TRƯƠNG THẾ KIỆT TỬ THỦ NHAI SƠN

702 6 0
                                    

Trương Thế Kiệt và Trần Nghi Trung làm sao tới được Phúc Châu? Nguyên do là sau khi Lâm An bị chiếm, hoàng đế Triệu Hiển bị bắt đi Đại Đô, thì 2 người anh của Triệu Hiển là Triệu Tự 9 tuổi, và Triệu Bính 6 tuổi được hoàng tộc Nam Tống và đại thần Lục Tú Phu hộ tống chạy đi Phúc Châu. Lục Pú Tu cử người đi tìm Trương Thế Kiệt và Trần Nghi Trung, mời họ tới Phúc Châu. Ba đại thần bàn bạc, quyết định tôn Triệu Tự lên làm hoàng đế, tiếp tục giương ngọn cờ triều Tống để chống lại triều Nguyên. Văn Thiên Tường được tin, cảm thấy có hy vọng, liền vội vã tới Phúc Châu, và đảm nhận chức khu mật sứ trong triều đình mới. Ông đề nghị với Trần Nghi Trung là tiến công quân Nguyên từ ngoài biển để thu phục vùng Lưỡng Triết. Nhưng Trần Nghi Trung cho rằng làm như vậy thì quá mạo hiểm, nên không đồng ý kế hoạch của Văn Thiên Tường. Văn Thiên Tường đành thay đổi chủ trương, tới Nam Kiến Châu (nay là Nam Bình, Phúc Kiến) lập đô đốc phủ, chiêu mộ người ngựa, chuẩn bị phản công.

Năm sau, Văn Thiên Tường tiến quân về Giang Tây, phối hợp với các cánh nghĩa quân khác, liên tục đánh bại quân Nguyên, thu phục được Hội Xương và nhiều huyện thành khác. Lúc đó, 1 cánh quân Nguyên đã tiến xuống đánh Phúc Châu. Quân Tống liên tục thua trận. Trần Nghi Trung thấy không còn hy vọng khôi phục, liền dùng thuyền đi ra biển mất tăm. Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu hộ tống Triệu Tự lên thuyền, chạy xuống Quảng Đông. Không may gặp sóng to gió lớn, Triệu Tự sợ hãi quá, phát ốm rồi chết. Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu lại tôn Triệu Bính lên ngôi hoàng đế, rồi di chuyển đến Nhai Sơn (nay ở phía nam Tân Hội, Quảng Đông). Đại tướng triều Nguyên là Trương Hoằng Phạm tấu trình với Nguyên Thế Tổ là nếu không nhanh chóng bóp chết cái triều đình nhỏ đó của Tống thì sẽ có nhiều người Tống hưởng ứng. Nguyên Thế Tổ liền phong Trương Hoằng Phạm làm nguyên soái, Lý Hằng làm phó soái, dẫn 2 vạn tinh binh, chia 2 đường thủy bộ tiến xuống. Trước hết, Trương Hoằng Phạm cho quân đánh Văn Thiên Tường ở Triều Châu, Văn Thiên Tường binh ít, thế cô buộc phải di chuyển tới 1 ngọn núi hoang ở Hải Phong. Quân Nguyên bất ngờ tiến đến, Văn Thiên Tường bị bắt sống. Quân Nguyên giải Văn Thiên Tường tới đại doanh của Trương Hoằng Phạm. Hoằng Phạm làm ra vẻ ân cần, cởi trói cho Văn Thiên Tường, rồi giữ ông trong trại và hạ lệnh tập trung thủy quân tiến đánh Nhai Sơn. Quân Nguyên đến Nhai Sơn, Trương Hoằng Phạm sai người dụ hàng Trương Thế Kiệt. Trương Thế Kiệt trả lời: "Ta biết rằng nếu đầu hàng triều Nguyên thì không những giữ được tính mạng, mà còn có thể giàu sang. Nhưng ta thà mất đầu, chứ không để mất khí tiết".

Trương Hoằng Phạm biết thường ngày Trương Thế Kiệt rất khâm phục Văn Thiên Tường, liền yêu cầu Văn Thiên Tường viết thư khuyên Trương Thế Kiệt đầu hàng. Văn Thiên Tường cười nhạt: "Bản thân ta đã không cứu được cha mẹ, lẽ nào lại khuyên người khác phản bội lại cha mẹ?".

Trương Hoằng Phạm sai người đem bút mực tới, ép ông viết thư. Văn Thiên Tường lập tức cầm bút, viết luôn 2 câu thơ:

"Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh".

Dịch:

" Người vốn xưa nay ai chẳng biết, 

Giữ tấm lòng son rạng sử xanh."

