

- Hãy dấu hạnh phúc vào trong tận cùng trái tim con người. Họ sẽ không bao giờ tìm thấy nó được nữa.

Cả tộc quỉ reo hò vui mừng rồi làm theo kế sách ấy. Kể từ đó, con người cứ loay hoay mãi trên con đường kiếm tìm hạnh phúc, mà không nhận ra rằng hạnh phúc đang hiện hữu trong chính trái tim bé nhỏ của mình.


Góc tĩnh lặng. Ráng chiều chầm chậm buông. Tôi trầm ngâm bên ly cà phê, bất chợt nhớ lại câu truyện trên. Một câu truyện nho nhỏ tình cờ được đọc đâu đó, cũng đã khá lâu nên chẳng còn nhớ rõ. Và tôi tự đặt cho mình một câu hỏi: "Hạnh phúc là gì!?"

Lơ đãng khuấy vài viên đá còn sót lại trong ly, tôi chỉ kịp hình dung trong đầu câu trả lời hết sức đơn giản: "Hạnh phúc là một khái niệm rất trừu tượng, nó tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng con người" - tôi bật cười, thật là huề vốn, đúng là suy nghĩ của những kẻ rảnh rỗi với cái đầu luôn treo ngược cành cây.

Tiếng kéo ghế của bàn bên cạnh giật tôi về hiện tại. Đưa mắt nhìn qua chiếc bàn gần bức tường nơi có những dây trường xuân xanh mướt đang điệu đàng tô điểm sắc xanh, tôi hơi ngờ ngợ, người vừa ngồi xuống sao có nét thật quen quá. Phân vân, đắn đo, tận hơn nữa tiếng sau tôi mới thu hết can đảm đi đến bên người ấy để hỏi thăm.

- Thưa, xin phiền chị đôi chút.

- Vâng, cô cần gì? - người phụ nữ ngước lên nhìn tôi.

- Thưa, chị có phải... có phải... là chị Nhiên không ạ!? Nếu không phải cho tôi xin lỗi, tôi nhận nhầm người.

- Vâng, tôi, Nhiên đây. Chẳng hay cô là...?

- Chị Nhiên, em, em đây, Trà đây chị. Chị còn nhớ em không? - tôi nói gấp gáp, gần như hụt hơi.

Người phụ nữ nhíu mày, rồi trong phút chốc đứng dậy ôm chầm lấy tôi, giọng nói vỡ òa:

- Trà đây sao? Ôi, chị nhận không ra. Em... em...

- Em già rồi phải không chị?

- Ngồi, ngồi xuống đây với chị. Thật... thật hay quá. Thật vui quá! Không ngờ hơn hai mươi năm xa cách, chị em mình lại gặp nhau ở nơi này. Ngồi xuống với chị!

Nhận ra người chị ngày nào, bao nhiêu cảm xúc trong tim tôi vỡ òa. Người chị của tôi, chị Lý An Nhiên. Hai mươi năm, không, hai mươi năm hơn rồi còn đâu. Hai mươi năm hơn mà có những khi người thân trong gia đình kiếm tìm trong vô vọng, hình ảnh chị vẫn bóng chim tăm cá. Trái đất tròn, phải, rất tròn. Để giờ đây giữa hàng trăm góc tĩnh lặng nơi phố phường tấp nập, chị em lại vô tình ngồi cạnh bên nhau.

Chị Nhiên nắm tay tôi, giọng rưng rưng:

- Trà, em lớn quá. Chị... chị... chị ngỡ ngàng quá em ơi!

- Chị Nhiên! Chị đi đâu biền biệt mấy chục năm nay. - tôi xiết tay chị, hai chị em nhìn nhau, mắt rơm rớm lệ. Không có gì có thể diễn tả được niềm vui sum họp, nỗi vui mừng sánh ngang trời ngang biển.

- Em thế nào rồi? Gia đình thế nào, ra sao?

- Dạ, em lập gia đình, có được hai cháu. Chúng đều vào đại học hết rồi chị ạ! Hàng bốn rồi, về chiều rồi chứ còn trẻ trung gì nữa, phải không chị? Còn chị, chị đi đâu miết hai mươi mấy năm. Chúng em tưởng không bao giờ gặp lại chị thêm lần nào nữa.

- Ừ, chị em mình về chiều rồi còn đâu. Chị cũng qua phân nữa con dốc bên kia đời người rồi, chứ... - chị thở dài, mắt nhìn xa xăm.

- Lần này gặp chị, em không để chị đi đâu nữa. Về sum họp với tụi em nha chị. Mấy anh gặp chị sẽ mừng lắm.

