THÍCH QUANG KẾ ĐUỔI GIẶC BIỂN NHẬT

734 4 0
                                    


Thời Minh Thế Tông, 1 bọn giặc biển Nhật thường quấy nhiễu miền ven biển đông nam. Chúng liên kết với bọn thổ hào, gian thương, giết người cướp của khắp nơi, khiến miền duyên hải không còn an ninh. Lịch sử gọi bọn đó là "Nụy khấu" (giặc cướp Nhật). Năm 1553, bọn chúng câu kết với bọn Hán gian Uông Trực, Từ Hải, tập trung mấy trăm hải thuyền đổ bộ lên vùng ven biển Triết Giang, Giang Tô, phân thành mấy chục toán, tới cướp bóc ở hàng chục thành phố, thị trấn. Quan lại và binh sĩ ven biển không dám chống lại, hễ thấy chúng tới là bỏ chạy. Sự quấy nhiễu của chúng ngày càng nghiêm trọng khiến Minh Thế Tông xưa nay vẫn ru rú trong cung cũng không thể không lo lắng, liền gọi Nghiêm Tung tới bàn cách đối phó. Đồng đảng của Nghiêm Tung là Triệu Văn Hoa nghĩ ra 1 "cao kiến", là muốn dẹp được bọn giặc biển Nhật, cần cầu xin vị thần ở Đông Hải phù hộ. Minh Thế Tông tin theo, liền sai hắn tới Đông Hải cầu xin thần linh. Tất nhiên việc làm đó chẳng có tác dụng gì, triều đình phải cử 1 lão tướng không thuộc miền biển là Du Đại Du tổ chức lực lượng phòng chống. Du Đại Du tới Triết Giang, đánh thắng liền mấy trận. Nhưng không lâu sau, Tổng đốc Triết Giang là Trương Kinh bị Triệu Văn Hoa hãm hại, Du Đại Du cũng bị liên lụy, bị bắt giam. Việc phòng thủ ven biển không có người chỉ huy, nên hoạt động của bọn giặc biển càng càn rỡ hơn. Triều đình phải điều Thích Kế Quang, tướng chỉ huy ở Sơn Đông về Triết Giang, mới giải quyết được tình hình đó.

Thích Kế Quang là anh hình dân tộc trong lịch sử Trung Quốc, quê tại Phùng Lai, Sơn Đông. Khi tới Triết Giang, kiểm tra quân đội, thấy kỷ luật quá lỏng lẻo, không thể đánh trận được. Ông liền chiêu mộ người, thành lập 1 đội quân mới. Lệnh chiêu mộ vừa ban ra, lập tức được nhiều người vốn đã khổ vì sự quấy nhiễu của giặc biển, gồm nông dân và phu khai mỏ tới tình nguyện gia nhập, 1 số địa chủ có vũ trang cũng đưa lực lượng tới xin sáp nhập. Quân số tăng nhanh chóng lên tới 4000 người. Thích Kế Quang là 1 tướng lĩnh tinh thông binh pháp. Ông hiểu rằng nếu quân kính không được huấn luyện nghiêm túc thì không thể ra trận được. Căn cứ vào địa hình miền nam có nhiều đầm ao, ông nghiên cứu tìm ra cách đánh thích hợp, huấn luyện quân lính sử dụng thông thạo các loại vũ khí. Qua 1 thời gian rèn luyện, đội quân mới của ông có sức chiến đấu rất mạnh. Tiếng tăm của "Thích gia quân" được đồn đại khắp gần xa. Mấy năm sau, bọn giặc biển lại tập kích vào Đài Châu (nay là Lâm Hải, Triết Giang). Thích Kế Quang dẫn quân tới. Thấy giặc quấy phá vùng nào, ông liền dẫn quân tới vùng đó. Bọn cường đạo ô hợp địch sao nổi đội quân được chỉ huy chặt chẽ như Thích gia quân? Lần giao tranh nào, đội quân của Thích Kế Quang cũng giành thắng lợi. Cuối cùng, bọn giặc biển không trụ nổi trên bờ, buộc phải rút xuống thuyền. Thích Kế Quang lại dùng pháo lớn bắn mạnh, thuyền bọn giặc bốc cháy, 1 số lớn giặc chết cháy hoặc rơi xuống biển, số còn lại trên bờ đành ngoan ngoãn đầu hàng.

