81-82

1K 6 0
                                    

LƯƠNG KÝ, VIÊN TƯỚNG CHUYÊN QUYỀN

Vương triều Đông Hán từ Hán Hòa Đế trở đi, các hoàng đế khi lên ngôi đều còn là trẻ con, vị hoàng đế nhỏ nhất là một em bé mới sinh ra được hơn 100 ngày. Hoàng đế nhỏ tuổi, theo lệ thì Thái hậu sẽ lâm triều chấp chính, Thái hậu lại trao quyền cho người trong họ mình. Như vậy xảy ra tình thế ngoại thích chuyên quyền. Có hoàng đế chết đi mà không có con, thái hậu và ngoại thích liền tìm chọn một chú bé trong hoàng tộc đưa lên làm hoàng đế để dễ bề khuynh đảo triều chính. Nhưng, tới khi hoàng đế lớn lên, bắt đầu hiểu biết, không chịu làm bù nhìn mãi, muốn thoát khỏi sự khống chế của ngoại thích, biết dựa vào ai? Chỉ còn một số hoạn quan hàng ngày phục vụ hoàng đế là gần gũi nhất. Kết quả là hoàng đế phải dựa vào lực lượng này để tiêu diệt thế lực ngoại thích. Và do đó, quyền lực của ngoại thích lại chuyển sang tay hoạn quan. Bất kỳ là ngoại thích hay hoạn quan, tất cả đều là đại biểu của thế lực thối nát nhất trong tầng lớp cường hào, địa chủ. Hai tập đoàn ngoại thích và hoạn quan tranh giành quyền lực với nhau, luân lưu nắm triều chính, khiến nền chính trị của Đông Hán ngày càng hủ bại.

Năm 125, vị hoàng đế thứ 7 triều Đông Hán là Hán Thuận Đế lên ngôi, ngoại thích họ Lương nắm quyền. Lương Thương và Lương Ký, cha và anh của thái hậu kế tiếp nhau làm đại tướng quân. Lương Ký là một con người hết sức kiêu ngạo và ngang ngược. Ông ta càn rỡ, công khai ức hiếp, tống tiền, hoàn toàn không đếm xỉa đến hoàng đế. Khi Hán Thuận Đế chết, chú bé 2 tuổi nối ngôi là Xung Đế được nửa năm sau cũng chết, Lương Ký chọn trong hoàng tộc một chú bé 8 tuổi lên thay, tức là Hán Chất Đế. Hán Chất Đế tuy nhỏ nhưng rất linh lợi, không ưa sự ngang ngược của Lương Ký. Có lần, trước mặt tất cả bá quan văn võ trong triều, Hán Chất Đế chỉ mặt Lương Ký nói: "Ngươi đúng là một tướng quân ngang ngược". Lương Ký rất căm, nhưng không tiện nổi nóng lúc đó. Ông ta nghĩ: thằng bé này mới chừng ấy tuổi mà đã ghê gớm thế, lớn lên sẽ khó mà bắt nạt được. Rồi ngầm sai người trộn thuốc độc vào bánh, dâng lên hoàng đế.

Hán Chất Đế ăn bánh xong, cảm thấy trong bụng khó chịu, liền sai nội thị gọi thái úy Lý Cố vào. Lý Cố thấy hoàng thượng ôm bụng nhăn nhó, liền hỏi: "Hoàng thượng thấy ngọc thể ra sao?"

Chất Đế nói: "Ta vừa ăn bánh xong, thấy bụng đau quặn, miệng khô muốn uống nước".

Lương Ký đứng cạnh vội tâu: "Không được! Uống nước vào sẽ bị nôn mửa". Nói chưa xong thì vị hoàng đế 8 tuổi đã ngã lăn ra chết tức khắc. 

Giết xong Chất Đế, Lương Ký lại chọn một chú bé 15 tuổi trong hoàng tộc là Lưu Chí lên làm hoàng đế. Đó là Hán Hoàn Đế. Hán Hoàn Đế lên ngôi, Lương hoàng hậu trở thành Lương thái hậu, triều chính hoàn toàn nằm trong tay Lương Ký, Lương Ký càng hoành hành ngang ngược hơn nữa. Để hưởng thụ cuộc sống xa hoa không kém gì hoàng đế, Lương Ký cho xây dựng rất nhiều lâu đài, dinh thự, chiếm rất nhiều ruộng đất của dân chúng ở ngoại thành Lạc Dương để làm vườn hoa riêng, trong đó có đủ đình đài, lầu, các đẹp đẽ xa hoa. Hắn ta thích nuôi thỏ, xây dựng một khu nuôi thỏ ở phía tây thành, lệnh cho các địa phương nộp thỏ, đưa vào vườn. Hắn đóng dấu vào mỗi con thỏ làm ký hiệu riêng. Ai lỡ tay bắn chết một con thỏ trong vườn nhà họ Lương đều bị ghép vào tử tội. Có một thương nhân từ Tây Thành đến Lạc Dương, không biết lệnh cấm đó, bắn chết một con thỏ. Vụ án đó gây liên lụy, làm thiệt mạng hơn 10 người.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