Sau khi Mông Cổ và Tống liên hợp với nhau diệt xong triều Kim, Nam Tống liền đem quân muốn thu hồi Khai Phong và vùng Hà Nam. Ô-gô-đây lấy cớ Nam Tống phá hoại hiệp nghị, liền mang quân tiến công. Từ đó về sau, giữa 2 bên liên tục xảy ra chiến tranh. Sau khi cháu Ô-gô-đây là Mông Ke lên nối ngôi đại hãn, liền cử em là Khu-bi-lai (Hốt Tất Liệt) và đại tướng U-ri-ang-kha-đai (Ngột Lương Hợp Thai) tiến quân xuống Vân Nam, khống chế vùng tây nam. Năm 1258, Mông Ke chia quân làm 3 đường tiến công Nam Tống. Bản thân Mông Ke dẫn quân chủ lực tiến đánh Hợp Châu (nay là Hợp Xuyên, Tứ Xuyên); Khu-bi-lai tiến đánh Ngạc Châu (nay là Vũ Xương, Hồ Bắc), U-ri-ang-kha-đai tiến đánh Đàm Châu (nay là Trường Sa, Hồ Nam), chuẩn bị sau khi hội quân, sẽ cùng tiến chiếm Lâm An. Khi cánh quân Mông Ke đánh Hợp Châu, tướng Tống là Vương Kim và quân dân toàn thành ra sức chống cự, giữ vững thành Điếu Ngư ở phía đông Hợp Châu. Quân Mông Cổ vây thành Điếu Ngư suốt 5 tháng mà không hạ được. Trong khi vây thành, Mông Ke lại bị máy bắn đá bắn trúng, bị trọng thương, về tới đại doanh thì chết. Khu-bi-lai đang tiến quân về Ngạc Châu, còn chưa vượt sông thì được tin Mông Ke chết. Có người khuyên ông ta nên nhanh chóng trở về miền bắc để tranh đoạt ngôi đại hãn. Khu-bi-lai nói: "Ta phụng mệnh đánh triều Tống, sao có thể trở về tay không?".
Khu-bi-lai quan sát tình hình ven sông, rồi phái mấy trăm người trong đội cảm tử làm đội tiền phong, vượt Trường Giang. Quân Tống không phòng bị, quả nhiên tan vỡ. Quân Mông Cổ liền ồ ạt vượt sông, vây chặt Ngạc Châu. Tin cấp báo nối tiếp truyền về Lâm An, làm rung động triều Tống. Tống Lý Tông hạ lệnh cho các lộ quân tới cứu Ngạc Châu, lại hạ lệnh cho Giả Tự Đạo làm Hữu thừa tướng kiêm Khu mật sứ, đến Hán Dương đốc chiến. Giả Tự Đạo là 1 kẻ phóng túng bất học vô thuật, dựa vào thế lực người chị là sủng phi của Tống Lý Tông mà leo lên chức cao. Khi được phong quan, hắn không làm gì hết, chỉ thường xuyên cùng kĩ nữ uống rượu, ca hát trên Tây hồ. Một buổi tối, Tống Lý Tông lên lầu cao trong cung ngắm ra, thấy trên Tây hồ đèn đuốc sáng rực, liền nói với các thị thần: "Đây nhất định là thằng nhóc Giả Tự Đạo rồi!".
Các thị thần đều biết là Tống Lý Tông cưng chiều Giả Tự Đạo, liền nói hùn vào: "Chớ nghĩ là tuổi trẻ ham chơi, ông ta có tài năng lớn lắm đó".
Lần này Tống Lý Tông ra lệnh cho Đạo ra tiền tuyến đốc chiến, Đạo đành gắng gượng đi. Một lần, Đạo nghe nói phía trước có 1 toán quân Mông Cổ, thì run cầm cập, cuống quýt nói: "Làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ?". Sau, quân Mông Cổ cướp 1 số của cải rồi đi, Giả Tự Đạo mới hoàn hồn.
Khu-bi-lai đánh thành ngày càng dữ dội, Giả Tự Đạo thấy tình căng quá, liền giấu triều đình, lén phái 1 tên thân tín sang trại Mông Cổ xin hòa, tỏ ý nếu Mông Cổ lui quân thì triều Tống xin tình nguyện xưng thần và tiến cống vàng bạc,vải lụa. Khu-bi-lai đang thắng thế, chưa chịu nghe theo thì vừa nhận được thư mật của vợ từ miền bắc gửi xuống, cho biết 1 số quí tộc đang chuẩn bị cử em Khu-bi-lai là Aric-bu-ke (Alý Bất Kha) lên làm đại hãn. Khu-bi-lai vội trở về để tranh đoạt ngôi đại hãn, liền chấp nhận lời cầu xin của Giả Tự Đạo, 2 bên kí mật ước với nhau. Giả Tự Đạo chấp nhận cắt vùng đất Giang Bắc (bờ bắc Trường Giang) nhường cho Mông Cổ và mỗi năm tiến cống 20 vạn lạng bạc và 20 vạn tấm lụa. Thỏa thuận xong, Khu-bi-lai liền rút quân về bắc. Giả Tự Đạo trở về Lâm An, giấu biệt chuyện kí kết hòa ước, và đưa mấy tên tù binh Mông Cổ ra khoe khoang là quân Tống thắng lớn, không những là đã đuổi được Mông Cổ ra khỏi Ngạc Châu, mà còn quét sạch toàn bộ quân Mông Cổ dọc Trường Giang. Tống Lý Tông rất tin vào sự khoác lát của Giả Tự Đạo, cho là Đạo đã lập công lớn, nên lập tức xuống chiếu khen ngợi Đạo đã phấn đấu quên mình, chỉ huy tài giỏi và gia phong quan tước cho hắn.
