Năm 1628, tức là năm thứ 2 đời Sùng Trinh, vùng Thiểm Tây lâm vào nạn đói nghiêm trọng. Dân chúng không có lương thực, đã đào hết rễ cỏ, bóc hết vỏ cây, đành phải ăn cả đất trên núi. Nhưng quan lại địa phương vẫn cứ đốc thúc thu thuế, trong khi dân chúng không có gì giao nộp. Chịu không nổi, nhiều người nổ ra khởi nghĩa nông dân. Mùa đông năm đó, triều Minh điều 1 số quân từ Cam Túc lên Bắc Kinh. Quân tới huyện Kim (nay là Du Lâm, Thiểm Tây), không được phát tiền lương, liền ào vào làm nháo động nha môn. Tướng cầm đầu đứng ra ngăn cản, 1 người lính trẻ phẫn nộ, hô hào mọi người xông tới giết luôn viên tướng và quan huyện. Người lính đó là Lý Tự Thành.
Lý Tự Thành quê ở Mễ Chi, Thiểm Tây, sinh trong 1 gia đình nông dân. Khi còn ít tuổi, đã thích cưỡi ngựa bắn cung, luyện tập võ nghệ. Sau, cha mất đi, cảnh nhà bần cùng, Lý Tự Thành phải tới dịch trạm Ngân Xuyên làm phu giữ ngựa. Ông cư xử với mọi người đều chí tình nên được mọi phu trạm yêu mến. Gia đình Lý Tự Thành từ lâu vẫn làm sai dịch đi thu thuế cho quan địa phương. Vùng Mễ Chi mất mùa mấy năm liền, nông dân không nộp được tô thuế. Một địa chủ họ Ngải ở địa phương thừa cơ cho vay lãi cao để bóc lột dân nghèo. Lý Tự Thành thấy mọi người không nộp được thuế, liền đứng ra vay lãi cao nộp thuế thay cho tất cả. Thời gian sau, tên địa chủ họ Ngải bắt Lý Tự Thành phải trả nợ. Ông không kiếm được tiền trả, bị hắn trình quan, bắt ông lên đánh 1 trận thừa sống thiếu chết, rồi cùm xích lại, mang ra phơi nắng, không cho ăn uống gì. Dân chúng và lính trạm thương xót, khẩn cầu quan huyện cho ông đứng dưới bóng cây và cho ăn uống. Quan huyện không thuận. Quần chúng bừng bừng phẫn nộ, hùa nhau xông vào tháo cùm xích cho Lý Tự Thành rồi đưa ông cùng trốn khỏi Mễ Chi, tới Cam Túc xin đăng lính. Lần này, Lý Tự Thành cầm đầu giết quan tướng, rồi dẫn mấy chục bạn lính đi theo nghĩa quân do Vương Tả Quải lãnh đạo, được làm 1 đầu lĩnh.
Tổng đốc Dương Hạc thấy nghĩa quân ngày càng đông thì vô cùng sợ. Ông ta vừa mang quân trấn áp vừa dùng quan cao lộc hậu để chiêu hàng tướng lĩnh nghĩa quân. Vương Tả Quải nghe lời chiêu dụ, liền đầu hàng. Lý Tự Thành buộc phải đi tìm toán nghĩa quân khác. Sau, nghe tin có đội nghĩa quân lớn, thủ lĩnh là Cao Nghinh Tường, tự xưng là "Sấm Vương", liền quyết tâm đi theo Cao Nghinh Tường. Thấy Lý Tự Thành đem lực lượng đến theo, Cao Nghinh Tường cả mừng, lập tức phong ông làm tướng, phụ trách 1 toán quân. Mọi người gọi ông là "Sấm tướng".
Cao Nghinh Tường liên hợp với các nghĩa quân khác, chiến đấu lưu động trong phạm vi 5 tỉnh vùng Sơn Tây, Hà Bắc, thanh thế ngày càng lớn. quân triều đình đi đánh dẹp, đều bị đánh bại. Sùng Trinh Đế giận quá hóa khùng, điều động hạ lệnh quân đội các tỉnh tới bao vây quân khởi nghĩa, toan đánh 1 đòn quyết định. Để đối phó lại cuộc bao vây lớn đó, Cao Nghinh Tường triệu tập thủ lĩnh 13 nghĩa quân tới họp tại Huỳnh Dương để bàn đối sách. Trong hội nghị, mọi người tranh luận sôi nổi, có người cho là quân triều đình quá mạnh, chi bằng chuyển về căn cứ cũ ở Thiểm Tây lẩn tránh 1 thời gian rồi tính kế sau. Có người phản đối chủ trương đó, nhưng lại không nêu được chủ trương gì hay. Lúc đó, Lý Tự Thành đứng dậy nói: "Một người lính dám liều mình còn có thể chiến đấu giết địch một trận kịch liệt. Nay chúng ta có mười vạn đại quân, địch tới bao vây, sao chúng ta lại không chống lại được?".
