1-2

20K 312 13
                                    

THẦN THOẠI VỀ KHAI THIÊN LẬP ĐỊA

Trung Quốc có một lịch sử lâu dài, theo truyền thuyết thì từ thời Hoàng Đế đến nay,đã ngót 5000 năm. Trong gần 5000 năm đó, có rất nhiều câu chuyện có ý nghĩa, trong đó nhiều câu chuyện đã được ghi chép trong sử sách. Còn về thời viễn cổ-từ 5000 năm về trước, thì chưa có văn tự ghi chép, nhưng vẫn lưu truyền lại một số thần thoại và truyền thuyết. Thí dụ, để lý giải tổ tiên của người Trung Hoa là từ đâu tới thì xa xưa đã lưu truyền câu chuyện thần thoại về Bàn Cổ tạo nên trời đất. Theo thần thoại này, trước khi có trời đất, vũ trụ chỉ là một khối khí hỗn độn, trong đó không có ánh sáng và âm thanh. Lúc Bàn Cổ xuất hiện cùng một chiếc rìu bổ khối khí ra, khí nhẹ bay lên, thành ra trời, khí nặng chìm xuống thành đất. Sau mỗi ngày, trời cao thêm một trượng, đất dày thêm một trượng, bản thân Bàn Cổ mỗi ngày cũng cao thêm một trượng. Cứ như thế, suốt một vạn tám ngàn năm, trời cao mãi, đất dày mãi và Bàn Cổ thành một người khổng lồ đội trời đạp đất. Sau này, Bàn Cổ chết đi, các bộ phận trong thân thể ông liền biến thành mặt trời, mặt trăng, sao, núi sông và cây cỏ.

Đó là thần thoại về truyện khai thiên lập địa. Nhưng thần thoại là thần thoại, ngày nay không ai tin rằng đó là sự thực. Song người ta yêu thích câu chuyện đó, mỗi khi nhắc tới lịch sử là lại nói tư ngày Bàn Cổ khai thiên lập địa đến nay, đó là vì câu chuyện đã nói lên khí phách chinh phục tự nhiên và sức sáng tạo phong phú của nhân loại. Vậy thì lịch sử của nhân loại đúng ra là từ đâu? Sau này khoa học phát triển, người ta đã khai quật những hóa thạch trong lòng đất, chứng minh rằng tổ tiên của loài người là một loại vượn người nguyên thủy. Ở Trung Quốc đã khai quật hóa thạch của người vượn cách đây hơn 1 triệu năm, như người vượn Nguyên Mưu ở Vân Nam cách đây 1 triệu 70 vạn năm, người vượn Lam Điền ở Thiểm Tây có khoảng 80 vạn năm lịch sử. Còn người vượn Bắc Kinh nổi tiếng thì cũng cách đây bốn, năm mươi vạn năm. Người vượn Bắc Kinh sống tại vùng Chu Khẩu Điếm, lúc đó khí hậu miền bắc ấm áp và ẩm thấp hơn bây giờ, trên và dưới núi đều có rừng cây to, cỏ mọc rậm rạp, nhiều dã thú như hổ, báo, sói, gấu sinh sống. Ngoài ra có cả voi, tê giác và hươu nai. Sức lực của người vượn không bằng các loại mãnh thú nhưng họ khác mọi loại vật khác là biết chế tạo, sử dụng công cụ. Những công cụ thời đó còn rất giản đơn, làm bằng gỗ và đá, qua sự đẽo gọt thô sơ của người vượn. Người vượn sử dụng những công cụ để hái quả, đào rễ và củ, đồng thời làm vũ khí để chống thú dữ. Nhưng vì công cụ quá giản đơn, lại chỉ dựa vào sức cá nhân nên thức ăn kiếm được không nhiều, họ đành phải sống thành bầy đàn để cùng nhau lao động và cùng nhau chống lại thú dữ nên được gọi là bầy đàn nguyên thủy.

Qua mấy chục vạn năm đấu tranh gian khổ, người động vượn gần tiến hóa. Trong động Sơn Đỉnh ở Long Cốt Sơn thuộc vùng Chu Khẩu Điếm người ta đã phát hiện di tích của người nguyên thủy có hình dạng rất giống người hiện đại, loại người đó được gọi là"người động Sơn Đỉnh". Công cụ lao động của người động Sơn Đỉnh đã tiến bộ rất nhiều, họ không những làm ra được rìu đá, búa đá mà còn dùng xương thú mà thành kim khâu. Đừng nên coi thường những chiếc kim này, nhờ chúng người ta đãcó thể may da thú thành quần áo chứ không còn trần truồng như người vượn Bắc Kinh nữa. Người động Sơn Đỉnh cũng vẫn sống thành bầy đàn, nhưng bầy đàn của họđã được chia theo huyết thống, mọi thành viên trong tập đoàn đều có chung tổ tiên, tức là cùng thuộc một thị tộc. Như vậy xã hội loài người đã ở vào thời kì công xã thị tộc.