- Chị về lại đây cũng mong tìm được tung tích người thân. Gặp em thật may quá. Trời Phật thật... thật là còn thương chị.

Tôi và chị ngồi hàn huyên tâm sự hàng giờ liền, trút hết nỗi niềm thương nhớ. Không ngờ, tôi chưa bao giờ ngờ được có một ngày, tôi sẽ ngồi kề bên chị, khi mái tóc của hai chị em đã ngã màu sương gió, và lắng nghe chị tâm sự nỗi niềm dồn nén suốt hàng chục năm qua. Ngày chị đi, tôi còn quá trẻ để kịp hiểu ra sự tình. Người trong gia đình ai cũng dấu kín, tôi cố gắng dò hỏi, nhưng đáp lại chỉ là cái lắc đầu khó chịu. Lúc những người lớn còn sống, mỗi khi nhắc đến chị, ai cũng bực dọc ra mặt. Chỉ có anh chị em sàng sàng trang lứa thì nhớ thương chị khôn nguôi. Lúc nào có điều kiện đều đăng báo, đăng tin trên vô tuyến, lân la dò hỏi người quen mong tìm lại người chị cả của đàn em ngày nào.

- Thời gian nhanh thật, Trà nhỉ? Chỉ chớp mắt thôi mà mấy chục năm thoảng như cơn gió.

- Dạ, và cuộc đời cũng không thể nào biết trước chữ "ngờ", phải không chị? Thời gian đằng đẳng, bỏ bao công sức kiếm tìm, thế mà giờ đã ngồi ngay trước mắt trong tình huống không thể nào tưởng tượng ra được. Chị Nhiên, mình gặp lại nhau, em cũng không còn là bé Trà ngày nào, chị nói em nghe lý do ngày xưa chị bỏ tụi em mà đi, được không chị?

- Bé Trà thì vẫn là bé Trà thôi. Nhưng giờ sắp có cháu ẵm bồng thì đành kêu là Trà vậy. - chị cười, thật hiền.

- Chị cũng sắp có cháu đấy thôi. Cháu của em cũng như cháu của chị, có khác chi đâu. Em dò hỏi lý do ngày ấy, mà tới tận bây giờ vẫn không rõ căn nguyên.

- Chị... thôi thì... mình đã sống qua hai thế hệ rồi còn đâu. Chị sẽ nói em nghe. Em và chị, ai cũng đi qua nhiều gian truân, thế đến giờ này em đã biết hạnh phúc là gì chưa?

- Dạ, sao thật trùng hợp, em vừa nghĩ đến điều đó khi nãy. Hạnh phúc với em giờ đây là mái ấm, là nhìn hai đứa con thành đạt rồi dựng vợ gã chồng, chúng nó yên bề gia thất là niềm hạnh phúc lớn lao nhất cả đời em rồi chị ạ!

- Ừ, chị hiểu. Trà này, chị không nhớ rõ đã đọc trong quyển sách nào câu nói của Mác-Lênin: "Hạnh phúc là đấu tranh". Trà có hiểu điều đó?

- "Hạnh phúc là đấu tranh"? Đấu tranh về việc gì vậy chị?

- Con người sinh ra, không ai muốn mình rơi vào hoàn cảnh nghèo hèn, không ai muốn mình phải sống trong cảnh thấp kém, không ai muốn mình sống trong cảnh nghiệt ngã, có phải không Trà? Từ cái hoàn cảnh khốn khó đó, ai phấn đấu vươn lên, thì người đó sẽ đạt được hạnh phúc.

- Em không rõ lắm ý chị nói.

- Trong sâu thẳm con người chúng ta, ai cũng có ý chí tranh đấu cả em ạ. Nhưng quan trọng là mình có biết khơi nguồn, biết lắng nghe lời dẫn dắt từ nó hay không. Mình có thể chọn lối sống an phận, chấp nhận điều định mệnh đã an bài dù không phải là đường sống tốt. Mình có thể chọn cúi đầu mà sống, sống lay lắt tạm bợ qua ngày chờ đến lúc xuôi tay nhắm mắt. Hay là ngẩng cao đầu để đi tới, để đấu tranh mà chạm tới cái hạnh phúc mình mong muốn có trong tầm tay.

- Vâng, em hiểu. Vậy nó có liên quan gì đến việc chị bỏ nhà đi?

- Em còn nhớ rõ tên họ chị không? Lý An Nhiên, tên rất đẹp, nhưng đời chị nào được an nhiên như chị hằng mong muốn. Ngày chị đi, em mới hai mươi, Trà nhỉ? Tuổi hai mươi hồn nhiên lắm, nên không ai muốn em biết đến nỗi đau của gia đình, là chị. Năm chị bỏ nhà đi, chị cũng xấp xỉ ba mươi. Chị đi như cách đấu tranh tìm hạnh phúc thật sự cho bản thân mình.