Khu-bi-lai về tới miền bắc, được đại đa số quí tộc ủng hộ, liền lên ngôi đại hãn. Ông ta nhớ tới hòa ước đã kí với Giả Tự Đạo, liền phái sứ giả đến Nam Tống, yêu cầu thực hiện những điều đã kí. Sứ giả đến Chân Châu (nay là Nghi Trưng, Giang Tô), liền cử phó sứ mang thư đến cho Giả Tự Đạo. Giả Tự Đạo nghe nói sứ giả sắp tới Lâm An, sợ bại lộ việc lừ bịp, vội cử người tới Chân Châu, bắt giữ sứ giả lại. Khu-bi-lai được tin, nổi giận đùng đùng. Nhưng lúc đó, nội bộ Mông Cổ có xung đột, Aric-bu-ke đem quân chống lại Khu-bi-lai, giữa 2 anh em nổ ra chiến tranh. Khu-bi-lai đành tạm thời gác việc Nam Tống lại. Giả Tự Đạo dựa vào thủ đoạn lừa bịp, giữ được chức tể tướng trong mười mấy năm. Sau khi Lý Tông chết, thái tử Triệu Kỳ kế vị, tức là Tống Độ Tông. Tống Độ Tông phong Giả Tự Đạo làm thái sư, tước Ngụy quốc công, chiếm địa vị cao vót so với các đại thần khác. Để làm cao, Giả Tự Đạo ra vẻ cố ý xin cáo lão về nhà, 1 mặt lại cho tay chân rêu rao là quân Mông Cổ sắp đánh xuống. Tống Độ Tông vừa lên ngôi, sợ hãi, cố cầu khẩn hắn ở lại. Vì vậy mà uy quyền Giả Tự Đạo ngày càng cao. Tống Độ Tông cho xây riêng cho hắn 1 biệt thự hào hoa tráng lệ ở Tây hồ. Ngày ngày, Giả Tự Đạo vui chơi trong biệt thự. Mọi việc quốc gia đại sự, đều phải cử các quan chức đến tận nơi để xin ý kiến quyết định của hắn.
Sau khi đánh bại Aric-bu-ke, ổn định được nội bộ; vào năm 1271, Khu-bi-lai liền xưng đế, đổi quốc hiệu là Nguyên. Đó là Nguyên Thế Tổ. Nguyên Thế Tổ lấy cớ Nam Tống không thực hiện hòa ước, liền phái các đại tướng Lưu Chỉnh, A Truật tiến đánh Tương Dương. Quân Tống liên tiếp thất bại, thành Tương Dương bị vây suốt 5 năm liền. Giả Tự Đạo ra sức bưng bít tin tức chiến tranh ở tiền tuyến, không cho Tống Độ Tông biết. Có 1 viên quan dâng sớ cáo cấp lên Tống Độ Tông, sớ tấu rơi vào tay Giả Tự Đạo, viên quan đó lập tức bị cách chức. Một hôm, Giả Tự Đạo vào triều, Độ Tông hỏi hắn: "Nghe nói thành Tương Dương đã bị quân Mông Cổ vây suốt mấy năm nay. Làm thế nào bây giờ?".
Giả Tự Đạo làm ra vẻ kinh ngạc, nói: "Quân Mông Cổ đã bị ta đánh lui từ lâu rồi. Bệ hạ nghe từ đâu tin tức đó?".
Độ Tông nói: "Trẫm vừa nghe một cung nữ nói".
Tan triều, Giả Tự Đạo cho tra xét rõ người cung nữ đó, liền tạo 1 cớ mang giết. Từ đó, Độ Tông không còn được biết gì về tình hình tiến công của quân Mông Cổ nữa. Tương Dương bị vây lâu ngày, tình hình mỗi lúc một nguy cấp, nhưng Giả Tự Đạo cứ vùi đầu chơi bời trong biệt thự. Một lần, một quan chức thân tín đến tìm ông ta, thấy Đạo đang bò xoài dưới đất chơi trò chọi dế với mấy thị nữ. Viên quan đó gõ gõ vào vai Giả Tự Đạo, hỏi: "Đây phải chăng cũng là quốc gia đại sự?". Giả Tự Đạo đang mải vui, cũng chẳng để ý gì đến điều đó.
Cuối cùng, Tương Dương bị quân Nguyên phá vỡ. Triều đình Nam Tống rung chuyển. Đến lúc này, Giả Tự Đạo không còn bưng bít được nữa, liền trút trách nhiệm đó cho viên tướng giữ Tương Dương, cách chức viên tướng đó cho qua chuyện. Nguyên Thế Tổ thấy rõ Nam Tống thối nát như thế, liền quyết định đánh thẳng 1 mạch để tiêu diệt Nam Tống. Ông cử Tả thừa tướng Bá Nhan dẫn 20 vạn quân chia làm 2 đường tiến quân, 1 đường từ phía tây đánh Ngạc Châu, 1 đường từ phía đông đánh Dương Châu. Lúc đó, Tống Độ Tông ốm chết, Giả Tự Đạo lập 1 chú bé 4 tuổi là Triệu Hiển lên làm hoàng đế. Bá Nhan hạ thành Ngạc Châu, tiến đánh Lâm An. Giả Tự Đạo 1 mặt phái 7 vạn quân ra giữ Vu Hồ, 1 mặt cử người sang trại Nguyên xin hòa. Bá Nhan cự tuyệt và ra lệnh cho quân Nguyên tiến công trên toàn tuyến. Quân Tống tan vỡ khắp nơi. Giả Tự Đạo chạy về Dương Châu. Đến lúc này thì tình hình diệt vong của Nam Tống không còn cách gì cứu vãn được nữa.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...