Trong khi vương triều Minh đang nát bét, thì tại vùng Giang Âm có 1 thanh niên, bất mãn với triều chính thối nát, không chịu theo con đường khoa cử để làm quan, mà nuôi chí đi du lịch khắp núi cao sông lớn của tổ quốc, tìm tòi phát hiện những bí mật của tự nhiên. Từ Hà Khách có tên thực là Từ Hoằng Tổ, Hà Khách chỉ là biệt hiệu. Từ nhỏ, ông đã ham đọc sách lịch sử, địa lý. Khi học trong trường tư thục, thầy đồ đôn đốc ông đọc tứ thư ngũ kinh, ông thường giấu sách địa lý bên dưới, nhân lúc thầy không chú ý thì lấy ra đọc trộm, đọc tới mức mê mải say sưa. Năm 19 tuổi, cha ông mất. Ông vốn đã muốn đi khảo sát khắp sông núi trong nước, nhưng vì nghĩ tới bà mẹ đã già, không có ai trông nom nên không dám nêu ý muốn đó ra. Tâm sự của ông cuối cùng cũng được bà mẹ biết đến. Bà hiểu rõ nguyện vọng chính đáng của ông, liền nói: "Tài trai chí ở bốn phương, sao lại vì mẹ mà cứ ru rú ở nhà như con gà trong lồng, con ngựa trong chuồng!". Bà chuẩn bị hành trang đầy đủ cho ông, lại còn khâu cho ông chiếc mũ chuyên dùng để đi xa. Được mẹ khuyến khích, Từ Hà Khách liền quyết tâm lên đường viễn du.
Năm 22 tuổi, Từ Hà Khách lên đường. Ông lần lượt đi thăm Thái Hồ, Động Đình Hồ, Thiên Đài Sơn, Nhạn Đãng Sơn, Thái Sơn, Vũ Di Sơn và Ngũ Đài Sơn, Hằng Sơn ở miền bắc. Mỗi lần về qua nhà, ông đều kể lại cho bạn bè thân thích nghe các phong tục lạ và những cảnh nguy hiểm khi du lịch. Nhiều người nghe nói thì tròn mắt kinh sợ, nhưng bà mẹ lại thấy rất hứng thú. Sau khi mẹ mất, Từ Hà Khách dốc toàn tinh lực vào công cuộc du lịch và khảo sát. Năm 50 tuổi, ông tiến hành cuộc du lịch xa nhất, lâu nhất. Trong suốt 4 năm, ông đi qua Hồ Nam, Quảng Tây, Quí Châu, Vân Nam, tới tận Đằng Xung thuộc miền biên giới. Ông vượt suối trèo non, tới nhiều địa phương chưa từng có dấu chân người, leo lên các vách đá, khảo sát mọi đỉnh núi và hang động. Một lần, tại Đằng Việt, ông vượt qua 1 đỉnh núi chót vót, phát hiện bên vách núi có 1 cửa động, không có đường nào tới được. Ông không quản nguy hiểm tới tính mạng, leo trèo trên vách núi như khỉ vượn, cuối cùng tới được cửa hang.
Lại 1 lần khác, ông tới Trà Lăng thuộc Hồ Nam, nghe nói ở đó có 1 động tên là Ma Diệp Động, trong đó có thần long và yêu quái, ai không có pháp thuật thì không thể vào được. Từ Hà Khách không tin vào thần thánh ma quỷ. Ông bỏ tiền thuê người địa phương dẫn đường để vào động khảo sát. Lúc sắp tới cửa động, người dẫn đường hỏi ông là người thế nào. Khi biết ông chỉ là 1 người bình thường, người dẫn đường sợ hãi nói: "Tôi tưởng ngài là một pháp sư mới dám cùng ngài vào động. Nếu ngài chỉ là một người đọc sách bình thường, tôi không thể liều mạng đi với ngài!".
Từ Hà Khách không chịu bỏ ý định, thuê người đốt đuốc đi vào trong động. Người trong thôn nghe nói có người vào động, đều kéo nhau đến cửa động, chờ xem sự thể ra sao. Từ Hà Khách khảo sát trong đó rất lâu, mãi tới khi hết đuốc mới chịu đi ra. Mọi người thấy ông trở ra an toàn, đều hết sức kinh ngạc nói: "Chúng tôi đợi mãi, cứ tưởng rằng ngài bị yêu tinh ăn thịt mất rồi!".
Từ Hà Khách đi thăm miền Tây Nam, ngoài 1 gia bộc đi theo, còn có 1 hòa thượng tên là Tĩnh Văn cùng đi. Một lần, khi bọn họ đi thuyền trên Tương Giang thì gặp 1 bọn cướp, toàn bộ tiền bạc và hành lý bị bọn chúng cướp sạch. Hòa thượng Tĩnh Văn bị đánh trọng thương, đi tiếp tới giữa đường thì chết. Cuối cùng, chính người gia bộc cũng bỏ ông mà đi. Mặc dù lâm vào hoàn cảnh đó, ông vẫn không lay chuyển quyết tâm tiếp tục cuộc thám hiểm. Trên đường đi, mỗi tối trước khi đi ngủ, Từ Hà Khách đều ghi chép tỉ mỉ những điều tai nghe mắt thấy trong ngày. Ngay dù trong ngày phải ngủ trong rừng hoặc trên đường, ông đều giữ nếp ghi nhật ký. Năm 1641, sau khi ông qua đời, số nhật ký để lại rất nhiều. Đó là những ghi chép hết sức quý giá trong quá trình khảo sát địa lý của ông. Qua việc khảo sát thực địa, ông đã cải chính lại rất nhiều sai lầm được ghi trong sách vở trước kia và phát hiện, bổ sung nhiều điều chưa từng được ghi chép. Thí dụ như trường hợp sách địa lý cũ ghi rằng Mân Giang là đầu nguồn của Trường Giang. Qua khảo sát thực địa, Từ Hà Khách đã phát hiện thấy đầu nguồn của Trường Giang không phải là Mân Giang, mà là Kim Sa Giang. Lại thí dụ như khi khảo sát Ưng Sơn thuộc Đằng Xung, Vân Nam, ông đã phát hiện thấy những dấu tích trên núi lửa từ thời xưa. Trong khi thám hiểm, ông từng khảo sát rất nhiều dung nham. Tại Thất Tinh Nham thuộc Quế Lâm, ông đã khảo sát và ghi chép hết sức tỉ mỉ về các dạng thạch nhũ thiên hình vạn trạng trong hang. Đây là những trang ghi chép sớm nhất thế giới về hiện tượng thạch nhũ. Sau này, người ta dùng những nhật kí của ông để biên soạn cuốn "Từ Hà Khách du ký". Bộ sách này không những là tài liệu quí về địa lý học thời cổ, mà còn xứng đáng được coi là 1 tác phẩm văn học ưu tú của Trung Quốc.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...