(đây là 2 câu thơ trong bài 8 câu thơ do Văn Thiên Tường viết trên biển khi đang đi tìm triều đình).

Binh lính đưa 2 câu thơ đó cho Trương Hoằng Phạm xem, hắn chỉ còn biết cười gượng. Thấy khuyên hàng không có xong, Trươn Hoằng Phạm liền thúc quân đánh ráo riết. Nhai Sơn nằm trong vùng ven biển Quảng Đông, sau lưng là núi, trước mặt là biển, địa thế rất hiểm yếu. Trương Thế Kiệt dùng hơn 1000 chiến thuyền dàn hàng ngang trên biển, dùng thừng chão liên kết các thuyền lại với nhau, xung quanh thuyền dựng các chòi cao, quyết tâm tử chiến với quân Nguyên. Quân Nguyên dùng thuyền nhỏ chở đầy cỏ khô, tưới dầu, phóng hỏa, nhờ sức gió đưa vào toan đốt thuyền quân Tống. Trương Thế Kiệt đã chuẩn bị sẵn, cho trát đất bùn dày ngoài thuyền để chống cháy và dùng các sào dài ngăn hỏa thuyền của quân Nguyên, không cho tiến sát. Phương pháp hỏa công thất bại, Trương Hoằng Phạm liền dùng thuyền phong tỏa chặt Nhai Sơn, cắt đứt đường thông với lục địa của Trương Thế Kiệt Quân Tống chỉ còn lương khô, ăn xong lại uống với nước biển; vừa mặn, vừa đắng nên rất nhiều người đau bụng, nôn mửa. Hai bên cầm cự 1 thời gian. Lúc đó, phó soái quân Nguyên là Lý Hằng mang quân từ Quảng Châu đến tăng cường cho Trương Hoằng Phạm. Quân Nguyên tổ chức lại cuộc tiến công, chia quân làm 4 cánh, vây chặt quân Tống. Khi nước triều xuống, quân Nguyên đánh từ mặt bắc, khi nước triều lên lại đánh từ mặt nam lên.

Quân Tống bị đánh 2 mặt, chống đỡ rất vất vả. Bỗng nghe từ thuyền chỉ huy của Trương Hoằng Phạm nổi lên tiếng âm nhạc. Quân Tống tưởng lầm rằng phía Nguyên tổ chức yến ẩm vui chơi, nên có phần lơi lỏng. Ngờ đâu đó chính là ám hiệu tổng công kích của quân Nguyên. Quân Nguyên ồ ạt thúc thuyền tiến lên dưới sự yểm trợ của làn tên bắn như mưa về phía thuyền Tống, cướp được 1 số thuyền trong hàng rào bảo vệ. Các cánh quân Nguyên dũng mãnh xông lên, cuộc chiến đấu diễn ra suốt từ trưa tới tối, sóng biển sục sôi, tiếng hô giết vang trời. Trương Thế Kiệt đang chỉ huy chiến đấu, bỗng thấy 1 chiếc thuyền Tống hạ cờ xuống, ngừng chống cự; 1 số thuyền khác cũng làm theo. Biết trận đánh đã thất bại, ông vội tập trung tinh binh về trung quân, rồi phái thuyền nhỏ đi đón Triệu Bính, chuẩn bị phá vây. Thuyền của Triệu Bính do Lục Tú Phu chỉ huy quân bảo vệ. Thấy thuyền nhỏ tới, ông không rõ là thật hay giả, sợ hoàng đế rơi vào tay quân Nguyên, nên nhất định không cho đón mang đi. Tới lúc nguy cấp, Lục Tú Phu nói với Triệu Bính: "Đất nước đã tới nước này, bệ hạ cũng đành hiến thân cho nước, chớ để rơi vào tay địch". Nói xong, liền cõng ấu chúa nhảy xuống biển, cùng chìm trong sóng lớn.

Trương Thế Kiệt không đón được Triệu Bính, đành chỉ huy chiến thuyền, lợi dụng trời tối, phá vây lui tới Hải Lăng Sơn. Ông kiểm điểm lại lực lượng, hơn 1000 chiến thuyền chỉ còn lại hơn 10 chiếc. Vừa lúc đó, trời nổi gió lớn, có người khuyên Trương Thế Kiệt lên bờ tránh sóng gió, nhưng ông không chịu. Cuối cùng, sóng lớn làm lật thuyền. Vị dũng tướng 1 lòng kháng chiến đã hy sinh. Năm 1279, triều Nguyên thống nhất Trung Quốc. Nam Tống hoàn toàn diệt vong.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