- Em cũng không rõ. Lúc đó em vô tư quá, không để ý đến biến cố hay khó khăn của gia đình.

- Ngày đó nhà chị khá giả, em nhớ không? Nhà cao cửa rộng vì bố chị cũng có ít chức quyền.

- Dạ, em nhớ mà. Ngày đó chú cũng vai vế lắm, chị nhỉ?

- Ừ. Nhà giàu thời đó hay thuê người về dạy cho con cho cháu học đàn những nhạc cụ Tây Phương. Lúc chị vừa lấy chồng, thì thằng Út mới mười mấy tuổi chứ nhiêu, bố chị có thuê cô giáo dạy đàn vĩ cầm cho bé Út. Chị rất thích âm nhạc, nên mỗi khi cô đến dạy, chị đều vào phòng ngồi lắng nghe. Cô giáo đó đi du học về, nên nhìn nét học thức và Tây lắm. Mới đầu, chị chỉ ngồi nghe cô đàn, nhưng dần dà, chị nhận ra nó không đơn giản như thế. Chị không còn hứng thú nhiều vào âm nhạc nữa, không hiểu sao, chị cảm thấy vui lắm khi nhìn cô ta. Chị cứ nghĩ nét thân thiện của cô ấy cuốn hút, nhưng chị đã lầm. Có những đêm nằm bên cạnh chồng, ân ái cùng anh, mà trong trí óc chị hiện ra mồn một hình ảnh người con gái đó. Nghe đến đây, chắc em đã hiểu.

- Em... em hiểu - tôi ngỡ ngàng. Cách kể chuyện vắn tắt của chị, tôi không dám hỏi nhiều thêm.

Dù sao chúng tôi sinh ra và lớn lên ở thế hệ trước, cái thế hệ bị ràng buộc quá nhiều bởi lễ giáo gia phong, bởi sự giáo dục nghiêm khắc ngay từ khi còn thơ bé. Nên có đôi điều, tuy đã lớn, đã từng trải, đã già dặn đi, nhưng vẫn không hề dám nói rạch ròi trắng đen. Lối dạy dỗ đó đã hình thành trong tư tưởng những người ở thế hệ chúng tôi một sợi dây xích to và vững chắc, ràng buộc rất nhiều điều trong cuộc sống. Cũng như tạo nên trước mắt bức tường vô hình cao thăm thẳm, mà có khi cả một đời người cũng không cách nào vượt qua, nếu ý nghĩ đó không thuận theo giáo điều đã thấm nhuần trong trí óc.

- Chị nào dám nói với ai. Nhưng chị tin em có con rồi chắc chắn sẽ hiểu, chỉ cần con mình lo âu sầu muộn, người mẹ nào mà không nhận ra. Trà nè! Cái thời của chị em mình, trước giải phóng nữa, việc đó là điều cực kì tội lỗi, ai mà chấp nhận được, phải không Trà?

- Dạ đúng!

- Ừ. Chị biết, chị định nghĩa rõ ràng cảm giác ngày một lớn dần trong lòng chị. Song song đó, là sự dằn vặt, uất nghẹn không lúc nào nguôi. Kể từ khi chị nhận ra rõ nó là tình yêu, chị sống với anh với cái "Nghĩa", chứ không còn là "Tình" như ngày mới lấy nhau. Mà tình yêu thật lạ lắm, mình càng chôn sâu dấu kín, thì nó càng nảy nở sinh sôi. Ngày qua ngày, nó lớn dần, lớn dần, đến mức chị không còn tâm trí nghĩ đến việc khác, cứ thẩn thờ ngồi mong giờ cô giáo đến. Em có hiểu không Trà? Với chị khi ấy, tình cảm đó là sai trái, càng sai trái hơn khi chị đặt tình yêu cho một người khác ngoài người đàn ông chị gọi là "chồng". Nó sai trái thật đấy, tuy nhiên, tình yêu thì có bao giờ có lý lẽ riêng của nó. Ăn thua là ở mình có bộc lộ nó ra, hay dấu kín tận trong tận đáy lòng. Cay đắng lắm em ạ! Con người chị, đầu óc chị không lúc nào thảnh thơi. Nó chia làm hai bên và tranh đấu, chống lại nhau. Yêu mà không được bộc lộ, yêu mà không dám đến gần, rồi... nội tâm dằn xé khi "đồng sàng dị mộng", rồi... tư tưởng vật vã khi mình đang đi ngược lại qui luật tự nhiên, rồi... ray rứt, bất lực trước tư tưởng Nho Giáo. Ôi... chị cũng không hiểu làm sao chị có thể sống qua tháng ngày đó. Tháng ngày sống không ra sống, chết không ra chết, người ở đây mà hồn phách đang lạc mất nơi nào. Mẹ chị biết khi nhìn chị ngày càng ủ rũ, xanh xao, thêm một ngày lại thêm chút héo mòn. Hình như anh cũng biết, nhưng không nói vì nào có bằng cớ gì nói chị phản bội gia đình. Chị mấy khi bước chân ra đường, cần gì đã có người mang đến tận nơi thì sao mà gặp người đàn ông khác để nảy sinh tình cảm, ngoài anh. Rồi mẹ kêu chị ra hỏi, chị uất ức lắm mà không biết phải nói sao. Không nói thì nỗi niềm cứ đè nặng, hút hết sức sống của bản thân. Mà nói ra chắc gì đã được chấp nhận. Mẹ càng hỏi, nước mắt chị càng lả tả tuôn rơi.

