NT: Chuyện phong nguyệt ở huyện Vân Tùng 1

1.2K 30 3
                                    

Phía tây của Đại Lương quốc giáp với Tề Dự quốc, trong năm mươi năm thống trị của vương triều Hưng Hòa,  chiến tranh biên giới xảy ra liên miên. Đến tận tám năm trước, hoàng đế của Tề Dự quốc băng hà, các thế lực  chia năm xẻ bảy tranh đoạt hoàng quyền. Nội chiến không ngừng, cuộc sống của người dân khó khăn, quốc khố thiếu hụt, dân chúng khổ không kể xiết. Tề Dự quốc không còn khả năng điều quân, sáu quận ở phía tây bắc của Đại Lương cuối cùng cũng có thể thở phào một hơi.

Sáu quận ở phía tây bắc của Đại Lương gồm Thanh Châu, Bình Châu, Trác Châu, Ngu Châu, Bạc Châu cùng với Nghiêu Châu, nằm ở biên giới nên bị tàn binh và thổ phỉ của Tề Dự quốc quấy nhiễu nhiều năm. Vì sự thờ ơ của triều đình, lòng dân ngày càng phẫn uất, bất ổn. Cuối cùng triều đình dần mất quyền kiểm soát, sáu quận độc lập một cõi.

Năm năm trước, một thế lực thần bí không biết từ đâu tới, bắt đầu từ Thanh Châu, tiến thẳng về phía bắc, chỉ mất hai năm là có thể thu toàn bộ sáu quận Tây Bắc vào túi, tự lập ngôi vương.

Hoàng thất Đại Lương quốc vô cùng tức giận, nhiều lần phái quân đến bao vây trấn áp, nhưng đều bị tổn thất nặng nề, bất lực trở về.

Thân phận của Tây Bắc Vương khiến không ít người suy đoán. Có người nói hắn từng là công thần phụng sự vương triều Hưng Hòa, lại có người nói Khương quốc ở Tây Nam mới là ngư ông đắc lợi. Nhưng giả thuyết phổ biến nhất là một thế lực bên ngoài Tề Dự quốc nội ứng ngoại hợp cùng  phản thần của Đại Lương quốc, tự mình xưng vương.

Lời đồn truyền đi bốn phía, có ý kiến ​​khác nhau, nhưng dù người ta nói gì, từ khi được Tây Bắc Vương thống nhất,  sáu quận mới dần ổn định và phát triển.

Ai là người thống nhất sáu quận Tây Bắc, và làm thế nào mà chỉ trong vài năm đã quản lý vùng đất biên giới đâu vào đấy, hôm nay tạm thời chưa nhắc đến, mà sẽ chỉ nói về Thanh Châu, nơi thịnh vượng nhất trong sáu quận của Tây Bắc. Sau lần cải cách ấy, Thanh Châu có diện mạo hoàn toàn mới. Phố xá náo nhiệt và yên bình, các toà phủ đệ tinh xảo tráng lệ, dân phong thuần phác, bá tánh an cư lạc nghiệp.

Quận Thanh Châu có ba huyện thành, nổi tiếng nhất  là huyện Vân Tùng.

Huyện Vân Tùng được lấy tên theo núi Vân Tùng, núi Vân Tùng Sơn nổi tiếng là nhờ một ngôi miếu Quan Âm nằm trên núi. Không biết ngôi miếu này có từ triều đại nào, nhưng khói  hương luôn nghi ngút, năm nào cũng có rất nhiều thiện nam tín nữ lên núi cầu phúc, cầu nhân duyên, cầu con nối dõi, tất cả đều linh nghiệm. Sau mấy lần đại trùng tu, ngôi miếu đã nổi tiếng gần xa, thậm chí còn thu hút đông đảo người dân từ các quận khác ở phía bắc Thanh Châu đến chiêm ngưỡng.

Ba năm trước Cố Khinh Âm  mắc lỗi, bị biếm đến huyện Vân Tùng, đường đường là quan chính tam phẩm bị giáng xuống tận thất phẩm, chênh lệch lớn đến mức làm người khác thổn thức không thôi.

Những  quan viên có chút giao tình đều đến tiễn nàng, ít nhất cũng có mười bảy, mười tám người đợi nàng trên đoạn đường  từ kinh thành đến Thanh Châu.

"Cố đại nhân đi đường cẩn thận."

"Cố đại nhân, trước đây ta đã nói với ngươi rồi, mộc tú vu lâm, phong tất tồi chi, ngươi... ai da..."

NỮ QUAN VẬN SỰ (Quyển 3)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