73-74

1.2K 7 0
                                    

VƯƠNG MÃNG "PHỤC CỔ CẢI CHẾ"

Hán Thành Đế là một hoàng đế hoang dâm. Sau khi lên ngôi, đại quyền trong triều đình dần dần rơi vào tay ngoại thích (thân thích của hoàng thái hậu hoặc hoàng hậu). Hoàng hậu Vương Chính Quân, mẹ của Thành Đế có 8 anh em, trừ một người chết sớm, 7 người còn lại đều được phong hầu, trong đó Vương Phượng được phong làm đại tư mã, đại tướng quân. Vương Phượng nắm được đại quyền, mấy anh em con cháu của ông ta đều kiêu ngạo, xa xỉ; chỉ có một người cháu tên là Vương Mãng, cha mẹ mất sớm không có thói quen đó. Ông ta làm việc thận trọng như mọi người có học khác, sinh hoạt cũng tương đối tiết kiệm. Ai cũng ca ngợi Vương Mãng là người tốt nhất trong số vương gia tử đệ.

Sau khi Vương Phượng chết, hai người anh em của ông ta lần lượt làm tư mã. Sau đó đến Vương Mãng làm đại tư mã. Ông ta rất chú ý chiêu mộ nhân tài, một số trí thức mến mộ tên tuổi của ông cũng tìm đến, đều được ông thu nhận. Sau khi Hán Thành Đế chết, trong không đầy 10 năm, liên tiếp thay đổi hai hoàng đế khác, là Ai Đế và Bình Đế. Khi Hán Bình Đế lên ngôi, mới có 9 tuổi, mọi việc lớn của triều đình đều do đại tư mã Vương Mãng quyết định. Một số kẻ nịnh nọt đều nói Vương Mãng là đại công thần có công giữ yên triều Hán, xin Thái hoàng thái hậu phong cho Vương Mãng làm An Hán Công. Nhưng Vương Mãng nhất định không chịu nhận tước phong và đất phong. Sau đó, do các đại thần khuyên mãi, Vương Mãng mới chịu nhận tước phong, nhưng trả lại đất phong.

Công nguyên năm thứ 2, Trung nguyên có hạn hán và sâu bọ. Do trong nhiều năm quí tộc và quan lại không ngừng xâm chiếm đất đai, bóc lột nông dân nặng nề, nên khi có thiên tai, dân chúng không sao sống nổi, xã hội rung động. Để làm dịu bớt nỗi căm giận của dân chúng đối với triều đình và quan lại, Vương Mãng kiến nghị nhà nước tiết kiệm lương thực và vải vóc, tự mình cũng bỏ ra 100 vạn đồng tiền và 30 khoảnh đất để cứu tế cho dân. Do ông ta làm gương, một số quí tộc và đại thần cũng phải bỏ tiền và ruộng đất ra. Thái hoàng thái hậu lấy hơn 2 vạn khoảnh đất ở Tân Dã (nay là Tân Dã, Hà Nam) để thưởng cho Vương Mãng, nhưng Vương Mãng lại từ chối không nhận.

Vương Mãng còn phái 8 đại thần tâm phúc chia nhau đến các địa phương quan sát tình hình và lòng dân. Họ ra sức loan truyền và ca ngợi việc Vương Mãng không nhận đất thưởng ở Tân Dã, là một hành động rất khiêm tốn, nhường nhịn. Lúc đó, những địa chủ vừa và nhỏ rất căm giận việc xâm chiếm đất đai của bọn quí tộc, quan lại. Khi nghe nói Vương Mãng không chịu nhận đất phong thì đều cho rằng ông ta là người tốt hiếm có.

Vương Mãng càng không chịu nhận đất phong thì càng có nhiều người xin Thái hoàng thái hậu phong đất cho ông ta. Theo nói lại, có tất cả 80 vạn người gồm các đại thần trong triều đình, các quân địa phương và các dân thường dâng thư lên xin gia phong cho Vương Mãng, cộng lại có tất cả 3 vạn chữ. Thanh danh và uy tín của Vương Mãng ngày càng lên cao. Khi thấy người khác ngày càng ca ngợi Vương Mãng thì Hán Bình Đế ngày càng lo sợ và căm giận. Vì Vương Mãng không cho mẹ của Bình Đế ở gần hoàng đế, lại giết hết những người bên họ mẹ nên khi lớn lên, Bình Đế không tránh khỏi có những lời oán thán sau lưng.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