- Và...? - ráng chiều tắt hẳn, quanh tôi và chị chỉ còn ánh sáng nhàn nhạt từ ánh đèn vàng treo nơi góc cột càng tăng thêm sự buồn bã trong tiếng kể đều đều của chị.

- Hỏi hoài không được, mẹ nắm tay chị bảo rằng: "Tu ngàn kiếp mới nên máu mủ ruột rà. Nhìn con héo hon, ruột gan mẹ đây rối như tơ vò, đau hơn muối xát kim châm. Con đã lớn, đã thành gia lập thất, đâu còn là đứa bé mẹ ẵm bồng xưa kia. Con còn nhỏ mẹ lo một, con lớn mẹ lo đến mười đến trăm. Phải ngày nào bé bỏng được mẹ bồng trên tay, con đi mà vấp ngã mẹ còn đỡ còn nâng, còn xoa dịu dỗ dành. Nay con lớn, đã làm dâu thiên hạ, con có vấp ngã lòng mẹ xót xa trăm bề mà không cách nào bế con lên như xưa kia nữa. Con không nói mẹ không nỡ ép. Mẹ luôn bên con, con gái của mẹ. Khi nào trơ trọi, bơ vơ thì quay về vòng tay của mẹ, nha con!".
Chị quì xuống ôm mẹ, nước mắt chan hòa, cổ họng nghẹn cứng không thốt nên lời. Lâu sau, chị lắp bắp thưa: "Con có lỗi với mẹ, với ơn dưỡng dục sanh thành. Con có lỗi cả với chồng con. Con thật không biết thưa chuyện sao cho mẹ hiểu. Chỉ mong được tựa đầu trong lòng mẹ như lúc này để tìm chút thanh thản trong tim".
Kể từ lúc đó, mẹ không hỏi han gì thêm. Nghiệt ngã thay, người con gái đó cũng nảy sinh tình cảm với chị. Trong giờ phút ít ỏi được nhìn vào mắt nhau, cả hai lúng túng quay đi rồi đêm về thao thức với nỗi niềm không cách nào bày tỏ. Chị đọc được trong mắt cô ấy tình yêu vô tận, chị nghe được trong tiếng đàn cô ta hàng trăm, hàng vạn lời muốn gởi đến riêng chị mà thôi. Nhi - tên của cô giáo, dạy được đâu chừng một năm, bé Út nó rành rẽ thì ngưng. Em biết không Trà!? - Một năm dằn vặt, một năm đau đớn, một năm uất nghẹn nhưng là một năm hạnh phúc nhất trong đời chị. Vì ít ra hàng tuần, chị có được từng giây phút quí báu đắm mình trong tiếng vĩ cầm, được từng khắc hiếm hoi nhìn thật sâu vào đôi mắt, đôi mắt có ánh nhìn định mệnh theo chị đến hết cuộc đời.

- Người ấy có lần nào nói cho chị biết về tình cảm của người ta không?