TRUYỀN THUYẾT VỀ DÙI CÂY LẤY LỬA

Về chuyện người nguyên thủy đã tiến hóa như thế nào từ bầy đàn nguyên thủy sang công xã thị tộc cũng có khá nhiều truyền thuyết. Truyền thuyết thường nói tới những nhân vật lớn, vừa là thủ lĩnh vừa là nhà phát minh, đó là hình dung của người thời cổ về đời sống của người nguyên thủy. Công cụ của người nguyên thủy thường rất giản đơn, xung quanh họ lại có rất nhiều thú dữ có thể gây nguy hiểm cho họ vào bất kì lúc nào, ở bất kì đâu. Sau, người ta quan sát thấy chim chóc làm tổ ở trên cành cao, dã thú không chạm lên được, liền bắt chước cũng làm tổ ở trên cành cao, việc đó trên thực tế là do nhiều người quan sát và mò mẫm làm ra. Nhưng truyền thuyết nói đó là do một người tên là Hữu Sào dạy mọi người làm. Người nguyên thủy còn chưa biết dùng lửa, mọi thứ đều ăn sống, dù là thực vật và thịt động vật săn bắt được cứ để nguyên cả máu me lông lá thế mà ăn, sau này họ mới biết dùng lửa. Trong di chỉ của người vượn Bắc Kinh ở vùng Chu Khẩu Điếm, đã phát hiện thấy dấu vết của lửa cho thấy thời đó, đã biết dùng lửa. Hiện tượng lửa cháy đã sớm có trong tự nhiên: núi lửa phun ra , có lửa; sét đánh buông xuống, cây cối có thể bắt cháy, có lửa...nhưng người nguyên thủy thấy lửa lại sợ hãi, chưa biết lợi dụng. Sau do ngẫu nhiên lượm được xác dã thú bị lửa thiêu chết, nếm thử thấy mùi thơm và vị ngon, qua nhiều lần thử thách, người ta dần dần học được cách dùng lửa để nướng chín thức ăn, và biết giữ lửa để dùng thường xuyên. Trải qua một thời gian khá dài, người ta dùng hai khúc gỗ cứng, ra sức cọ xát vào nhau làm bật ra lửa, hoặc dùng hai viên sỏi đánh mạnh vào nhau làm tóe ra lửa, như vậy là đã biết cách tạo ra lửa. Đó là phát minh của ai? Đương nhiên là của tập thể người lao động, nhưng truyền thuyết cũng qui ra một người là Toại Nhân. Việc tạo ra lửa là một phát minh lớn, từ đó người ta được ăn thức ăn chín và làm ra nhiều món ăn. Theo truyền thuyết, Toại Nhân còn dạy dân bắt cá, ba ba, trai ốc lúc sống có mùi vị tanh rất khó ăn, nhờ có lửa đã trở thành những món ăn ngon. 

Không biết trải qua thời gian bao lâu, người ta bắt đầu đan dây thành lưới và dùng lưới bắt cá, rồi lại chế tạo ra cung tên, như vậy việc săn bắn có hiệu quả hơn nhiều so với khi chỉ dùng gậy đánh và đá ném. Từ đó người ta không chỉ săn bắt được thú trên mặt đất mà còn bắn được chim bay trên trời, và bắt được cá sống dưới nước. Những chim, thú bắt được, số còn sống chưa ăn thì có thể giữ lại để ăn dần. Như vậy người ta dần học được cách chăn nuôi, những công việc đan lưới, săn bắt, chăn nuôi đều là kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm của nhiều người. Nhưng truyền thuyết lại nói là do Phục Hy hay Bào Hy phát minh ra. Thời kì săn bắt không biết kéo dài bao lâu, nhưng nền văn minh nhân loại càng ngày càng phát triển lên. Ban đầu người ta ngẫu nhiên đánh rơi hạt ngũ cốc xuống đất, đến năm sau thấy có cây lúa mọc lên và tới mùa thu thì thấy có nhiều bông và hạt. Từ sự gợi ý đó, người ta bắt đầu gieo trồng. Ban đầu người ta dùng gỗ chế ra nông cụ, cày bừa để trồng lúa, ngũ cốc; thu hoạch ngày càng nhiều. Công việc đó, truyền thuyết lại gán cho một người là Thần Nông. Thần Nông trong truyền thuyết còn là người nếm thử các loại cây quả và thảo mộc, không những ông tìm ra các loại thực phẩm mà còn tìm ra các loại cây cỏ làm thuốc, nhờ đó bắt đầu có nghề y. 

Những nhân vật lớn trong truyền thuyết từ Hữu Sào đến Thần Nông trên thực tế không tồn tại, nhưng những sự việc như làm tổ trên cây, dùi cây lấy lửa cho đến những việc đánh cá bắt thú, phát triển nông nghiệp...đã phản ánh việc phát triển sức sản xuất của người nguyên thủy rất hợp với lý lẽ. Năm 1952 ở thôn Bán Pha, thuộc Tây An, Thiểm Tây đã phát hiện thấy di chỉ một thôn xóm trước đây khoảng 6-7 ngàn năm. Những đồ vật khai quật được tại di chỉ đó giúp ta biết được rằng, ở thời kì đó người ta đã biết cách chăn nuôi và trồng trọt.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