Bọn giặc biển thấy Triết Giang được phòng thủ nghiêm mật, không dám xâm phạm nữa. Năm sau, chúng chuyển sang hoạt động vùng biển Phúc Kiến. Chúng chia làm 2 toán, 1 toán từ Ôn Châu đi xuống phía nam, chiếm cứ Ninh Đức; 1 toán khác từ Quảng Đông đi lên phía bắc, chiếm cứ Ngưu Điền. Hai toán giặc hỗ trợ lẫn nhau, thanh thế rất lớn. Tướng giữ Phúc Châu không chống nổi, vội cáo cấp lên triều đình. Triều đình lại cử Thích Kế Quang dẫn quân cứu viện. Thích Kế Quang dẫn quân tới Ninh Đức, thấy sào huyệt bọn giặc đóng tại đảo Hoàng Dữ, cách Ninh Đức 10 dặm. Nơi đó 4 phía là nước, địa hình rất hiểm yếu. Bọn giặc biển xây dựng doanh trại tại đảo này, nên quân tại địa phương không dám tiến đánh chúng. Thích Kế Quang đích thân điều tra địa hình hòn đảo này, biết được đường thủy ra đảo vừa hẹp, vừa nông. Ngay trong đêm đó, ông hạ lệnh cho binh sĩ mang theo mỗi người 1 bó cỏ rải xuống thành 1 con đường. Thích gia quân theo con đường đó, xuất hiện như trên trời xuống, ào ạt tiến đánh vào doanh trại bọn giặc. Qua 1 trận chiến đấu kịch liệt, toàn bộ hơn 2000 giặc biển trên đảo bị tiêu diệt. Đánh xong Hoàng Dữ, Thích gia quân lập tức tiến đánh Ngưu Điền. Tới gần Ngưu Điền, Thích Kế Quang hạ lệnh: "Ta đã hành quân đường dài, người ngựa mỏi mệt, hãy nghỉ ngơi tại chỗ rồi sẽ tính sau".

Tin đó nhanh chóng truyền tới tai bọn giặc. Chúng tin là Thích gia quân ngừng lại thật nên lơ là việc phòng bị. Nhưng ngay tối hôm đó. Thích Kế Quang hạ lệnh tổng công kích vào Ngưu Điền. Bọn giặc biển không chuẩn bị ứng chiến, nên chống sao nổi sức tiến công mãnh liệt của Thích gia quân, đều trốn chạy tan tác. Tên đầu sỏ dẫn tàn binh chạy đến Hưng Hóa, Thích Kế Quang dẫn quân truy đuổi suốt đêm, đánh tan hơn 60 cứ điểm của giặc, tiêu diệt hầu hết số giặc chạy trốn. Khi trời sáng rõ, Thích gia quân tiến vào thành Hưng Hóa, dân trong thành mới biết bọn giặc biển vùng xung quanh đã bị tiêu diệt. Mọi người vô cùng phấn khởi, đua nhau giết trâu, dọn rượu mang tới quân doanh úy lạo tướng sĩ. Năm sau, bọn giặc biển lại xâm phạm Phúc Kiến, đánh chiếm Thanh Hóa. Lúc đó, Du Đại Du đã được phục chức. Triều đình liền cử Du Đại Du làm Tổng binh Phúc Kiến, Thích Kế Quang làm phó tổng binh. Hai danh tướng hợp tác với nhau, đánh bại giặc biển, thu lại Hưng Hóa. Năm 1565, 2 ông lại phối hợp đánh cho quân giặc tan tác. Từ đó, Nụy khấu được căn bản diệt trừ.


LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