- Không. Ngày cuối cùng Nhi đến nhà, chị ở miết trong phòng không ra. Chị sợ, sợ lắm phút cuối cùng để chia ly, từ biệt. Tiếng đàn của Nhi hôm đó, chị cảm nhận được nỗi run rẩy, đè nén, buồn bã... chị nghe hết đó chứ, thấy hết đó chứ mà không hiểu sao chị nhất quyết không bước ra. Lúc Nhi cố tình nói cao giọng, cất tiếng chào rồi tiếng khép cửa bước đi, nước mắt chị cứ rơi ướt đẫm bên gối. Sau hôm đó, chị bệnh nằm liệt giường cả tháng, thuốc thang thế nào cũng không thuyên giảm. Lành bệnh rồi nhìn vào kiếng, chị không nhận ra chính mình nữa, em tin không? Thời gian đó, chồng của chị lờ mờ nhận ra, chị chắc chắn anh nhận ra. Vợ chồng không còn chung giường, dứt hẳn chuyện gối chăn. Anh đi sớm về khuya, say triền miên, không đêm nào mà không đến các vũ trường tìm quên. Chị đau lắm, cái đau đớn ngày trước càng nhân lên bội phần khi không còn được nhìn thấy người mình yêu. Được nhìn thấy Nhi là niềm vui sống, là niềm an ủi hiếm hoi chị có được mà gượng gạo cho qua ngày đoạn tháng. Chị tự hỏi kiếp trước mình đã làm gì, đã sai điều chi mà ông Trời hành hạ chị đến mức này.

- Rồi chị Nhi có giữ liên lạc với chị không? - năm tháng vùn vụt trôi, tước đi rất nhiều thứ của con người, nhưng kí ức luôn là bất tử. Tôi nghe trong giọng nói chị còn nỗi nghẹn ngào, day dứt.

- Có. Thỉnh thoảng Nhi gởi bưu thiếp, ghi vài dòng hỏi thăm. Nhưng chị nghĩ Nhi cố tình thông báo cho chị biết hiện tại Nhi đang ở nơi nào. Mỗi lần nhận được thơ, chị vui đến mất ngủ cả tuần. Trên bưu thiếp chỉ vỏn vẹn vài dòng nhắn gửi mà chị đọc đi đọc lại cả ngàn lần không chán. Đọc xong rồi thì thắc thỏm chờ mong, cả lo sợ nữa chứ. Em thấy có tức cười không?

- Chị lo sợ việc chi?

- Sợ người ta không gởi thư nữa cho chị, chứ gì đây hả bé Trà?

- Chị này, sắp lên chức bà đến nơi mà bé bỏng gì? - tôi bật cười, lâu lắm rồi không ai gọi tôi trìu mến như thế.

- Vì mẹ, chị phải tự vực mình dậy. Chị tìm cho mình chỗ dựa tinh thần qua việc tụng kinh niệm Phật. Tuy không ăn chay, nhưng mỗi ngày hai lần, chị quì dưới chân Phật Tổ mà niệm kinh. Phật Pháp nhiệm màu lắm, Trà tin không?

- Tin chứ chị. Sao không tin được?

- Chuyên tâm tụng niệm, chị tìm lại được chút thanh thản trong tâm hồn. Ngày đó, chị sống hờ hững lắm. Anh có bồ, có con rơi chị chẳng mảy may đau buồn. Lấy niềm vui từ kinh kệ, lấy niềm an ủi từ những phong thư, lấy chữ Hiếu làm động lực đứng dậy sống qua ngày. Ngày qua ngày, tháng đoạn tháng... nhớ đến thấy mình cũng hay, sống cuộc đời như lục bình, lững lờ chầm chậm trôi, tới đâu thì tới. Mỗi đêm trước khi ngủ, chị đều mường tượng thật rõ những ngón tay thon thon của Nhi khi lướt trên cần đàn, nhớ thật nhiều tia nhìn ấm áp đầy yêu thương Nhi len lén gởi trao.

- Tình yêu quả thật... kì lạ. Nó bất tử mãi trong lòng dù hai người không bên nhau, chị nhỉ?

- Đúng. Với điều kiện đó phải là tình yêu chân thật, em à!

- Còn lý do chị bỏ nhà đi?

- Hai năm sau, bố mất. Xong việc hậu sự, bỗng dưng mẹ chị thay đổi hẳn tính tình. Bà trở nên trầm lặng hơn. Bà cất hết vàng vòng, kim cương, quần áo nhung lụa cũng không mặc mà mang guốc mộc, mặc áo bà ba nâu sồng. Chị nghĩ vì vợ chồng mấy chục năm tình sâu nghĩa nặng, với lại mẹ đã lớn tuổi nên việc đó cũng không có gì ngạc nhiên. Chừng đâu cũng một năm sau, buổi chiều bà gọi chị đến bên giường, hai mẹ con thủ thỉ tâm tình. Mẹ tâm sự cho chị nghe, nhiều lắm. Nghe rồi chị mới hiểu tại sao thời gian qua mẹ chọn cách sống giản dị.

- Em nhớ lúc đó cô sang trọng, quí phái dữ lắm. Ra đường mà không sửa soạn, thế nào cũng bị chú la.

- Đó. Lý do ở đó. Vì chìu chồng mà mẹ chị phải sửa soạn quần này áo nọ suốt mấy chục năm, trái ngược hẳn với tính tình của bà. Bà vốn nào phải con nhà quyền quí, bản tánh giản dị từ nhỏ, chỉ khi gã vào nhà bố chị thì mới vậy. Bên nội của chị giàu có từ thưở xưa nên trọng vẻ ngoài, thêm phần bố có chức có quyền nên mẹ phải sửa soạn sao cho chồng mở mày mở mặt khi ra đường giao tiếp. Nên khi bố vừa mất, mẹ quay về cung cách xưa kia, đúng với bản tánh của bà.
Chị nhớ hoài lời mẹ nói: "Sống ở đời, bề ngoài không quan trọng. Lụa là, gấm vóc, tiền bạc xa hoa chỉ là vật ngoài thân, quan trọng là khi sống mình có thanh thản với chính lương tâm của mình hay không. Một khi nhắm mắt xuôi tay, vật chất nào có theo về bên kia thế giới. Con hãy sống làm sao để khi con sinh ra mọi người đều cười, rồi khi con ra đi mọi người phải khóc. Mẹ lấy bố mày, theo ổng đến ngày ổng bỏ mẹ đi về với ông bà, mẹ luôn làm cho ổng vui chứ bản tánh mẹ nào có thế. Khoác lên người bộ đồ mắc tiền, đeo lên cổ sợi dây chuyền mấy lượng vàng chứ mẹ có ham gì đâu. Không đeo thì bố mày buồn, đeo vào rồi mẹ thấy ngứa ngáy không yên. Nhìn ngoài đường người ta nghèo khổ kiếm cơm từng bữa, mình ở đây theo đuổi thứ phù phiếm tô điểm bản thân, có vui chi không con? Bố mày đó, ham chức tước, trọng bề ngoài mà cư xử không có thật thà, mẹ không hài lòng chút nào. Sống là phải sống bằng cái tâm, đối xử với người khác phải dùng tấm lòng mình mà cư xử, vậy mới đúng đạo làm người, con nhớ chưa?Con đối nhân xử thế ra sao mẹ không biết, nhưng tối con về, lên giường nhắm mắt ngủ mà không bị lương tâm dằn vặt, không phải lo âu sầu muộn thì con đã sống đúng, sống ngay sống thẳng. Cuộc đời lọc lừa làm con người phải mưu mô, xảo trá, phải khoác lên mình nhiều gương mặt giả dối. Nhưng con à, họ sống không thoải mái đâu con. Giờ này, khi sắp về với ông bà tổ tiên, mẹ rút ruột rút gan tâm tình cho con hiểu. Hạnh phúc nhất là được sống thật với chính mình, nhớ nha con!"

-.............. - tôi lặng người, từng lời chị nói ra như tiếng chuông cảnh tỉnh gõ vào tim. Hóa ra, tôi đã sống rất hạnh phúc suốt hơn nữa con dốc của đời người mà tôi nào hay biết.

- Ai ngờ đó là lần nói chuyện cuối cùng của hai mẹ con. Nữa tháng sau mẹ chị qua đời. Mẹ mất đi, chị mới hiểu rõ thế nào là sự mất mát, hụt hẫng, đớn đau nhất của cả đời người. Vật chất rồi sao, bạn bè rồi sao, danh lợi, vinh hoa phú quí rồi sao? Những thứ ngoài thân đó khi mất đi mình đều tìm lại được, không sớm thì muộn, phải không Trà? Nhưng khi mất đi người mẹ kính yêu rồi, chị thấy mọi thứ đều vô nghĩa. Chị không thể nào tìm lại được người mẹ chị hết lòng yêu thương. Ngày nào chị cũng quì bên bàn thờ mẹ, ngẫm từng câu, từng chữ tâm huyết mẹ dạy bảo ở ngày gần đất xa trời đó. Đám một trăm ngày của mẹ xong, chị như người ngủ mê chợt bừng tỉnh giấc. Câu nói của mẹ ngày nào vang vang trong óc: "Hạnh phúc nhất là được sống thật với chính mình, nhớ nha con!". Chị tự suy xét hết thảy mọi điều, chị đang có được gì ngoài một người chồng đã cạn tình cạn nghĩa, chị đang có được gì ngoài những ngày sống mòn mỏi trong lụa là gấm vóc mà không hề thấy được chút ánh sáng le lói của niềm vui trong cuộc sống, trong tương lai.

