PHÙ KIÊN KHÔNG NGHE LỜI CAN GIÁN
Khi Vương Mãnh còn sống, Phù Kiên luôn luôn làm theo lời khuyên và mưu kế do ông nêu ra. Nhưng lời dặn dò tâm huyết của Vương Mãnh trước khi chết thì Phù Kiên lại không nghe theo. Vương Mãnh cho rằng địch thủ của Tiền Tần là người Tiên Ty và người Khương, nhưng Phù Kiên lại hết sức tín nhiệm 2 người từ Tiền Yên tới đầu hàng là Mộ Dung Thùy, quí tộc người Tiên Ty và Diêu Trường, quí tộc người Khương. Vương Mãnh khuyên không nên tiến công Đông Tấn, nhưng Phù Kiên lại cho rằng Đông Tấn lag địch thủ duy nhất, không thể không tìm cách tiêu diệt. Ba năm sau khi Vương Mãnh chết, Phù Kiên phái con trai là Phù Phi cùng với Mộ Dung Thùy và Diêu Trường dẫn mười mấy vạn quân chia làm nhiều đường tiến đánh thành Tương Dương của Đông Tấn. Tướng trấn thủ Tương Dương là Chu Tự kiên quyết chống lại. Quân Tiền Tần mất gần 1 năm mới hạ được thành Tương Dương, bắt sống Chu Tự.
Chu Tự được đưa về Trường An. Phù Kiên thấy Chu Tự kiên quyết giữ Tương Dương, tỏ ra là 1 trung thần có khí tiết, liền phong Chu Tự làm quan của Tiền Tần. Tiếp đó, Phù Kiên lại cử hơn 10 vạn quân từ Tương Dương tiến sang phía đông đánh Hoài Nam, tướng trấn thủ của Đông Tấn là Tạ Thạch, Tạ Huyền dẫn quân thủy bộ đón đánh, quân Tiền Tần thất bại thảm hại. Nhưng Phù Kiên vẫn cay cú, không chịu thôi. Tới năm 382 Phù Kiên tự thấy mọi việc đã chuẩn bị đầy đủ, liền hạ quyết tâm tiến công vào thành Đông Tấn. Tháng 10 năm đó, Phù Kiên triệu tập các đại thần họp bàn trong điện Thái Cực ở hoàng cung Trường An. Mở đầu cuộc họp, Phù Kiên nói: "Trẫm kế thừa ngôi báu đến nay đã gần ba mươi năm. Các thế lực cát cứ hầu như đã bình định xong. Chỉ còn lại có Đông Tấn ở miền nam là chưa chịu thần phục. Ngày nay chúng ta có chín mươi bảy vạn quân tinh nhuệ. Trẫm dự định thân chinh đi đánh Tấn. Các khanh thấy thế nào?".
Các đại thần đều tỏ ý phản đối chủ trương đó. Đại thần Quyền Dư nói: "Nước Tấn tuy nhỏ yếu, nhưng quốc vương nước đó không phạm sai lầm gì lớn. Họ lại có những văn thần, võ tướng giỏi giang, đoàn kết chặt chẽ như Tạ An, Hoàn Xung. Thần nghĩ rằng bây giờ chưa phải là lúc tiến công lớn vào Đông Tấn".
Võ tướng Thạch Việt tiếp lời: "Nước Tấn có Trường Giang là chướng ngại thiên nhiên, lại thêm dân chúng đều có ý chí giữ nước. Thần sợ rằng chúng ta không thể thắng được".
Nghe thấy ý kiến đó, Phù Kiên nổi giận, lớn tiếng: "Hừm! Chướng ngại thiên nhiên Trường Giang thì đáng kể gì. Quân đội chúng ta đông thế này, mỗi người chỉ cần ném chiếc roi ngựa xuống cũng đủ làm tắc ứ dòng sông lại. Lúc đó thì còn gì là chướng ngaij nữa".
Triều thần bàn bạc suốt buổi, vẫn không đi tới quyết định được. Phù Kiên lại bực bội nói: "Các ngươi lui cả đi. Để ta tự suy xét và quyết định".
Các đại thần thấy Phù Kiên nổi nóng, đành lặng lẽ rời khỏi cung điện. Cuối cùng chỉ còn lại Phù Dung là em ruột Phù Kiên ở lại. Phù Kiên kéo tay Phù Dung tới ngồi bên cạnh nói: "Từ xưa tới nay, quyết định quốc gia đại sự, bao giờ cũng chỉ dựa vào một vài người. Hôm nay mọi người bàn bạc lung tung, chẳng đi đến kết quả gì. Việc này phải do hai anh em ta quyết định thôi".
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Ficción históricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...