Cao Nghinh Tường hỏi, giọng tán thưởng: "Vậy theo ý tướng quân, chúng ta nên làm thế nào?".
Lý Tự Thành nêu lên chủ trương: cần phân lực lượng làm mấy cánh, cùng đánh ra, phá vỡ vòng vây của địch. Mọi người nghe nói có lý, liền bàn luận chi tiết, phân toán quân làm 6 cánh, cánh thì kìm giữ địch, cánh thì tác chiến lưu động. Cao Nghinh Tường, Lý Tự Thành cùng đội nghĩa quân do Trương Hiến Trung lãnh đạo đánh về hướng đông, phá vòng vây, tiến chiếm Phượng Dương thuộc miền Giang Hoài. Phượng Dương là quê hương của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Sau khi Minh Thái Tổ chết, nơi đây trở thành Trung Đô của triều Minh. Quân nông dân đánh vào Phượng Dương, tức là đánh vào nơi tượng trưng oai linh của triều Minh. Đội quân của Cao Nghinh Tường, Trương Hiến Trung tiến đánh, thế như chẻ tre, không đầy 10 ngày đã hạ được Phượng Dương, đốt trụi khu lăng miếu các hoàng đế Minh và ngôi chùa Hoàng Giác, nơi trước kia Chu Nguyên Chương đã tu hành. Đòn đánh đó làm toàn thể triều đình rung động. Được tin, Sùng Trinh Đế vừa buồn vừa giận, lập tức hạ lệnh xử tử tuần phủ Phượng Dương.
Cao Nghinh Tường và Lý Tự Thành lại dẫn quân về Thiểm Tây, lưu động tiến đánh quân triều đình, khiến quân quan triều Minh luống cuống không sao đối phó nổi. Sùng Trinh Đế và các đại thần trong triều đều coi đội quân của Cao Nghinh Tường là cái gai trong mắt, tìm trăm phương nghìn kế hòng tiêu diệt. Một lần, Cao Nghinh Tường dẫn quân tiến công Tây An, tuần phủ Thiểm Tây là Tôn Truyền Đình đem quân mai phục trong hẻm núi thuộc Châu Chí (nay là Chu Chí, Thiểm Tây). Cao Nghinh Tường không phòng bị, qua kịch chiến, bị bắt và hy sinh. Lý Tự Thành dẫn số quân còn lại thoát được vòng vây. Các tướng sĩ mất chủ soái, hết sức đau buồn. Mọi người thấy Sấm tướng Lý Tự Thành là người xưa nay được Sấm Vương Cao Nghinh Tường tin yêu nhất, lại có võ nghệ cao cường, chiến đấu dũng cảm, liền tôn ông lên thay Cao Nghinh Tường, làm Sấm Vương. Từ đó về sau, danh tiếng của Lý Sấm Vương được truyền khắp gần xa. Danh tiếng Lý Sấm Vương càng cao thì vương triều Minh càng sợ hãi và căm ghét. Sùng Trinh Đế hạ lệnh cho tổng đốc Hồng Thừa Trù và tuần phủ Tôn Truyền Đình chuyên đối phó với Lý Tự Thành. Lý Tự Thành rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhờ nghĩa quân chiến đấu dũng cảm và Lý Tự Thành đa mưu túc trí, nên nhiều lần nghĩ quân phá được vòng vây, hoạt động suốt dải Tứ Xuyên, Cam Túc, Thiểm Tây, liên tục tiến đánh quân triều đình.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, thủ lĩnh 2 cánh nghĩa quân là Trương Hiến Trung, La Nhữ Tài đều về hàng triều đình, 1 số tướng dưới quyền Lý Tự Thành cũng bỏ trốn. Những sự kiện đó càng làm cho hoàn cảnh của Lý Tự Thành thêm khó khăn. Năm 1638, Lý Tự Thành từ Cam Túc di chuyển về Thiểm Tây, chuẩn bị đánh Đồng Quan, thì quân Minh từ 2 bên núi, dựa vào ưu thế địa hình, xông tới hết lớp này đến lớp khác. Nghĩa quân anh dũng chống lại, xung sát liên tục trong mấy ngày đêm, hàng vạn nghĩa quân hy sinh, số còn lại bị đánh tan tác. Lý Tự Thành và bộ tướng Lưu Tông Mẫn cùng 16 bộ tướng khác đánh lui nhiều đợt quân địch, mới vượt khỏi vòng vây. Họ trèo đèo lội suối, khắc phục biết bao khó khăn, tới được vùng núi Thương Lạc ở đông nam Thiểm Tây, lẩn trốn ở đó. Quân Minh từ Đồng Quan, phái nhiều kỵ binh trinh sát đi lùng truy bắt Lý Tự Thành. Nhưng truy lùng suốt mấy tháng, vẫn không có tăm hơi gì. Sau có người nói rằng, Lý Tự Thành bị trọng thương trong chiến đấu, đã bị chết, quân Minh mới dần lơi lỏng việc truy lùng.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historical FictionMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...