- Vậy là chị quyết định bỏ đi?

- Em đoán đúng. Chị quyết định ly dị. Mà... ngày đó gái bỏ chồng, em biết người ta nhìn vào nói gì rồi chứ? Họ hàng xung quanh đàm tiếu đủ điều, ông bác cả trong nhà đòi từ chị nếu chị không thay đổi ý định. Thật tình... đúng là người bừng tỉnh sau cơn mê, chị quyết tâm lắm. Nếu không quyết tâm, chắc chị không sống tới ngày hôm nay. Chị kí giấy để sẵn, rồi dọn đồ tính bỏ nhà đi. Chưa kịp đi thì bị anh bắt lại. Cái "sĩ" của đàn ông lớn hơn trời. Trước giờ có chồng bỏ vợ, chứ phận đàn bà thấp cổ bé họng ngày ấy đời nào dám bỏ chồng. Chị bị nhốt biệt trong phòng kín. Tới bữa có người đưa cơm nước rồi khóa cửa, chỉ được ra ngoài vào ngày làm thất của mẹ. Thiếu ánh sáng mặt trời lâu ngày đến nổi người chị xanh xao, nhìn đâu cũng thấy toàn gân xanh. Triền miên nữa năm trời, anh nói nặng có, nhẹ có, ngọt nhạt dỗ dành thế nào cũng có, nhưng chị đã quyết thì không thay đổi. Cuối cùng, ông ta nhờ bên gia đình chị can thiệp. Ông bác cả bắt chị quì, gọi là sám hối, trước bàn thờ bố mẹ hàng giờ liền. Nhang tàn cây này thay cây khác, có hai người chú đứng hai bên canh chừng. Gần như hai mươi bốn tiếng trong ngày, chị phải quì hết mười sáu tiếng, trừ tám tiếng được vào phòng ngủ. Hai đầu gối của chị sưng to, mất hết cảm giác. Sau đợt đó, đắp thuốc mấy tháng liền mới khỏi. Dọa dẫm, gia quy rồi gia pháp, đến tận lúc này trên lưng chị vẫn còn đầy vết sẹo khi bị roi da quất vào người. Đúng là chị lỳ thật, vết thương vừa lành, đợi giữa đêm khuya không ai để ý, chị lấy xâu chìa khóa đánh cắp từ trước, rồi vụt chạy trong đêm. Chạy bán sống bán chết, chạy không biết mệt mỏi, trong đầu chỉ sợ nếu ngưng lại người ta sẽ bắt nhốt chị vào cái phòng giam đó, rồi chị sẽ chết lần chết mòn trong nỗi nhớ thương, dằn vặt và nhàm chán. Chị bỏ hết giàu sang phú quí, bỏ hết kẻ hầu người hạ, bỏ cái căn nhà sang trọng tiện nghi nhưng thiếu hơi ấm, thiếu niềm vui sống, cứ thế mà chạy, cắm đầu chạy, hụt hơi chạy... nhờ chuẩn bị trước nên có nhét theo vài lượng vàng, nếu không chắc chết bờ chết bụi vì đói vì khát. Trà đoán thử coi chị đi đâu? - chị cười, nụ cười đôn hậu.

- Chị tìm chị Nhi?

- Ừ. Chị lần theo địa chỉ trên phong thư mới nhất, đi xuống Tiền Giang tìm Nhi. Đi mà trong lòng hồi hộp lắm, nhỡ đâu tìm không gặp thì quả thật lâm vào cảnh nguy khốn. Không sợ thiếu tiền thiếu bạc, nhưng sợ thành kẻ không nhà. Chị nói rồi đó, chị ly dị chồng là cả dòng họ từ mặt không nhận, thì sao mà dám bước về nhà.

- Nếu đoán không lầm, chị tìm gặp mà, đúng không?

- Gặp. Cũng khó khăn lắm. Lạ nước lạ cái, lúc tới đó Nhi chuyển nhà qua huyện khác. Chị lân la dò hỏi mấy tháng trời mới tìm được tới nơi. Chị nhớ hoài, bữa đó tìm tới trước nhà, đứng ngay hàng rào mà chân chị run muốn quị xuống, đứng không có nổi. Đợi người trong nhà bước ra mà chị bứt nát hết chùm lá bông bụp, nghĩ lại còn tức cười ghê. Nhi từ sau nhà đi lên, thấy chị, Nhi buông tay rớt luôn cái nồi xuống đất rồi há hốc miệng đứng nhìn. Tới mấy phút sau mới rưng rưng chạy đến ôm chị, hai đứa đứng lặng ôm nhau mà nước mắt chảy dài. Nhi vì chị mà bỏ hết mọi thứ ở Thành Phố về miền quê sống, mong tìm quên đi mối tình câm lặng của hai đứa.

- Chị định cư ở đó với chị Nhi luôn?

- Chứ sao nữa giờ, nhà đâu nữa mà về. Có đôi lần nhớ nhà, nhớ anh chị em quá chị đi ngược lên Sài Gòn, đến nơi thì núp sau mấy cái cây nhìn chút rồi đi. Chị giận chính mình lắm, lúc đi vội quá không mang theo hình bố mẹ để thờ phụng cho trọn đạo làm con.

- Rồi chị làm gì ở dưới quê mà sống?

- Thì trồng trọt, chăn nuôi rồi gánh ra chợ bán kiếm tiền sống qua ngày.

- Trời ơi! Em không tin được đâu. Chị tiểu thư con nhà giàu, từ nhỏ đến lớn tay chỉ cầm bút cầm kim, thế mà...

- Có gì mà không được hả Trà? Chị chấp nhận bỏ hết giàu sang để được sống, được yêu đúng với chính bản thân mình, thì không lẽ chút cực nhọc thân xác mà gánh không nổi sao?

- Nhưng...

- Nghèo mà đầm ấm là được rồi, em ạ! Hơn là giàu có, tiền bạc phủ phê mà không tình không nghĩa.

- Hai chị hạnh phúc?

- Hạnh phúc nên mới đi biền biệt mấy chục năm đó chứ. - chị Nhiên cười giòn.

- Hàng xóm xung quanh có biết không chị?

- Không. Nhìn chị với Nhi như hai chị em gái đùm bọc nhau mà sống. Ai nghi ngờ gì? Phiền ở chỗ là mấy ông trong xóm cứ ve vãn, hai đứa cứ thi nhau ghen miết.

- Vậy... đến tận giờ này, chị có hối hận gì không?

- Có. Chị hối hận đã không tròn phận làm con mà thờ cúng bố mẹ. Ngoài ra thì không!

- Chị nè, khi nãy gặp chị, em đang nghĩ lan man định nghĩa của Hạnh Phúc. Giờ nghe chị kể chuyện xong rồi, em muốn hỏi lại lần nữa, với chị cho đến hiện tại thì Hạnh Phúc là gì?

- Luôn là một câu trả lời duy nhất, em ạ! Có thể với người khác, nó sẽ khác. Còn với chị và Nhi, hạnh phúc to lớn nhất đời của hai chị chính là được sống thật với bản thân mình, Trà hiểu không?

- Vâng. Em hiểu!

Hai chị em nhìn nhau, lặng lẽ. Một người phụ nữ từ ngoài đi vào, đặt tay lên vai chị Nhiên, nhìn tôi mỉm cười.

- Đây là Nhi, người mà chị kể nãy giờ với em. Nhi, Trà, đứa em họ của Nhiên đó! Nãy giờ niềm vui làm tim Nhiên muốn vỡ nát ra đây, cuối cùng thì Nhiên cũng tìm lại được người thân rồi.

- Chào em! Chắc Nhiên nói hết rồi. Em không ngại gì chứ?

- Dạ không. Em mừng vì hai chị hạnh phúc. Chị và chị Nhiên về nhà với em được không?

- Mai chị chở Nhiên về với em. Giờ thì trễ rồi, chị và Nhiên về khách sạn, còn ít việc phải thu xếp.

- Hiện giờ hai chị làm gì?

- Chị và Nhiên có lò gốm, làm mặt hàng xuất khẩu đi nước ngoài. Lần này lên gặp khách kí hợp đồng, sẵn tiện cho Nhiên tìm lại tung tích người thân. Giờ gặp được em thì may quá! Nhiên cứ khắc khoải mãi về điều này.

- Vâng. Số điện thoại và địa chỉ của em. Em sẽ dọn dẹp nhà cửa thật sạch đẹp đón chị Nhiên về.

Tối, đường phố vàng vọt ánh đèn. Tôi lái xe chầm chậm qua các con đường quen thuộc, thấy lòng bỗng nhẹ như không. Ngẫm nghĩ... tôi đã và đang hạnh phúc hơn quá nhiều người đấy chứ!

Và, từ tận đáy lòng, tôi mong rằng những người chị như Nhiên - Nhi, những người chị sinh ra và lớn lên trong gia phong lễ giáo, sẽ ít nhất được một lần sống thật với chính mình, để tận hưởng niềm hạnh phúc nhỏ nhoi các chị luôn hằng mong ước.

Ko tiêu đềNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